Ngay những ngày đầu năm, không khí xuân Ất Tỵ đang đến rất gần, mọi người, mọi ngành dường như đều hối hả. Rõ nhất là ở phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này, chỉ với một ngày rưỡi làm việc, song đã phải giải quyết rất nhiều nội dung cấp bách đặt ra, đồng thời cũng là phiên họp khởi đầu, hoạch định khối lượng công việc cần làm trong năm 2025, một năm với khá nhiều sự kiện trọng đại của đất nước.
Trước mắt, ngay trong quý I này phải tập trung tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 9 vào ngay cuối tháng 2 để Quốc hội xem xét sửa đổi, ban hành các luật, nghị quyết thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và quyết định một số nội dung quan trọng, cấp bách khác theo thẩm quyền.
Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết những nội dung này liên quan việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và gần 300 luật liên quan đến chuyên ngành, tổ chức. Bộ Tư pháp cũng đã tổng kết có khoảng 4.922 văn bản nghị định, thông tư liên quan việc điều chỉnh, sắp xếp bộ máy hành chính.
Công việc mới phát sinh khá nhiều, song những công việc đang triển khai cũng không thể chậm trễ. Theo đó, chỉ với một ngày rưỡi làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét các nội dung đặt ra: Thứ nhất, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý bốn dự án luật gồm Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Việc làm (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Đây là nhóm luật đầu tiên (trong tổng số 10 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 diễn ra hồi cuối năm ngoái) đã được các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý rất khẩn trương để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Thứ hai, xem xét, thông qua hai nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc thực hiện dân chủ trong nội bộ các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Hội đồng nhân dân các cấp. Và, thứ ba, tiến hành xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2024; cho ý kiến về đề cương giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”; cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Ở nội dung cuối cùng, cũng là nội dung rất quan trọng, theo đó, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự kiến Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9 trên cơ sở ý kiến chỉ đạo và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến Quốc hội họp khoảng 4,5 ngày (trong đó bố trí ngày cuối Kỳ họp để biểu quyết, thông qua các dự án luật, nghị quyết xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, nếu có), khai mạc sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và bế mạc vào cuối tháng 2/2025. Vẫn bố trí thời gian Quốc hội nghỉ họp để các cơ quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh: Kỳ họp bất thường lần thứ 9 tới đây là kỳ họp phục vụ trước hết và trực tiếp cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Với ý nghĩa như vậy, tất cả dự án Luật, dự thảo Nghị quyết phục vụ cho mục tiêu này phải được Quốc hội ban hành, còn những Luật có liên quan có thể trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 (kỳ họp thường kỳ, dự kiến khai mạc cuối tháng 5/2025).
Như vậy, yêu cầu cấp bách trước mắt là, các cơ quan hữu quan cần tập trung tối đa chuẩn bị các nội dung phục vụ việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Góp ý vào dự kiến nội dung Kỳ họp bất thường tới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội nếu để đến ngày cuối cùng Quốc hội mới biểu quyết thông qua là chưa phù hợp, vì phải sửa Luật này xong mới lập được các Ủy ban của Quốc hội. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Quốc hội cần biểu quyết thông qua các dự án luật này trước. Trong đó, lưu ý không ghi tên cụ thể các cơ quan của Quốc hội cũng như không quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này nữa, mà chỉ nêu: Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội do Quốc hội thành lập; chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Theo các chuyên gia, đây là các luật khung, khi quy định có tính bao quát mà vẫn rõ trách nhiệm như thế, sẽ bảo đảm luật được triển khai, thực thi linh hoạt, hiệu quả, dễ dàng ứng phó, điều chỉnh với các luật, văn bản dưới luật liên quan khi có các tình huống phát sinh trong thực tiễn ■
Ngay trong ngày 7/1, thực hiện yêu cầu tinh gọn, sắp xếp bộ máy của Quốc hội, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành hai Nghị quyết: Nghị quyết số 63/2025/UBTVQH15 về kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp, chuyển chức năng, nhiệm vụ về các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; và Nghị quyết số 64/2025/UBTVQH15 về kết thúc hoạt động của Truyền hình Quốc hội Việt Nam để chuyển chức năng, nhiệm vụ về Đài Truyền hình Việt Nam.