Những "vết thương" hở miệng

Khó khăn bủa vây nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội cho thấy tình trạng dễ tổn thương của thế giới tuần qua.
0:00 / 0:00
0:00
Credit Suisse, ngân hàng 167 năm tuổi và lớn thứ hai của Thụy Sĩ, đã chịu nhiều áp lực sau sự sụp đổ của hai ngân hàng tại Mỹ là SVB và SB.
Credit Suisse, ngân hàng 167 năm tuổi và lớn thứ hai của Thụy Sĩ, đã chịu nhiều áp lực sau sự sụp đổ của hai ngân hàng tại Mỹ là SVB và SB.

1 Viện Nghiên cứu và Tư vấn kinh tế BAK Economics của Thụy Sĩ ước tính: Việc Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS mua lại ngân hàng Credit Suisse có thể làm mất 12.000 việc làm. Thêm nữa, dòng tiền từ khách hàng ở nước ngoài đổ vào ngân hàng Thụy Sĩ tạm thời sẽ chấm dứt vào thời điểm này. Mặt khác, trung tâm tài chính Thụy Sĩ có nguy cơ phải gánh chịu tổn thất vĩnh viễn về giá trị gia tăng, cũng như hoạt động quản lý tài sản quốc tế sẽ bị ảnh hưởng.

Credit Suisse, ngân hàng 167 năm tuổi và lớn thứ hai của Thụy Sĩ, đã chịu nhiều áp lực sau sự sụp đổ của hai ngân hàng tại Mỹ là SVB và SB. Nhiều ngân hàng châu Âu "dè chừng" về nguy cơ đổ vỡ lây lan trong lĩnh vực ngân hàng của khu vực và đang chờ đợi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra những tín hiệu hỗ trợ mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong vấn đề vốn và thanh khoản.

2 Các nước châu Âu đang phải đối phó làn sóng biểu tình mới kêu gọi tăng lương, trong bối cảnh lạm phát tăng cao và chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ. Hàng nghìn người đã tham gia cuộc tuần hành ở Thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha đề nghị chính phủ tăng ít nhất 10% lương, kiểm soát giá đối với các mặt hàng thiết yếu, hạn chế tình trạng tăng giá thuê nhà cũng như chi phí cho vay bất động sản. Tại Anh, hơn 1.400 nhân viên tại sân bay Heathrow, Thủ đô London, thông báo sẽ đình công trong 10 ngày, bắt đầu từ ngày 31/3 và kết thúc vào ngày 9/4, với yêu cầu tăng lương để bù đắp chi phí sinh hoạt.

Trong khi đó, Tổng Liên đoàn lao động Italy (CGIL) kêu gọi một cuộc tổng đình công để phản đối các đề xuất cải cách chính sách về thuế của chính phủ. Tại Pháp, làn sóng biểu tình mới tiếp diễn sau khi chính phủ nước này áp đặt dự luật cải cách hưu trí gây tranh cãi mà không cần Hạ viện bỏ phiếu thông qua. Chính phủ Pháp khẳng định, cải cách hưu trí là cần thiết để tránh đẩy hệ thống lương hưu trượt sâu vào tình trạng thâm hụt.

Những "vết thương" hở miệng ảnh 1

Tin tặc có thể sử dụng ChatGPT để tạo ra các email lừa đảo

3 Các chuyên gia an ninh mạng Australia cảnh báo: ChatGPT có thể bị lợi dụng thành công cụ lừa đảo mới. Tin tặc có thể sử dụng ChatGPT để tạo ra các email lừa đảo "thật" đến mức ngay cả những nhân viên được đào tạo bài bản về bảo mật của một công ty cũng bị "mắc bẫy". Theo ông Chad Skipper- chuyên gia về công nghệ bảo mật toàn cầu tại Công ty phần mềm VMWare ở Australia, tội phạm mạng đang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xác định những lỗ hổng trong các công ty, tổ chức và ChatGPT, từ đó tiến hành các cuộc tấn công giả mạo tinh vi nhằm xâm nhập vào các tổ chức này.

Trong cuộc khảo sát mới nhất về mức độ thiệt hại từ các vụ tấn công mạng, IBM nhận thấy phải mất trung bình khoảng chín tháng để một công ty bị tấn công mạng có thể xác định và ngăn chặn cuộc tấn công đó. Đây là quãng thời gian tin tặc có thể lợi dụng để thu thập thêm nhiều dữ liệu làm cơ sở cho một cuộc tấn công mạnh hơn. Các chuyên gia bảo mật thông tin cho rằng, cuộc chiến mới giữa tin tặc và ngành an ninh mạng này còn kéo dài.

4 Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (BID) cảnh báo: Mỹ latin và Caribbe sẽ đối mặt một năm khó khăn với mức tăng trưởng kinh tế ước đạt 1%. Nhà kinh tế trưởng của BID Eric Parrado cho biết, BID còn dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực 0% trong năm nay nếu có bất kỳ cú sốc tài chính nào. BID còn bày tỏ lo ngại tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng ngày càng nghiêm trọng hơn. Một báo cáo kinh tế vĩ mô mang màu sắc ảm đảm cũng được công bố ngay sau khi Tân Chủ tịch BID Ilan Goldfajn nhận định: Triển vọng kinh tế của Mỹ latin và Caribbe bị che mờ với các cuộc khủng hoảng chồng chất, lãi suất tăng cao và nhu cầu toàn cầu có thể suy giảm.

Tuy nhiên, Chủ tịch BID vẫn tin tưởng hệ thống ngân hàng của khu vực Mỹ latin và Caribbe sẽ không bị ảnh hưởng bởi "cơn bão khủng hoảng" tại các ngân hàng ở Mỹ và châu Âu, nhờ hệ thống tài chính được giám sát và điều tiết tốt.