Phân loại phim: Chuyện cần làm

NDO - Các tác phẩm điện ảnh của Việt Nam hiện đang "phủ sóng" đến mọi lứa tuổi, và việc phân loại phim là vấn đề "ngoài sức tưởng tượng" trong hoàn cảnh hiện nay.
Phim Hotboy nổi loạn... có nhiều cảnh gây tranh cãi.
Phim Hotboy nổi loạn... có nhiều cảnh gây tranh cãi.

Cũng do các bộ phim ra rạp hiện nay đều chỉ được phân loại ở mức rất chung chung: hài, tâm lý xã hội, kinh dị... nên nhiều khán giả vẫn "liều" xem. Kết quả là một số nhà sản xuất "hớn hở" vì lượng vé bán ra cao ngất ngưởng, thậm chí họ còn lấy tiêu chí này để đánh giá đẳng cấp phim! Nhưng sự thật là không ít khán giả thất vọng vì chọn nhầm phim, cảm giác như bị... lừa. Chỉ trích lại nhắm vào người dẫn dắt phim: nhạt, thiếu thực tế, kém chuyên nghiệp...

Nhắc đến Bùi Thạc Chuyên, khán giả sẽ nhớ ngay đến Sống trong sợ hãi... với cách xử lý cảnh "nóng", theo nhận xét của một số khán giả đồng cảm với nội dung phim, thì vừa thực tế vừa tinh tế. Theo cách nhìn của những nhà chuyên môn, cảnh "nóng" trong phim Sống trong sợ hãi chấp nhận được là bởi vì khi con người cận kề với cái chết, bị dồn đến đường cùng, họ sẽ thể hiện tình yêu mãnh liệt, và tình dục chính là ngôn ngữ rõ ràng nhất của tình yêu. Một vài chuyện bên lề về Bùi Thạc Chuyên mà nếu chưa được nghe thì hẳn là nhiều khán giả vẫn thể hiện cái nhìn thiếu thiện cảm với cảnh "nóng" trong phim. Khi tiến hành quay những cảnh "nhạy cảm", tất cả nhân viên trong đoàn phim không được phép mang điện thoại, máy ảnh để quay lén. Cách làm việc nghiêm túc của đạo diễn nhằm hạn chế tối đa tình trạng rò rỉ ảnh "nóng". Tuy nhiên, khi phim được chính thức "phủ sóng" ngoài rạp, công chúng vẫn cảm thấy "sốc", có lẽ vì phim chưa được phân loại!

Phim Bi, đừng sợ của đạo diễn Phan Ðăng Di cũng không nằm ngoài tầm ngắm của công chúng khi đề cập đến vấn đề cảnh "nóng". Bộ phim này từng bị đánh giá: khán giả, diễn viên đều bị thiệt vì sai lầm trong cách dàn dựng. Trong khi một bên đang cố gắng tìm cách khiến những mầm non tương lai đi đúng "quỹ đạo" của sự trong sáng, ngây thơ thì có vẻ như Bi, đừng sợ lại đi "ngược chiều". Phim có rất nhiều cảnh nóng mà trẻ em là một trong những nhân vật đóng vai trò không nhỏ. Khán giả bức xúc vì không hiểu đạo diễn muốn truyền tải thông điệp gì và nhắm đến đối tượng nào.

"Tung hoành" với thể loại hài, châm biếm, Vũ Ngọc Ðãng cũng là một thương hiệu riêng của làng điện ảnh Việt Nam. Tác phẩm nổi tiếng của anh năm vừa qua là Hotboy nổi loạn. Thành tích ấn tượng của bộ phim này chính là tấm vé mời tham dự Liên hoan phim Quốc tế Toronto lần thứ 36; Liên hoan phim quốc tế Berlin lần thứ 62. Vươn ra thị trường quốc tế, bộ phim này bị báo giới nước ngoài "nhặt sạn" khá nhiều. Thậm chí, khi xem phim, khán giả Việt cũng chưa thể đồng cảm với cách đề cập vấn đề tình yêu đồng giới: ủy mị, sướt mướt một cách khó hiểu. Tất nhiên, Hotboy nổi loạn cũng rơi vào tình cảnh: chưa được phân loại.

Nhiều bộ phim Việt Nam khi ra rạp cũng đã nhận được nhiều phản hồi không tích cực từ phía khán giả, do sự thiếu lô-gic trong nội dung, hay một số cảnh không phù hợp... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu có sự phân loại và khuyến cáo trước với người xem, thì công chúng sẽ có những thang bậc khác nhau để đánh giá cho từng tác phẩm theo tiêu chí riêng của nó.

Trên thế giới hiện có nhiều nước áp dụng hình thức phân loại phim. Hệ thống phân loại phim của Hiệp hội Ðiện ảnh Mỹ (MPAA) hiện được công nhận rộng rãi nhất do tính hợp lý và khoa học. (MPAA) đưa ra hệ thống phân loại phim và áp dụng trên toàn lãnh thổ trước khi lưu hành rộng rãi nhằm bảo đảm tựa đề, nội dung và tính chất của phim phù hợp với đối tượng xem: trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn. Hệ thống này không có hiệu lực hành chính theo kiểu cấm đoán mà đưa ra khuyến cáo, gợi ý công chúng sử dụng vì lợi ích của chính họ. Các khuyến cáo sẽ lưu ý trong phim có hay không nội dung đáng quan tâm trước khi xem như: ngôn ngữ dung tục, hình ảnh bạo lực, các pha tình cảm mùi mẫn... để người "bán hàng" và người "mua" tự quyết định hành vi.

Ðang có ngày càng nhiều ý kiến của các chuyên gia trong ngành cho  rằng, việc gắn mác cho phim sẽ là hướng đi giải quyết được nhiều bức xúc cho điện ảnh Việt Nam. Về phía nhà làm phim, khi đã phân vùng khán giả, họ sẽ tập trung hơn vào tác phẩm, hay nói cách khác, phim đánh trúng đối tượng thưởng thức sẽ tạo được hiệu ứng tốt. Về phía công chúng, họ sẽ có quyền lựa chọn sản phẩm phù hợp với mình, tránh tình trạng "tiền mất tật mang" khi xem "nhầm phim". Bên cạnh đó, việc phân loại phim cũng thể hiện một nét văn hóa, người xem cảm thấy được tôn trọng và ngược lại.