Nổi chìm nghề thêu truyền thống

Thường Tín (Hà Nội) có nhiều làng thêu nổi danh từ xa xưa như Đông Cứu, Quất Động, Đào Xá, Nguyên Bì, Từ Vân... Qua bao trầm tích thời gian, những "người thêu" ở làng cứ thưa dần, thưa dần. Nghề thêu giờ thu nhập ít quá, lại vất vả. Giữ nghề nhưng khốn khó, hay làm nghề khác để có "bát ăn bát để"? Câu hỏi ấy thật không dễ trả lời.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Điển Nguyễn bên một tác phẩm thêu tay của mình.
Anh Điển Nguyễn bên một tác phẩm thêu tay của mình.

Với những người kiên quyết trụ lại, gắn cuộc sống của mình với cây kim, sợi chỉ, họ tâm niệm nhẹ tênh: "Nghề của cha ông mình thì mình phải giữ thôi…".

Thêu văn hóa lên trang phục

Đến thăm cửa hàng nhỏ mang tên "Khăn áo Điển Loan" của anh Điển Nguyễn trên con phố cổ Báo Khánh (Hà Nội), du khách lạc vào một không gian văn hóa với các trang phục đủ mầu sắc, họa tiết sặc sỡ. Khi nhìn cận cảnh từng chi tiết, ta mới hiểu rõ tâm huyết và công sức của những nghệ nhân. Theo anh Điển, thêu tay cần độ tỉ mỉ và chính xác cao, từng công đoạn được đầu tư rất nhiều công sức, khắt khe với từng đường nét, và kiểm tra kỹ lưỡng quy trình làm việc của thợ may. Để có thể hình thành nên một bộ trang phục cần trải qua nhiều bước phức tạp, mỗi bước lại đều cần sự kiểm tra chặt chẽ.

Năm 2019 là cột mốc đặc biệt với anh Điển khi anh trở thành người đầu tiên có bộ sưu tập Khăn chầu áo ngự trình diễn trên một sàn diễn thời trang mang tầm quốc tế. Buổi trình diễn thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả, nhận được lời khen từ khách hàng - những người quan tâm đến văn hóa nghệ thuật truyền thống.

"Để chuẩn bị cho Tuần lễ thời trang, tôi đã mất khoảng hơn ba tháng. Tuy sản phẩm đã được chuẩn bị xong từ trước, nhưng các công đoạn chỉnh sửa, lựa chọn phụ kiện cũng mất khá nhiều thời gian, nhằm đưa tới cho khán giả cái nhìn chi tiết nhất về sản phẩm tâm huyết của mình", anh Điển thổ lộ. Như anh chia sẻ, ngày càng nhiều bạn trẻ quan tâm và chú ý hơn đến trang phục của cửa hàng anh, kể từ khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Nổi chìm nghề thêu truyền thống ảnh 1
Một mẫu họa tiết tinh xảo thêu tay.

"Kho báu bị bỏ quên"

Nằm sâu trong con ngõ nhỏ tại 23 Hàng Thùng (Hà Nội), tiệm thêu tay Tú Thị như một nốt lặng giữa bản nhạc cuộc sống ồn ào, nhộn nhịp. 5 năm hoạt động, đủ để tiệm thêu trở thành địa chỉ quen thuộc của những người yêu mến nghệ thuật thêu tay. Họ tìm đến, với mong muốn sở hữu cho riêng mình những chiếc áo dài thêu tay truyền thống.

Căn gác nhỏ tầng hai nơi tiệm may tọa lạc, được bài trí gọn gàng, sạch sẽ, những đường nét thêu tay tinh tế, mềm mại xuất hiện ở khắp mọi nơi. Từ những mẫu áo dài treo trên giá qua chiếc rèm cửa sổ, quyển lịch treo tường đến các phụ kiện như khăn mùi xoa, túi nhỏ đeo bên người…

Cũng xuất thân trong gia đình có truyền thống nghề thêu lâu đời ở làng Quất Động (Thường Tín, Hà Nội), chị Mai Lan, một trong những người sáng lập nên tiệm thêu tay Tú Thị, chia sẻ: Chị bắt đầu công việc này chỉ từ nhu cầu tự thêu thùa, may vá cho bản thân. Tuy nhiên sau đó, rất nhiều người bạn nhờ thêu hộ, nên chị cũng tự tìm hiểu để làm cho mọi người. Rồi chị chợt nghĩ, "hình như nghề thêu tay của làng mình vẫn chưa được khai thác, sử dụng đúng mức, khiến nó trở thành một kho báu bị bỏ quên".

Như bà Phạm Hương, quản lý xưởng thêu Tú Thị, bộc bạch: "Nghề nào cũng có những quy tắc riêng. Với nghề thêu, chính sự tỉ mỉ, cần mẫn của người phụ nữ cộng thêm kỹ thuật thêu tinh tế, kết hợp cùng những chất liệu như chỉ và vải may đã nâng tầm nghệ thuật của những mẫu hoa văn, họa tiết trên áo dài lên rất nhiều". Có thể nói, những chiếc áo dài thêu tay là một khúc hòa tấu giữa thơ và họa, từ đó rung lên những hồi ức về quá khứ, đồng thời khơi gợi lòng tự hào về cội nguồn, bản sắc văn hóa dân tộc.

Chị Minh Hà (34 tuổi, Hà Nội) là một người yêu thích đồ thêu tay nói chung và áo dài thêu nói riêng. Chị chia sẻ: "Thêu tay đặc biệt, vì chỉ riêng những đường kim lên xuống tinh tế, kết hợp với mầu chỉ có thể là đơn sắc thôi nhưng những họa tiết trên chiếc áo dài vẫn cực kỳ sống động. Khác với thêu máy, sản phẩm có độ đồng đều hoàn hảo, nhưng cũng chính vì vậy mà lại thành nhàm chán. Các đường kim hay mầu sắc đều hạn chế vì được thiết lập sẵn trong máy".

Giữ truyền thống cho tương lai

Tiệm thêu Tú Thị có lợi thế chủ cửa hàng là người làng thêu Quất Động, đồng thời xưởng thêu cũng được đặt ngay tại làng. Các bạn học viên của tiệm có thể được học ngay tại xưởng, được chính những người thợ cả cầm tay "thị phạm" liên tục. Chị Lan tâm sự, hiện nay ngoài Tú Thị thì cũng có rất nhiều nơi tổ chức workshop thêu tay, nhưng "sứ mệnh" của Tú Thị sẽ khác hơn, dành cho những người muốn tìm hiểu thêu tay thật sâu và kỹ. Do đó, số lượng học viên của Tú Thị rất hạn chế.

Với anh Điển Nguyễn, sau nhiều năm nỗ lực và làm nghề với sự nghiêm túc, tinh thần cầu tiến, hiện cơ sở "Khăn áo Điển Loan" đang phát triển với số lượng thợ thêu hơn 80 người. Dẫu vậy, anh vẫn lo lắng, ưu tư, để rồi "xắn tay" mở thêm những lớp dạy nghề cho người dân và bạn trẻ yêu thích, đam mê việc thêu thùa, may vá. "Chúng ta nên khuếch trương và quảng bá, để giới trẻ biết và hiểu rõ những giá trị truyền thống, nếu không muốn bị mai một", anh Điển đúc kết.