Nơi lưu giữ ký ức bóng đá

Bất kỳ vị khách du lịch nào sang châu Âu, chỉ cần họ thích bóng đá thôi, chuyến đi của họ sẽ có những khoảng không gian dành cho trái bóng. Đó là một hành trình khám phá với nhiều điều thú vị…
0:00 / 0:00
0:00
Áo thi đấu đội tuyển Argentina của Messi tại Bảo tàng FIFA.
Áo thi đấu đội tuyển Argentina của Messi tại Bảo tàng FIFA.

Đặt chân đến châu Âu ắt phải đến sân xem một trận đấu ở đâu đó. Vào sân để cảm nhận không khí bóng đá đỉnh cao thật sự, để được chứng kiến tận mắt những thứ không bao giờ có trên truyền hình. Nhưng hành trình "du lịch bóng đá" không chỉ là các sân vận động hay những trận đấu, mà còn có cả những địa điểm lưu giữ những ký ức của quá khứ.

Trên hành trình tại châu Âu, tôi đến hai bảo tàng bóng đá có thể nói là quy mô và lớn nhất châu Âu, đó là: Bảo tàng FIFA tại Zurich (Thụy Sĩ) và Bảo tàng lịch sử bóng đá Đức tại Dortmund. Điểm chung của cả hai bảo tàng này là đều nằm ngay cạnh ga trung tâm thành phố, một vị trí không thể tuyệt vời hơn. Bất kỳ ai khi tới Zurich hay Dortmund bằng tàu, khi ra khỏi cửa ga là nhìn ngay thấy bảo tàng. Và dĩ nhiên, chúng đều nằm ở ngay trung tâm thành phố, nơi tất thảy những ai đến du lịch, thăm quan đều phải ngang qua. Vị trí của các bảo tàng bóng đá cho thấy tầm quan trọng và mức độ phổ cập của bóng đá tại châu Âu. Và cách họ tổ chức, xây dựng nên những bảo tàng này cũng là câu chuyện ít người biết.

Bảo tàng bóng đá Đức được xây dựng mới đây, sau chiến tích đầy ấn tượng tại World Cup 2006, giải đấu đánh dấu sự thay đổi triệt để của bóng đá Đức. Điều đáng nói là chi phí xây dựng bảo tàng này được huy động từ tư nhân và ngân quỹ mà Đức thu được từ World Cup 2006. Thật khó tin khi mà có tới 14 hồ sơ ở 14 thành phố xin được đăng ký xây dựng bảo tàng. Cuối cùng, Liên đoàn Bóng đá Đức chọn Dortmund, do đây là thành phố nằm trong bang Bắc Rhine-Wesfalia, có dân cư đông nhất nước Đức, cũng là nơi thu hút khách du lịch nhiều nhất. Và mảnh đất được chọn là khu vực cạnh ga tàu lửa, kế bên phòng hòa nhạc Dortmund và tòa nhà nổi tiếng Dortmunder U, nơi trước đây là cơ sở sản xuất bia lớn nhất nước Đức.

Với bảo tàng này, người Đức không chỉ tạo ra một nơi lưu giữ lịch sử đơn thuần như ở Anh, Brazil… mà còn tạo ra không gian văn hóa, có sự trải nghiệm, tưởng nhớ, tri ân, gặp gỡ, giao lưu, ăn uống ẩm thực và cả những tác động xã hội mà bóng đá mang lại. Chính vì thế, không chỉ có trưng bày, mà Bảo tàng bóng đá Đức còn là nơi trình diễn công nghệ, tương tác, có nhà thi đấu đa chức năng, có rạp chiếu phim 3D, có tổ chức hội nghị hội thảo, tổ chức các lễ trao giải, họp báo… Ở đây, có nhiều hiện vật cực kỳ quý giá, như quả bóng đá của Adidas, do chính ông chủ sáng lập Adi Dassler làm ra để kỷ niệm mùa giải đầu tiên Bundesliga 1963/1964 với chữ ký của tất cả các cầu thủ dự Bundesliga năm đó.

Nhưng giá trị nhất và cũng là điểm nhấn lớn nhất của bảo tàng là đôi giày của Mario Goetze ghi bàn vào lưới Argentina trong trận chung kết mang về chức vô địch World Cup 2014 cho Đức. Giày ấy thật ra thì cũng mới, không có giá trị về thời gian nhưng có giá trị lịch sử và đặc biệt là 1 nhân vật giấu tên đã tặng cho bảo tàng, dù ông đã đấu giá mua nó với giá… hai triệu euro, cỡ 50 tỷ đồng tiền Việt. Bảo tàng còn có chiếc áo khoác bằng lụa của HLV Christoph Daum, nó từng bị đánh cắp. Hay tách cafe mà HLV Beckenbauer từng dùng tại World Cup 1990...

Và năm 2019, Bảo tàng bóng đá Đức đã hoàn thành hạng mục cuối cùng là: Đại lộ danh vọng, ghi danh 11 cầu thủ và một vị HLV. Đây được coi là Đại sảnh danh vọng. Đại sảnh này là lối dẫn vào bảo tàng, với chiếc bảng có in chữ ký hoặc dấu chân của những người được chọn. Với những ý nghĩa được tạo ra đó, bảo tàng bóng đá Đức được đề cử cho bốn hạng mục Bảo tàng của năm 2017 và 2018. Trong đó có Bảo tàng của năm của châu Âu, địa điểm văn hóa du lịch, giải thưởng của viện Bảo tàng châu Âu…

Nhưng nó cũng có những phê phán đáng chú ý. Do bảo tàng rất hiện đại và có cả những kết nối đa phương tiện, nên việc duy trì hoạt động cực kỳ tốn kém, lên đến hơn một triệu euro mỗi năm. Hiệp hội người đóng thuế ở Đức từng kiện bảo tàng vì chi phí không đáng. Và điều đặc biệt nhất khi xây dựng bảo tàng này là họ đã quá tốn kém vào việc… di chuyển tới 460 tuyến xe bus, hỗ trợ cho các nhà dân quanh đó tổng cộng hơn một triệu cánh cửa chống ồn. Chi phí di rời trạm xe bus thôi đã mất gần hai triệu euro.

Việc xây dựng Bảo tàng FIFA tại Zurich cũng không kém phần phức tạp. Ngay vị trí trung tâm khi mua vé với giá 24 euro (khoảng 500.000 VNĐ), bạn sẽ đi vào bên trong và đầu tiên là một mô hình mô phỏng một sân vận động với quốc kỳ của 209 quốc gia thành viên, được goi là Hành tinh bóng đá (planet football). Ngoài việc lưu giữ những chiếc áo thi đấu tượng trưng cho tất cả các đội tuyển quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, Bảo tàng FIFA cũng tạo ra những không gian lịch sử, những màn trình diễn công nghệ siêu hạng, tiêu tốn tổng cộng tới gần 600 triệu USD, khiến FIFA lúc bấy giờ đứng đầu là chủ tịch S.Blater, bị điều tra vì số tiền quá khủng khiếp.

Tuy nhiên bù lại thì Bảo tàng FIFA được nhận giải thưởng Thiết kế của Đức với nhiều thiết bị chưa từng có như màn Led 8m có tên Visual of Football. Ở đây ngoài tất cả các tư liệu lịch sử bóng đá bao gồm hơn 1.000 hiện vật, còn có cả những vật phẩm thương mại giá trị. Đó là những chiếc áo, bức ảnh của các huyền thoại, những ngôi sao đương thời như Pele, Maradona, Messi, Lewandowski, Ronaldo béo, G.Hurst… với mức giá từ 700 euro đến gần 2.000 euro. Tất cả đều có chữ ký và giấy bảo đảm hàng thật của FIFA.

Nếu đi xem các trận đấu ở sân vận động, bạn có thể tận hưởng không khí bóng đá. Nhưng đến những bảo tàng bóng đá, bạn sẽ cảm nhận được bóng đá suốt cả một chiều dài lịch sử, thông qua những công nghệ siêu việt mà miêu tả e rằng không thể nói được hết. Khi ấy bóng đá mới thật sự có giá trị.