Giải pháp tình thế

Nhiều quốc gia vẫn đang nỗ lực viện trợ nhân đạo cho người dân tại Dải Gaza, trong bối cảnh LHQ nhiều lần cảnh báo về nguy cơ xảy ra nạn đói ở mảnh đất này khi cuộc xung đột đã bước sang tháng thứ 6 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tuy nhiên, việc thiếu một lệnh ngừng bắn lâu dài giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas khiến những chuyến hàng viện trợ chỉ là giải pháp trước mắt.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: OSAMA HAJJAJ
Biếm họa: OSAMA HAJJAJ

Theo Reuters, Người phát ngôn Lực lượng vũ trang Ai Cập, ông Gharib Abdel-Hafez cho biết, Ai Cập phối hợp với các nước tiếp tục thả hàng viện trợ nhân đạo xuống khu vực phía bắc Dải Gaza trong ngày 13/3, ngày thứ hai của tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, nhằm hỗ trợ người Palestine ở dải đất ven Địa Trung Hải này.

Ai Cập đã tham gia liên minh quốc tế cùng Jordan, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Mỹ, Pháp, Hà Lan và Bỉ để thả hàng viện trợ xuống Gaza nhằm cứu trợ người Palestine. Theo đó, máy bay vận tải quân sự của Ai Cập cùng với các máy bay khác từ các nước tham gia liên minh đã phân phát hàng viện trợ cho các khu vực bị ảnh hưởng ở phía bắc Gaza. Tuần trước, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi cho biết, viện trợ của nước này cho Gaza được chuyển bằng đường hàng không do những khó khăn trên tuyến đường bộ. Trước đó, lực lượng không quân Ai Cập đã tiến hành các đợt thả hàng viện trợ nhân đạo xuống Dải Gaza.

Trong khi đó, Morocco đã gửi 40 tấn hàng viện trợ nhân đạo tới Dải Gaza qua một sân bay của Israel. Động thái trên là nỗ lực mới nhất nhằm đa dạng hóa các tuyến viện trợ dành cho vùng lãnh thổ Palestine.

Ngoài ra, từ ngày 11/3, sáng kiến “Thực phẩm cho Gaza” đã được 3 cơ quan viện trợ đa phương, gồm Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cùng Italy công bố nhằm điều phối các nỗ lực nhân đạo quốc tế. Sáng kiến này được thực hiện nhằm tăng cường viện trợ lương thực và y tế cho vùng lãnh thổ Palestine trong thời gian ngắn, sau đó về lâu dài sẽ tập trung vào tái thiết xã hội và khôi phục cuộc sống của người dân nơi đây. Hành lang này sẽ được thiết lập từ đảo quốc Cyprus ở Địa Trung Hải.

Cơ quan y tế tại Dải Gaza cho biết, hơn 31.000 người Palestine đã thiệt mạng và hơn 72.000 người bị thương tại vùng lãnh thổ này kể từ khi nổ ra xung đột giữa Hamas và Israel vào ngày 7/10/2023. Trong khi đó, phía Israel thống kê 1.200 người đã thiệt mạng ở nước này và Hamas đã bắt giữ 253 con tin trong cuộc tấn công ngày 7/10. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi các bên ngừng bắn ở Dải Gaza khi tháng ăn chay Ramadan của tín đồ Hồi giáo bắt đầu, đồng thời thả các con tin bị phong trào Hồi giáo Hamas bắt giữ và loại bỏ “mọi trở ngại để bảo đảm công tác cung cấp viện trợ cứu sinh với tốc độ và quy mô lớn cần thiết” tới Gaza, nơi LHQ đã cảnh báo rằng, 25% dân số nơi đây đang bên bờ vực của nạn đói.

Tình trạng thiếu thốn của người dân tại Gaza là vô cùng cấp bách, song một giải pháp ngừng bắn toàn diện và lâu dài vẫn chưa có dấu hiệu xuất hiện. AP dẫn nguồn tin từ giới chức Qatar cho biết, Israel và Hamas chưa tiến gần đến thỏa thuận chấm dứt xung đột tại Gaza và trao trả con tin, đồng thời cảnh báo tình hình vẫn rất phức tạp. Các bên trung gian gồm Qatar, Ai Cập và Mỹ nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn cho cuộc xung đột tại Dải Gaza trước khi bắt đầu tháng lễ Ramadan. Tuy nhiên, đàm phán chưa đạt được kết quả sau nhiều tuần dù tháng lễ Ramadan đã bắt đầu vào ngày 10/3 vừa qua. Hamas và Israel đều đang đổ lỗi cho nhau về bế tắc trong các cuộc đàm phán. Phía Hamas cho rằng, Israel không chịu đáp ứng điều kiện chấm dứt xung đột và rút quân khỏi Gaza, trong khi Israel cáo buộc Hamas đang tìm cách làm leo thang xung đột tại khu vực trong tháng lễ Ramadan.

Những chuyến hàng cứu trợ của cộng đồng quốc tế phần nào làm dịu đi nỗi đau khổ cùng cực của người dân Gaza, song vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Để chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay ở dải đất này, cách duy nhất là chấm dứt xung đột tái thiết nền hòa bình lâu dài.