Phát hiện mới của Europol

Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) đưa ra cảnh báo về tình trạng các cá nhân và tội phạm có tổ chức đang “lách luật” khi chuyển đổi mục đích sử dụng những loại vũ khí có giấy phép thành “hàng nóng” bất hợp pháp.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh sát Bulgaria tham gia chiến dịch Conversus. Ảnh: POSTSEN
Cảnh sát Bulgaria tham gia chiến dịch Conversus. Ảnh: POSTSEN

Theo AP, các cơ quan thực thi pháp luật châu Âu vừa thực hiện chiến dịch truy quét mạng lưới tình nghi buôn lậu vũ khí xuyên biên giới. Europol cho biết, có tới 31 quốc gia tham gia hợp tác trong chiến dịch điều tra và truy quét có tên “Conversus”, do cảnh sát Romania và Bulgaria dẫn đầu. Cơ quan chức năng đã thực hiện 143 lượt khám xét, bắt giữ 22 cá nhân mua bán, vận chuyển trái phép hàng nghìn vũ khí, đạn dược. Trước đó, cơ quan an ninh các nước đã phối hợp tiến hành hàng loạt hoạt động điều tra.

Chiến dịch Conversus nằm trong khuôn khổ Nền tảng đa ngành của châu Âu về chống lại các mối đe dọa hình sự (EMPACT), với sự tham gia của cơ quan thực thi pháp luật từ 31 quốc gia, Cơ quan Tư pháp châu Âu (Eurojust) và Ủy ban châu Âu (EC). Hoạt động trong khuôn khổ EMPACT liên quan việc điều tra vũ khí trái phép nhằm xây dựng báo cáo an ninh về tình hình vũ khí hoán cải ở EU. Điều này cho phép các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị và lên kế hoạch hành động phòng, chống mua bán, chuyển đổi trái phép hoặc vận chuyển bất hợp pháp vũ khí và vật liệu nổ.

Các nhà điều tra cho biết, tội phạm đang có xu hướng buôn lậu các loại súng ngắn được sản xuất ban đầu với mục đích làm súng phát tín hiệu hoặc súng cảnh báo. Thông cáo của Europol nêu rõ: “Hầu hết vũ khí thu giữ trong đợt này là các mẫu được sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhập khẩu EU và được chào bán hợp pháp ở Bulgaria và các nước thành viên khác. Tuy nhiên, sau khi mua lại số súng ngắn này, tội phạm đã buôn bán xuyên biên giới và hoán cải thành vũ khí sát thương”.

Europol cũng cảnh báo tình trạng buôn bán vũ khí hoán cải phổ biến ở các quốc gia khác trong hoặc ngoài EU. Các cá nhân và tội phạm có tổ chức đã sửa đổi súng bắn pháo sáng, súng phát tín hiệu hoặc báo động thành súng có thể bắn đạn thật. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng này là bất hợp pháp. Sau khi vũ khí được chuyển đổi, các nhóm buôn lậu phân phối qua chợ đen hoặc những kênh trái phép khác.

Theo báo cáo Đánh giá mối đe dọa tội phạm nghiêm trọng và có tổ chức (SOCTA) 2021 của Europol, vòng đời của vũ khí bắt đầu từ quá trình sản xuất, sau đó được phân phối ra các kênh mua bán và đưa vào sử dụng. Pháp luật quy định các biện pháp sử dụng súng có trách nhiệm và cho mục đích hợp pháp như săn bắn, bắn súng thể thao… Khi hết tuổi thọ đăng ký, người sở hữu phải ngừng sử dụng súng hoặc tiêu hủy. Tuy nhiên, những tổ chức tội phạm hiện nay đã lợi dụng lỗ hổng trong quy định vòng đời này để sở hữu súng. Chúng giả mạo giấy tờ để thực hiện các giao dịch giả, chuyển đổi mục đích sử dụng vũ khí hoặc dùng các loại súng đã hết hạn đăng ký... Ngoài ra, các tổ chức tội phạm cũng có xu hướng tìm kiếm những loại vũ khí thay thế như bộ lắp ghép hoặc súng “in 3D” gây khó khăn cho quá trình quản lý và kiểm soát vũ khí hiện nay.

Báo cáo SOCTA 2021 của Europol cho thấy, 60% mạng lưới tội phạm hoạt động ở EU đang “kinh doanh” các loại súng được hoán cải. Buôn bán vũ khí được xem là hoạt động mang lại lợi nhuận cao của tội phạm có tổ chức ở châu Âu, cũng như mọi nơi khác trên thế giới. Các tổ chức buôn lậu có nhu cầu cao sở hữu các loại vũ khí để phục vụ mục đích buôn bán ma túy, buôn người hay cạnh tranh địa bàn với những băng nhóm khác.

Các cơ quan thực thi pháp luật đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải triệt phá những thị trường tội phạm này. Năm 2021, EU đã công bố kế hoạch hành động mới về buôn bán vũ khí dựa trên hai kế hoạch hành động trước đó và tập trung vào những ưu tiên như bảo đảm khung pháp lý để giảm rủi ro chuyển hướng súng từ hợp pháp sang thị trường chợ đen; tăng cường thực thi pháp luật để ngăn chặn tội phạm buôn lậu; đẩy mạnh hợp tác quốc tế…