Tác giả không phải là một nhà văn chuyên nghiệp. Anh là một chiến sĩ trực tiếp chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Mở đầu cuốn sách, tác giả viết:
"Tôi không phải nhà văn và viết cuốn sách này không để làm văn.
Nó chỉ là hồi ức của một người lính, kể về một đoạn đời ngắn nhưng đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời tôi ở Mặt trận Quảng Trị, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng ác liệt. Ở đó, cái sống và cái chết tranh chấp nhau từng giây một. Ở đó, trắng đen rõ rệt. Trần trụi sự thật. Trần trụi bản năng và mọi khía cạnh con người. Tất cả được phơi bày hết, phơi bày đến tận cùng cái tốt và cái xấu; dũng cảm và hèn nhát; nhân đạo và nhẫn tâm; cao cả và thấp hèn; có lý và phi lý... Cuốn sách được viết dựa trên những hồi ức của tôi và các đồng đội của tôi, đặc biệt là hai cuốn nhật ký của chính bản thân tôi, ghi lại chân thực nhiều chi tiết".
Nguyễn Quang Vinh, sinh năm 1954 tại Hà Nội, nhập ngũ đầu năm 1972 khi còn là học sinh Trường phổ thông Công nghiệp Hai Bà Trưng, hăng hái ra trận với tâm hồn lãng mạn và tâm thế quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trong nhật ký ra trận, anh viết: "Thế là đôi chân của tôi cũng đã in dấu trong rừng Trường Sơn, in dấu lên con đường lớn của dân tộc, và lòng tôi cứ ngân lên hai câu thơ của Tố Hữu: "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai".
Nhưng rồi thực tế chiến trường đã không chỉ có sự phơi phới. Anh là chiến sĩ rồi Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, Trung đội 2, Ðại đội 11, Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 48, Trung đoàn Thép của Sư đoàn 320B tử thủ ở Thành cổ Quảng Trị và Mặt trận Cửa Việt. Ðường hành quân, chủ yếu đi bộ từ bắc vào nam đã được anh nhớ lại: "Cả lũ đi mò trong đêm. Tôi bị ngã vào vũng nước, ướt sạch, quai dép bị đứt, đành phải đi đất. Hình như bị lạc rồi, ánh hỏa châu chập chờn khắp nơi. Ðường bờ ruộng trơn như đổ mỡ, tôi nghiến răng dùng hết sức bấm ngón chân xuống đất mà vẫn ngã. Mỗi bước đi là một bước ngã. Súng ống đồ đạc quật oành oạch, quần áo bẩn thỉu như trâu vấy. Nhiều lúc mệt quá, tôi cứ chống hai tay ngồi phệt dưới bùn mà nuốt nước mắt: Cuộc đời chưa bao giờ bị cực khổ như thế này"! Cuộc sống ở chiến trường có những điều mà bây giờ lớp trẻ không thể hiểu nổi: "Sau bữa trưa chỉ có cơm với muối, chúng tôi rửa bát bằng cách sục ca nhôm vào cát rồi chùi. Ở đây thì lấy đâu ra nước mà rửa bát. Có nước ở hố bom cách đó vài chục mét, nhưng ra lấy lại sợ bị pháo kích"...
Quảng Trị năm 1972 là đất của bom pháo và chết chóc. Ðụng vào đâu cũng thấy xác chết, cả ta lẫn địch. Tiểu đoàn 3 của anh đã hai lần bị xóa sổ trong vòng ba tháng. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, một chiến sĩ Quảng Trị đã nhớ lại như sau: "Cứ sáng dậy mở mắt ra là thấy toàn lính mới"!
Chỉ có tinh thần chiến đấu kiên cường của người chiến sĩ là không chết. Ðây là một đoạn Nguyễn Quang Vinh viết về những người lính trẻ: "Từ cửa hầm đối diện, Lâm Thành xả một tràng AK hạ gục tên địch vừa bắn Chí Thành. Nhưng lúc này bốn bề đều có địch. Hai chiến sĩ trẻ của C11, là Lâm Thành và Tường "Hải Phòng", đã dựa lưng vào nhau, chĩa súng AK ra hai phía bắn như điên. Mặc cho máu đang ròng chảy trên mặt một người và máu thấm đẫm vạt sườn người kia, hai anh vẫn bắn không ngừng, bắn mãi... Cách đó khoảng 100m, Tiểu đội trưởng Quế "Khương Trung" mang khẩu DKZ82 ra định lắp vào giá súng, nhưng không kịp. Thấy xe tăng địch đang rầm rầm xông đến, Quế hô chiến sĩ Quỳnh "Thái Bình" đem đạn ra ngay, nạp vào súng. Rồi không cần giá súng, Quế vác nòng khẩu DKZ82 lên vai, nhằm thẳng chiếc M48 đang chạy xế trước mặt bóp cò. Một quầng lửa da cam cùng tiếng nổ chói óc vang lên, chiếc xe tăng bốc cháy ngùn ngụt, không một tên địch nào sống sót"...
Mọi sự thật của chiến tranh đều được phơi bày một cách trần trụi. Cả dũng cảm và hèn nhát. Không ít cán bộ, chiến sĩ đã thoái lui, không đập bệnh cũng đảo ngũ. Nhưng trên tất cả là bản anh hùng ca của tuổi trẻ, từ bộ đội chủ lực đến giao liên, du kích. Tác giả, trong hoàn cảnh cụ thể của mình đã có những trang viết xúc động, rất đáng tự hào về tuổi trẻ Hà Nội trong những ngày kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đó có chính tác giả.
Văn học gần đây có khuynh hướng thiên về ký sự, mô tả sự thật như nó vốn có. Sự thật cuộc chiến đấu Quảng Trị năm 1972 hào hùng và tiêu biểu đến nỗi, không cần tới hư cấu, và bởi không cần đến hư cấu nên lay động sâu xa tới người đọc. Cuốn sách này của Nguyễn Quang Vinh không chỉ có giá trị lịch sử mà còn góp phần khẳng định một khuynh hướng mới có nhiều triển vọng trong đời sống văn học hiện nay.
Nguyễn Quang Vinh kể lại những ngày tháng của các anh ở Quảng Trị không để làm văn chương; mà là nén hương lòng tưởng niệm và tri ân những đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc, hy sinh một cách cao cả và đau xót:
Thế hệ chúng con đi như gió thổi
Quân phục xanh đồng sắc với chân trời
Chưa kịp yêu một người con gái
Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai…
(Trần Mạnh Hảo)
Khép lại trang cuối cùng của cuốn sách, tôi hết sức khâm phục và biết ơn những đồng đội ở Quảng Trị; nhận thấy ở Nguyễn Quang Vinh một nhà văn - chiến sĩ. Dù anh không viết gì nữa, tôi tin anh đã có một chỗ đứng trên văn đàn; cuốn sách "Quảng Trị 1972" sẽ ghi được dấu ấn đặc biệt trong lòng bạn đọc.