NHỮNG ÐÓA XUÂN THẦM LẶNG

Có những "bóng hồng áo lính" đã chứng tỏ được trí tuệ, bản lĩnh của mình trên những phương diện đặc thù vốn tưởng chỉ giành cho quân nhân nam như vũ khí, chỉ huy tác chiến, địa đồ quân sự, nghiên cứu khoa học... Sự bình dị, quật cường như phẩm chất người lính, nét thuần hậu, ấm áp từ tấm lòng phụ nữ, các chị là những đóa xuân thầm lặng giữa mùa xuân Tổ quốc, xứng đáng với danh hiệu "Phụ nữ tiêu biểu" do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Quốc phòng trao tặng.

0:00 / 0:00
0:00
Thượng tá Nguyễn Thị Lan Phương.
Thượng tá Nguyễn Thị Lan Phương.

Nữ chuyên gia ngành địa hình quân sự

Vóc dáng tầm thước, gương mặt khả ái và giọng nói thanh thoát, có cảm giác Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Phương, Trợ lý Phòng Bản đồ-Viễn thám, Cục Bản đồ, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam giống nữ chiến sĩ văn công nhiều hơn là một cán bộ làm chuyên trách về tham mưu kỹ thuật. Càng ngạc nhiên hơn khi biết chị là một trong những chuyên gia đầu ngành thuộc lĩnh vực địa không gian, đam mê nghiên cứu ứng dụng khoa học-công nghệ mới vào sản xuất tư liệu địa hình và xây dựng các văn bản pháp quy về tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệm thu các loại sản phẩm trong lĩnh vực bản đồ, viễn thám và hệ thông tin địa lý cho ngành Địa hình quân sự.

Nhưng chứng kiến quá trình công tác, nghiên cứu của chị, mới thật sự thấm thía biết bao tâm huyết, trí tuệ và cả sự nỗ lực vượt lên bao điều "nhi nữ thường tình". Sản phẩm đo đạc và bản đồ hay các yếu tố địa hình, địa vật giữ vai trò vô cùng quan trọng, không thể thiếu được đối với các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở các cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Nhiệm vụ của Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Phương cùng đồng đội của mình ở Cục Bản đồ chính là xác định và cung cấp thông tin các đối tượng địa hình, địa vật trên bề mặt Trái đất cho các hoạt động quân sự, quốc phòng.

Chứng kiến chị Phương tác nghiệp và thị phạm cho các cán bộ trước mô hình sa bàn tương tác, một sản phẩm mới được tạo lập trên cơ sở kết hợp giữa công nghệ chuyển đổi số và công nghệ tạo mẫu nhanh CNC, để phục vụ diễn tập chiến lược miền trung MT22 (tháng 9/2022) do chị đề xuất và phối hợp các đơn vị nghiên cứu hoàn thiện cho Cục Bản đồ, tôi thật sự nể phục trước sự sáng tạo và sức làm việc không mệt mỏi của người nữ quân nhân ấy. Chị cho biết, trong quá trình công tác chuyên môn, chị luôn chủ động tham mưu đề xuất các giải pháp kỹ thuật công nghệ mới, góp phần cải tiến phương thức tổ chức sản xuất phục vụ nhiệm vụ bảo đảm tư liệu địa hình của ngành. Đặc biệt, trong công tác nghiên cứu khoa học, chị luôn nỗ lực không ngừng, bám sát nhu cầu thực tế, chủ động đề xuất và thực hiện tốt các nghiên cứu. Các kết quả nghiên cứu đã được đưa vào ứng dụng trong thực tế tại các đơn vị, nhà trường trong và ngoài quân đội, góp phần giải quyết các nhiệm vụ chuyên môn, sản xuất tư liệu địa hình và đào tạo cán bộ khoa học-kỹ thuật.

NHỮNG ÐÓA XUÂN THẦM LẶNG ảnh 1

Trung tá, TS Hoàng Thị Thùy Dương (hàng thứ hai, thứ tư, từ trái sang) cùng đoàn công tác của Viện nghiên cứu hải sản và các chuyên gia nước ngoài trong một chuyến công tác tại vùng biển Trường Sa.

Khó lòng thống kê được khối lượng công việc mà người phụ nữ ấy đã hoàn thành xuất sắc trong đời binh nghiệp của mình. Chỉ biết, riêng từ năm 2015 đến nay, Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Phương là thành viên chính tham gia 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, 5 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và biên soạn 3 cuốn sách khoa học-công nghệ của ngành. Với trình độ và trải nghiệm của mình, chị được Bộ Quốc phòng tin tưởng giao nhiệm vụ tham gia đào tạo Công nghệ Bản đồ số-Viễn thám-Hệ thông tin địa lý cho cán bộ Lào, Công nghệ thành lập bản đồ số cho Campuchia và Công nghệ Bản đồ số-Viễn thám cho Cuba. Đồng thời nhiều lần tham gia các đoàn công tác của Bộ Ngoại giao về thẩm định sản phẩm Bộ bản đồ phân giới cắm mốc Việt Nam-Campuchia. Rất nhiều sĩ quan có kinh nghiệm trong ngành bản đồ-viễn thám các nước đã từng làm việc hoặc trao đổi nghiên cứu với chị đều vô cùng khâm phục nữ quân nhân nhỏ bé này.

Để làm được chừng đó công trình, đề tài, không chỉ cần đến trí tuệ, kinh nghiệm mà thật sự cần đến tâm huyết, sự bền bỉ và cẩn trọng hơn người. Bởi bản đồ và sa bàn quân sự đòi hỏi tính chính xác cao, yêu cầu ngày càng khắt khe hơn vì đó là bảo bối giúp quân đội ta nắm bắt được địa hình chính xác nhất. Không quản ngại đi điền dã thực tế, thức nhiều đêm để so sánh, phân tích dự liệu ảnh viễn thám... các dự án, đề tài mà chị tham gia đã góp phần tạo ra một hệ thống thông tin, tư liệu đo đạc và bản đồ hoàn chỉnh, kịp thời bảo đảm cho các hoạt động quân sự, quốc phòng của Quân đội và tham mưu hiệu quả cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên bộ, trên biển và hải đảo.

Vạn dặm dưới đáy biển

Đồng đội gọi Trung tá, Tiến sĩ Hoàng Thị Thùy Dương, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái nhiệt đới (Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, Bộ Quốc phòng) là người phụ nữ "vạn dặm dưới đáy biển". Bởi chị có một niềm đam mê mãnh liệt với công tác nghiên cứu đại dương, đa dạng sinh thái môi trường biển và đã cùng đồng đội trong nhóm nghiên cứu của mình thực hiện hàng trăm cuộc lặn biển tại các vùng biển Phú Quốc, Côn Đảo, Nha Trang... và phát hiện được hơn 300 loài san hô cùng các loại thực, động vật khác. Từ đó, chị đi sâu nghiên cứu, khám phá được mối tương tác giữa các loài trong một vùng biển hay một loài mới.

Da sạm nắng, bước đi thoăn thoắt trên tàu với nụ cười tươi sáng và lúc xuống biển thì tinh nhạy, bền sức như cá kình... Đồng nghiệp của chị cho biết, chị có thể len lỏi nhiều ngày trong những cánh rừng ngập mặn, lênh đênh hàng tháng trời trên biển mùa gió thuận cũng như gió chướng từ các vùng biển gần bờ đến các vùng biển xa và sành sỏi, hiểu biển, hiểu thềm lục địa Việt Nam như những ngư dân lặn biển chuyên nghiệp. Đây là điều không phải nhà khoa học nào cũng làm được, nhất là nhà khoa học nữ. Bởi công tác nghiên cứu sinh học, sinh thái biển là công việc đặc thù dành cho nam giới, đòi hỏi kiến thức chuyên môn, sức khỏe và nhất là phải biết bơi, biết lặn và có khả năng ứng phó nhanh với nguy hiểm, song chị đã vượt qua.

NHỮNG ÐÓA XUÂN THẦM LẶNG ảnh 2

Trung tá, TS Hoàng Thị Thùy Dương (ở giữa) phục hồi san hô ở vùng biển xa bờ.

"Bắt đầu nghiên cứu thì chúng tôi phải tập lặn. Đó là một thử thách lớn đến mức tới tận bây giờ, tôi vẫn nhớ lần mình lặn ở Phú Quốc, tôi chỉ lên sai kỹ thuật một chút thôi nhưng máu mũi đã trào ra, bắt buộc phải lặn lại để giảm áp", chị nhớ lại. Nhưng rồi những e ngại, lo lắng cũng dần qua, tình yêu đối với công việc và biển đảo thôi thúc chị chủ động tự trau dồi chuyên môn, học và bồi dưỡng các kỹ năng bơi, lặn. Mỗi năm, trung bình Trung tá, Tiến sĩ Hoàng Thị Thùy Dương cùng các nhà khoa học Nga và Việt Nam thực hiện từ ba đến năm chuyến công tác dã ngoại kéo dài từ vài tuần đến vài tháng tại các vùng biển, đảo gần bờ và xa bờ Việt Nam để nghiên cứu những quy luật và sự biến đổi các sinh vật và môi trường biển.

Đồng thời, chị phối hợp ăn ý với các chuyên gia Nga cùng đồng đội trong đơn vị và đồng nghiệp trong ngành tiến hành thống kê, thiết lập đầy đủ các thông tin về thành phần loài, phân bố của các nhóm sinh vật biển (nhóm san hô, nhóm cá rạn, nhóm động vật đáy lớn, nhóm rong cỏ biển và nhóm động vật đáy cỡ nhỏ) làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn lợi sinh vật tại các vùng biển của nước ta. Người phụ nữ có nghị lực, trí tuệ và sức khỏe phi thường ấy đã có nhiều công trình, sản phẩm khoa học quan trọng trong nghiên cứu cùng nhiều bài báo đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI/SCOPUS.

Đã có nhiều chuyến công tác, đoàn khảo sát gặp nguy hiểm do thời tiết cực đoan, song các nhà khoa học áo lính của Viện đã vượt qua. Khi các cơn áp thấp nhiệt đới dồn dập tới, biển cuồng nộ với những đợt sóng lừng, họ phải căn thời gian theo dự báo thời tiết, căn phong biểu mà phán đoán tình hình, lựa thời điểm biển ổn định nhất giữa các cơn bão và áp thấp để di chuyển bằng xuồng nhỏ từ tàu lớn đến tọa độ nghiên cứu. "Sau khi lặn ngụp dưới biển nghiên cứu hàng giờ, chúng tôi bơi về xuồng chờ nhau cùng quay lại tàu. Nhưng ngồi trên xuồng một lúc thì say sóng quá, chúng tôi lại phải nhảy xuống biển cho đỡ say. Có những ngày biển động dữ dội, chúng tôi không thể đi xuồng nhỏ để ra địa điểm nghiên cứu được thì tranh thủ nghiên cứu mẫu vật để chờ thời tiết ổn định lại tiếp tục lặn"- Trung tá, TS Hoàng Thị Thùy Dương chia sẻ.

Nhìn nụ cười của nữ quân nhân, tôi hiểu rằng, hơn ai hết, chị thấm thía những khó khăn gian khổ ở nơi vùng biển đảo thiêng liêng. Và tinh thần: "Hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, giữ vững biển hòa bình, ổn định và phát triển" luôn theo chị cùng đồng đội trong những ngày rong ruổi theo cánh sóng khơi xa.