Phân loại phim để "gỡ bí"

NDO - Bộ môn nghệ thuật thứ bảy với hình ảnh động có sức lan tỏa trực tiếp đến đông đảo công chúng. Song, điều này dẫn đến mặt trái là những hình ảnh tiêu cực, phản cảm trong phim cũng sẽ gieo rắc không ít những điều phản nhân văn tới người xem. Và khi đó, những người làm công tác quản lý cần phải làm công việc của mình đó là kiểm duyệt phim.

Cực chẳng đã mới... "tuýt còi"

Còn nhớ vào mùa phim hè 2012 xảy ra vụ việc hiếm gặp đó là khi bộ phim Bẫy cấp 3 của đạo diễn Lê Văn Kiệt bị cấm trình chiếu dưới mọi hình thức. Quyết định này do Cục Ðiện ảnh ban hành sau khi Hội đồng duyệt phim Quốc gia "tuýt còi" bộ phim này. MegaStar - đơn vị phát hành bộ phim này chấp hành quyết định; trên các diễn đàn, khán giả cũng bày tỏ đồng tình.

Sở dĩ Bẫy cấp 3 bị xếp xó vì bộ phim có nội dung không lành mạnh khi mô tả thô thiển khát khao "chuyện ấy" của các cô cậu học trò. Mặt khác, phim thể hiện sự thù hận của một nam sinh do chấn thương tâm lý từ nhỏ đã ra tay giết người dã man. Phim không được phổ biến là do vi phạm Ðiều 11 - Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ðiện ảnh năm 2009 và Ðiều 9 - Nghị định 54/2010/NÐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều trong Luật Ðiện ảnh và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ðiện ảnh về những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh. Nội dung vi phạm luật: hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết thể hiện cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, khuyến khích tội ác, trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án cái ác gắn với nội dung phim.

Không riêng ở Việt Nam mà chuyện kiểm duyệt phim ở đâu, và ở quốc gia nào cũng có vì lý do chính trị, tôn giáo, bảo vệ văn hóa bản địa, khi có quá nhiều cảnh bạo lực hoặc sex... Ðừng tưởng chỉ có nước theo đạo Hồi như I-ran mới khắt khe với phim ảnh mà Tây Ban Nha, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Bra-xin... đã từng đồng loạt cấm chiếu phim Một phim Xéc-bi (2010) với lý do tương tự Bẫy cấp 3.

Ở vụ việc Bẫy cấp 3, Hội đồng duyệt phim Quốc gia đã làm tốt vai trò của mình khi ngăn chặn kịp thời một sản phẩm văn hóa độc hại ra công chúng. Không biết bao nhiêu lần dư luận phê phán ảnh hưởng xấu của các bộ phim "đen" như là nguyên nhân của các tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, tội phạm vị thành niên. Ai dám chắc sau khi xem phim "đen", tất cả người xem đều có thể tự chủ để không hành động như trong phim?! Không chỉ riêng Bẫy cấp 3 mà nhiều bộ phim "đen" khác sẽ xuất hiện trong tương lai đều được thanh minh là không có dụng ý xấu. Nhưng giữa tính nghệ thuật và những cảnh phim "đen" là ranh giới hết sức mong manh. Sự non tay trong nghề nghiệp sẽ khiến những cảnh "nóng" mất tác dụng nghệ thuật, trở nên thô thiển, dung tục; nhưng có khi chính các nhà sản xuất lại cố tình làm một bộ phim "nhạy cảm" để câu kéo khán giả đến rạp.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết, các phim Việt khi đi trình duyệt đã rất được ưu ái, có nhiều tác phẩm Hội đồng còn chấp nhận xem những bán thành phẩm, chưa hòa âm. Nếu cần chỉnh sửa thì Hội đồng góp ý chân thành để không vì một chi tiết nhỏ mà làm hỏng cả bộ phim. Có thể thấy, ở Việt Nam và các nước khác việc kiểm duyệt nói chung là cực chẳng đã mới phải làm; quyền sáng tạo của nghệ sĩ được tôn trọng vì ai cũng mong muốn điện ảnh Việt Nam phát triển bằng các nước bạn.

Sớm áp dụng hệ thống phân loại phim

Gần đây, Hội đồng duyệt phim Quốc gia lại nằm trong tâm điểm chú ý của dư luận đã yêu cầu nhà sản xuất phim Bụi đời Chợ Lớn của đạo diễn Charlie Nguyễn phải hoãn chiếu để cắt gọt vì lo ngại nhiều cảnh bạo lực sử dụng vũ khí ảnh hưởng xấu tới giới trẻ. Nhưng lần này không còn nhiều người ủng hộ Hội đồng duyệt phim nữa vì những lý do Hội đồng duyệt phim Quốc gia đưa ra chưa thực sự thuyết phục.

Ðành rằng, lỗi đầu tiên thuộc về nhà sản xuất khi Cục Ðiện ảnh đã có văn bản giám định kịch bản Bụi đời Chợ Lớn, yêu cầu hãng phim cần phải sửa chữa, cắt bỏ những cảnh thể hiện tính chất bạo lực ghê sợ, loại bỏ một số lời thoại thô tục và có tính chất kích động bạo lực... Tuy nhiên, nhà sản xuất vẫn tiến hành quay mà không trình lại kịch bản chỉnh sửa sau khi đã được thẩm định, dẫn đến vi phạm. Về phía những nhà quản lý ở Cục Ðiện ảnh lẫn Hội đồng duyệt phim Quốc gia có lẽ cũng "quên mất" là Bụi đời Chợ Lớn thuộc thể loại hành động võ thuật giả tưởng về giới giang hồ cho nên việc cho rằng bộ phim này "bôi đen" hiện thực là chưa chính xác. Nhìn lại rất nhiều các bộ phim giả tưởng của nước ngoài, cảnh bạo lực máu me ngập cả phim, có khi cả thành phố bị hủy diệt không đúng như thực tế nhưng ai cũng hiểu là giả tưởng nên "không thèm chấp". Và thật đáng ngạc nhiên là những bộ phim nước ngoài được phép trình chiếu rộng rãi ở Việt Nam, trong khi Bụi đời Chợ Lớn thực sự "nhẹ nhàng" hơn nhiều thì lại phải sửa. 

Hội đồng duyệt phim Quốc gia tuy tập hợp những người có chuyên môn về điện ảnh nhưng thực tế các thành viên đâu phải lúc nào cũng có cái nhìn đúng về một bộ phim bởi họ cũng bị quy định các yếu tố văn hóa, hoàn cảnh sống, "gu" phim hình thành từ các bộ phim cũ... Cho nên, cần đưa những đạo diễn trẻ đã khẳng định được mình vào để có nhiều tiếng nói phản biện hơn. Nếu Hội đồng chỉ lo ngại một số khán giả trách móc mà "trảm nhầm còn hơn bỏ sót" thì rõ ràng nhà sản xuất cũng chẳng biết chỉnh sửa làm sao để vừa lòng. Nếu tình trạng này diễn ra quá nhiều và bừa bãi sẽ làm nản lòng các nhà sản xuất. Cần phải hiểu rằng, để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh, muốn hay không muốn phim giải trí phải chiếm phần lớn. Không chỉ thuần túy ở mặt doanh thu mà phim giải trí sẽ giúp điện ảnh Việt Nam hoàn thiện quy trình sản xuất chuyên nghiệp.

Ðiều cần làm ngay là Nhà nước cần đưa ra quy định về phân loại phim để giới hạn độ tuổi được xem những bộ phim "nhạy cảm" thay vì cứ cấm và bắt cắt gọt. Hiện nay, có gần 50 quốc gia sử dụng hệ thống phân loại phim (motion picture rating system). Chẳng hạn như ở Mỹ, phim sẽ phân loại ra năm cấp là: ai xem cũng được; trẻ em xem nên có người lớn đi kèm để giải thích; không thích hợp với trẻ dưới 13 tuổi; không dành cho trẻ dưới 17 tuổi mà không có cha mẹ hoặc người giám hộ đi cùng; cấm trẻ em dưới 17 tuổi. Phân loại phim có lẽ là giải pháp tốt nhất và chắc chắn sẽ có nhiều khán giả ủng hộ. Lấy ví dụ, qua khảo sát của một tờ báo, có hơn 8.000 độc giả tham gia thì 74% cho rằng nên chiếu bản phim gốc Bụi đời Chợ Lớn nhưng hạn chế độ tuổi xem phim...