Ngày 21/2 vừa qua, Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing đã quyết định thay thế người đứng đầu chương trình 737 MAX, ông Ed Clark. Trong một thông báo gửi các nhân viên, Giám đốc Hàng không thương mại Boeing (BCA) Stan Deal cho biết, bà Katie Ringgold sẽ thay thế ông Clark đảm nhận vai trò dẫn dắt chương trình 737 MAX của hãng. Ở vị trí mới, bà Ringgold sẽ chịu trách nhiệm quản lý nhà máy Renton ở bang Washington (Mỹ), nơi lắp ráp dòng máy bay MAX. “Ed ra đi trong sự biết ơn sâu sắc nhất của tôi và của toàn tập thể, đối với nhiều đóng góp quan trọng của ông ấy cho Boeing”, ông Deal chia sẻ trong thư.
Ông Ed Clark được biết đã có gần 18 năm phục vụ tận tâm cho công ty sản xuất máy bay hàng đầu thế giới. Trước đây, ông là một kỹ sư và thợ cơ khí kỳ cựu. Năm 2021, ông Clark được bổ nhiệm làm người đứng đầu chương trình 737 MAX khi chương trình này được nối lại sau thời gian gián đoạn do các vụ tai nạn liên quan máy bay 737 MAX vào năm 2018 và 2019 của hai Hãng hàng không Lion Airlines (Indonesia) và Ethiopiab Airlines (Ethiopia), khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng. Ông là người thứ năm giữ vị trí này trong ba năm.
Theo Reuters, ngoài vị trí Giám đốc chương trình 737 MAX, trong thông báo tới các nhân viên, lãnh đạo Boeing cũng liệt kê những thay đổi quản lý quan trọng khác. Cụ thể, bà Elizabeth Lund được bổ nhiệm vào vị trí mới là Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách các nỗ lực kiểm soát và bảo đảm chất lượng của Boeing. Trong khi đó, ông Mike Fleming sẽ kế nhiệm bà Elizabeth tiếp tục lãnh đạo nhóm hỗ trợ khách hàng của Boeing.
Lãnh đạo Boeing khẳng định, những thay đổi nhân sự nói trên nhằm “tăng cường tập trung vào việc bảo đảm mọi máy bay do hãng cung cấp đều đáp ứng hoặc vượt quá mọi yêu cầu về chất lượng và an toàn”. “Khách hàng của chúng tôi xứng đáng nhận được chất lượng phục vụ tốt nhất trong việc bảo đảm an toàn bay”, ông Deal nhấn mạnh.
Boeing đưa ra quyết định bổ nhiệm nhân sự mới sau sự cố ngày 5/1 liên quan máy bay Boeing 737 MAX của Hãng hàng không Alaska Airlines (Mỹ). Theo đó, máy bay đã phải hạ cánh khẩn cấp ngay khi vừa cất cánh do sự cố bung một phần cửa. Ngày 6/2, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) thông báo kết quả cuộc điều tra sơ bộ cho thấy, thân cửa thoát hiểm bất ngờ bung ra do bị thiếu bốn bu-lông ở những vị trí quan trọng. Mặc dù không có ai bị thương nghiêm trọng, nhưng các điều tra viên nhận định những sơ sót kể trên có thể dẫn tới kết quả thảm khốc.
Sau khi xảy ra sự cố, Boeing đã tạm dừng hoạt động tại nhà máy Renton và các cơ sở khác để xem xét các quy trình kiểm tra chất lượng và an toàn của hãng. Công ty này cam kết nỗ lực tăng cường kiểm tra các máy bay trước khi bàn giao. Giám đốc điều hành Boeing, Dave Calhoun cũng đã nhận trách nhiệm về vụ việc và cam kết sẽ minh bạch trong mọi vấn đề liên quan.
Sự cố ngày 5/1 nói trên đã khiến Cục Hàng không liên bang (FAA) và các nhà lập pháp Mỹ tăng cường kiểm tra Boeing. FAA đã tiến hành đợt kiểm tra an toàn kéo dài sáu tuần đối với Boeing. Hồi tháng 1/2023, FAA cũng đã chỉ định một hội đồng để đánh giá “văn hóa an toàn” của Boeing, dự kiến sẽ công bố trong những tuần tới.
Trong thời gian qua, nhiều Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của các hãng hàng không trên thế giới đã bày tỏ sự thất vọng với việc kiểm soát chất lượng của Boeing. Trong khi đó, mới đây, nhà sản xuất máy bay Airbus của châu Âu báo cáo số lượng đơn đặt hàng máy bay phản lực hằng năm đạt kỷ lục, vượt qua Boeing trong 5 năm liên tiếp.