I. Ðồng chí Huỳnh Tấn Phát là điển hình sự kết hợp hài hòa giữa tình riêng và nghĩa nước
Tôi xúc động khi nghe câu chuyện về đám cưới đơn giản của vợ chồng kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Theo lời kể của bà Tám Chí (tên thật là Bùi Thị Nga) - vợ anh Phát, thì ngày nhà trai ra mắt nhà gái chỉ có cơi trầu và ít bánh trái, hoa quả miệt vườn. Ngày hôn lễ, cả hai gia đình và một số bà con thân thiết chung vui quanh mấy mâm cơm xuềnh xoàng, coi nghĩa tình là trọng. Cuộc sống vợ chồng chưa được bao lâu, ngày 26/9/1945, ông chia tay bà đi nhận nhiệm vụ mới. Được tổ chức tín nhiệm cử ông ứng cử làm đại biểu Quốc hội đầu tiên của tỉnh Mỹ Tho; và ông đã trúng cử. Năm 1959, bà ở lại Sài Gòn hoạt động ở Ban Trí vận. Ngày 5/5/1960, bà bị địch bắt giam vào đề lao Gia Định; ngày 3/10/1964 mới được trả tự do. Năm 1965, vợ chồng ông bà thống nhất gửi ba con lên chiến khu, còn hai ông bà vẫn ở lại Sài Gòn hoạt động nội thành. Ông Sáu Phát (tên gọi thân mật thời chống Pháp) thấm thía rằng, trong lúc nhân dân đang chịu cảnh nước mất nhà tan, các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp đều bị dìm trong biển máu, thì những người yêu nước như ông không thể thu mình trong hạnh phúc riêng tư. Trong tài liệu lưu trữ, ông còn ghi: "Khi còn là học sinh Trường trung học Mỹ Tho, những hoạt động bí mật của anh Phạm Hùng (nguyên Thủ tướng Chính phủ nước ta) treo cờ búa liềm trong sân bóng, truyền đơn để dưới gối mỗi giường ngủ, dưới các thau rửa mặt… đã in vào trí óc tôi và cảnh khủng bố tàn khốc của địch năm 1930 ở Cai Lậy đã làm tôi rất xúc động và bắt đầu nhen nhóm trong tôi ý thức cách mạng"… Bốn năm sau, tại Sài Gòn, ông may mắn được gặp lại chú ruột Huỳnh Minh Phương, giúp ông mở rộng tầm nhìn thời cuộc và khẳng định con đường tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1938, tốt nghiệp kiến trúc sư, ông mở văn phòng luật sư riêng tại 68-70 phố Mayer, nhưng không vì mục đích làm giàu, mà tạo nơi lui tới họp bàn của sinh viên, trí thức yêu nước ở Sài Gòn. Năm 1944, ông còn đảm đương làm chủ nhiệm tuần báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của giới trí thức trẻ. Tháng 3/1945, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, được cử làm Phó Giám đốc Sở Thông tin - Báo chí của Ủy ban nhân dân Nam Bộ. Một chặng đường mới mở ra và ông tự nguyện dấn thân vào con đường cách mạng chuyên nghiệp, chấp nhận tù đày ở Khám lớn Sài Gòn trong hai năm. Ra tù, ông tiếp tục hoạt động ở nội thành cho đến năm 1949 thì ra chiến khu làm việc cho đến cuối đời.
Trở lại câu chuyện gia đình ông. Khi bị tù đày, vợ ông là bà Bùi Thị Nga (tức Tám Chí - bà lấy biệt danh của chồng thời chống Mỹ) tất bật lo toan mọi việc, không lời ta thán, chỉ mong ông toàn tâm, toàn ý làm tròn nhiệm vụ của cách mạng giao. Riêng bà, với vốn tiếng Pháp thông thạo, đã cung cấp cho ông và đoàn thể nhiều tài liệu quan trọng… Còn cô con gái là Huỳnh Lan Khanh sinh năm 1948 là nữ sinh Trường Gia Long. Từ năm 1954, tổ chức muốn đưa Khanh ra miền bắc học, nhưng Khanh một mực xin ở lại. Ngày 4/1/1968, Khanh được cử tham gia đoàn công tác sáu người làm nhiệm vụ tải gạo cho hậu cứ, chẳng may sa vào ổ phục kích của địch. Trận đọ súng giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, có cả máy bay lên thẳng của đối phương yểm trợ. Ba ngày sau, đồng đội mới tìm được thi thể Khanh không còn nguyên vẹn. Sau đó, đài địch đưa tin: "Một nữ Việt cộng bị bắt đã lao ra khỏi máy bay, quyết không cam chịu đầu hàng". Suốt ba ngày liền, đồng đội mới tìm được thi thể Khanh để chôn cất. Cô được truy tặng Huân chương Quyết thắng hạng 3; sau này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký Quyết định truy tặng Huỳnh Lan Khanh danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Và tên Huỳnh Lan Khanh đã được đặt cho một con đường ở quận Tân Bình.
II. Nhà lãnh đạo trung kiên, tận tụy, khiêm tốn, lạc quan
Nhà văn Thép Mới, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nhân Dân - người có thời gian dài sống với Huỳnh Tấn Phát ở vùng căn cứ, đã có bài viết về phẩm chất con người ông khi qua đời: "Phong thái anh không lẫn với ai khác được, nhưng anh đã sống nhiều năm ở vùng Tam giác sắt, không khác gì hết chiến sĩ và đồng bào. Lính trẻ Củ Chi chịu anh tình thương lính tráng. Cô bác ở Phú Hòa Đông, Nhuận Đức quý anh như bạn, như người cao tuổi trong gia đình... Tự anh không phát sáng. Nhưng anh biết làm cho "than hồng nhen lên thành lửa ngọn"… (Báo Nhân Dân, số ra ngày 14/10/1989).
Những dòng viết từ trái tim trên đây, nhà văn Thép Mới không hề đề cập các cương vị mà ông từng được Đảng giao phó: nguyên Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... Có thể nói "sức hút" của ông đối với nhiều lớp người là tài năng, đức độ được kết tinh từ truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của quê hương và gia đình ông. Tấm Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương chống Mỹ hạng nhì, Huy chương "Vì sự nghiệp đại đoàn kết"… mà Đảng và Nhà nước đã dành cho ông bởi những đóng góp to lớn cho cách mạng, nhưng ông không hề lấy đó để làm "thước mực" răn dạy bạn bè, đồng chí. Do vậy, rất ít người biết đến ông còn là nhà khoa học đã nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh, danh hiệu cao quý nhất dành cho các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ. Và nếu ai quan tâm đến nghệ thuật kiến trúc, đều cảm phục trước một số công trình thiết kế đa dạng, độc đáo do ông vẽ, hiện còn tồn tại trên nhiều đường phố Sài Gòn và ở một số tỉnh, thành phố khác. Ông còn trực tiếp chỉ đạo nghiên cứu Đề án "Quy hoạch thủ đô những năm đầu thập kỷ 80"; chỉ đạo, góp ý kiến các dự án thiết kế quy hoạch nhiều đô thị như ở TP Hồ Chí Minh, Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu, Tây Ninh… Là Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, ông đã động viên, tập hợp giới kiến trúc sư cả nước tham gia xây dựng đất nước sau chiến tranh và xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.
Trên cương vị là Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, ngày 10/6/1969, ông chủ trì phiên họp đầu tiên bàn thảo và thông qua Chương trình hành động của Chính phủ, gồm các chính sách lớn, như chính sách đẩy mạnh cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ cứu nước, chính sách hòa hợp dân tộc, khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa, bảo đảm các quyền tự do, dân chủ, trong đó có chính sách về ruộng đất với khẩu hiệu "người cày có ruộng" được đặc biệt quan tâm. Chính vì lẽ đó, khi nói về Huỳnh Tấn Phát, nhiều người đã gọi ông bằng cụm từ trìu mến "Người làm đẹp cho đời".
Anh Nguyễn Túc, nguyên thư ký nhiều năm giúp việc đồng chí Hoàng Quốc Việt và nhiều đồng chí lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau này, vẫn còn nhớ một trong nhiều câu chuyện cảm động về ông. Trước hết, ông là người gần gũi, hòa đồng nên thông cảm sâu sắc với cuộc sống khó khăn của anh chị em, nhất là trong thời bao cấp. Năm 1985, anh Túc cưới vợ cho con trai đầu, ông đến dự, chúc mừng và nói chân thành: "Nhà cậu ở quá chật, tám người sống trong diện tích 28m2, vậy vợ chồng nên chuyển về ở cùng mình tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu cho vui". Suy đi, tính lại, vì còn chăm mẹ già nên anh Túc cảm ơn sự thịnh tình của ông.
Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát, tôi viết mấy cảm nhận trên đây về cuộc đời và sự nghiệp của nhà cách mạng đã hiến trọn cuộc đời cho dân, cho nước. Vẫn biết đây mới chỉ là phần nhỏ trong cả cuộc đời vô cùng phong phú, sôi động của ông, nhưng dù chỉ ngần ấy thôi đã giúp chúng tôi nhận thức sâu thêm về lý tưởng, lẽ sống; sự phấn đấu bền bỉ vượt lên mọi gian lao để thực hiện mục tiêu cao đẹp của một người cộng sản chân chính, kiên trung.