Căng thẳng Nga - Mỹ leo thang

Nga đang để ngỏ khả năng hạ cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ và tịch thu tài sản của các nước phương Tây, nếu Washington cùng các đồng minh tiến hành những hành động thực tế nhằm tịch thu tài sản của Nga bị phong tỏa.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: LIU RUI
Biếm họa: LIU RUI

Hãng thông tấn RIA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo, Moscow sẽ đáp trả bằng những biện pháp kinh tế và chính trị nếu tài sản của Nga bị tịch thu. Trước đó, Hạ viện Mỹ thông qua một gói dự luật, trong đó có dự luật liên quan việc tịch thu tài sản của Nga bị phong tỏa tại các ngân hàng Mỹ để chuyển cho một quỹ đặc biệt dành cho Ukraine. Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 cũng đang thảo luận về khả năng sử dụng khoảng 300 tỷ USD trong số tài sản của Nga bị phong tỏa ở phương Tây để tài trợ cho Kiev.

Sau thông tin này, Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov nói rằng, phía Nga sẽ xác minh những chi tiết của dự luật, đồng thời cảnh báo sẽ hành động theo cách bảo đảm những lợi ích của Nga. Theo thống kê, hơn 6 tỷ USD trong số 300 tỷ USD tài sản bị phong tỏa của Nga nằm ở các ngân hàng Mỹ. Số còn lại bị phong tỏa tại Đức, Pháp và Bỉ. Người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh, mọi động thái của Mỹ nhằm “đóng băng” các tài sản của Nga là bất hợp pháp, đồng thời tạo tiền lệ nguy hiểm và sẽ bị kiện ra tòa.

Phát biểu ý kiến với báo giới, ông Peskov cho biết, những biện pháp này là sự đổ vỡ của tất cả nền tảng hệ thống kinh tế. Ông nhấn mạnh đây là sự xâm phạm đối với những tài sản của nhà nước và tài sản cá nhân của Nga. Theo nhà ngoại giao Nga, nếu những biện pháp nói trên được triển khai, nhiều quốc gia và nhà đầu tư sẽ phải xem lại quyết định đầu tư vào Mỹ hoặc cất giữ tài sản của mình tại đây. Đồng thời, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin cũng tuyên bố, Moscow hiện đã có cơ sở để tịch thu tài sản của phương Tây sau khi Mỹ thông qua dự luật tịch thu tài sản của Nga.

Trong khi đó, Ngân hàng lớn nhất của Mỹ JPMorgan Chase đã kiện Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB) nhằm ngăn chặn nỗ lực của ngân hàng Nga tìm cách lấy lại tiền trong tài khoản bị phong tỏa ở Mỹ. Hồ sơ vụ kiện của JPMorgan Chase đã được gửi đến tòa án liên bang ở Manhattan (thành phố New York), ngay sau khi VTB đệ đơn khiếu nại lên tòa án Nga yêu cầu được lấy lại 439,5 triệu USD bị phong tỏa ở JPMorgan Chase.

Ngân hàng Mỹ cho rằng, động thái trên của VTB vi phạm thỏa thuận song phương, theo đó tranh chấp giữa các tổ chức tín dụng phải được giải quyết tại tòa án ở New York. Ngoài ra, JPMorgan Chase nêu rõ luật của Mỹ cấm ngân hàng này giải tỏa khoản tiền 439,5 triệu USD nói trên. Trong số các tổ chức tín dụng của LB Nga, VTB có khối lượng tài sản bị phong tỏa do lệnh trừng phạt ở mức kỷ lục khoảng 9,6 tỷ USD. Ban lãnh đạo VTB đã đề ra các chiến lược để lấy lại số tài sản này, trong đó có việc tách một pháp nhân đặc biệt ra khỏi tập đoàn. Hồi tháng 2/2022, Bộ Tài chính Mỹ đưa VTB vào danh sách các thực thể của Nga bị áp đặt các biện pháp trừng phạt liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga tiến hành ở Ukraine.

Căng thẳng trong quan hệ giữa hai cường quốc leo thang đã ảnh hưởng tới các kế hoạch kiểm soát vũ khí chung. Theo hãng tin TASS, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho rằng, không có cơ sở nào cho cuộc đối thoại ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí với Mỹ trong bối cảnh hiện nay, khi Washington vẫn áp dụng chính sách thù địch chống lại Moscow. Ông Lavrov nhấn mạnh, bất kỳ nỗ lực nào nhằm giảm nguy cơ xung đột đều phải mang tính toàn diện và dựa trên việc từ bỏ những gì mà Nga coi là vấn đề trọng tâm và đó là sự mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về phía Đông.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga cũng cảnh báo nguy cơ xảy ra cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân, có thể gây hậu quả thảm khốc. Ông cho rằng, để ngăn chặn tình hình thế giới xấu đi, duy trì ổn định lâu dài và giải trừ vũ khí, tất cả các nước nên nỗ lực tăng cường hệ thống an ninh quốc tế dựa trên các nguyên tắc đa phương, bình đẳng và không thể chia cắt. Ông Lavrov khẳng định, đây là cách duy nhất để giảm xung đột giữa các nước và bảo đảm tiến bộ thật sự trong việc kiểm soát vũ khí.