Những điểm sáng của kinh tế thế giới

Tại hội nghị thường niên đầu tiên tổ chức ở châu Phi sau 50 năm, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, trong bức tranh kinh tế nhiều gam mầu xám lại nổi lên một số điểm sáng như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: RAHMA
Biếm họa: RAHMA

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của 190 quốc gia đang tham dự cuộc họp kéo dài một tuần (từ ngày 9 đến 15/10) tại Marrakech của Morocco để thảo luận những rủi ro mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu (WEO) công bố ngày 10/10, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chỉ tăng trưởng 0,7% trong năm 2023 và suy giảm 1,2% trong năm 2024. Trong số các nền kinh tế Eurozone, triển vọng kinh tế Đức giảm so dự báo hồi tháng 7 và đây cũng là quốc gia duy nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) có thể suy thoái trong năm nay hoặc năm tới.

Trong nhóm các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong hai năm tới do những bất ổn trong lĩnh vực bất động sản tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. IMF dự báo kinh tế Trung Quốc tăng 5% trong năm 2023, 4,2% trong năm 2024, lần lượt giảm 0,2 và 0,3 điểm phần trăm so dự báo hồi tháng 7.

Chỉ có một số ít nền kinh tế, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga đi ngược xu hướng này. Cụ thể, IMF dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,1% trong năm 2023 và 1,5% trong năm 2024, lần lượt tăng 0,3 và 0,5 điểm phần trăm so dự báo hồi tháng 7. Trong nhóm các nền kinh tế phát triển, IMF dự báo nền kinh tế số một thế giới sẽ ngày càng chênh lệch rõ rệt so Eurozone.

Theo nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF, nguyên nhân hàng đầu làm nới rộng khoảng cách giữa các nền kinh tế hai bên bờ Đại Tây Dương là cuộc xung đột tại Ukraine. Không giống Eurozone, Mỹ là nhà xuất khẩu năng lượng ròng nên thu lợi nhuận nhiều hơn khi giá năng lượng tăng. Bên cạnh đó, chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ ổn định hơn, ít chịu tác động từ các biện pháp tăng lãi suất do tỷ lệ nợ thế chấp dài hạn cao hơn và các biện pháp hỗ trợ tài chính thời kỳ Covid-19 tại Mỹ cũng “hào phóng” hơn so ở Eurozone.

IMF đã nâng đáng kể dự báo kinh tế Nhật Bản lên mức tăng trưởng 2% trong năm 2023, nhờ nhu cầu tích lũy, tăng thu từ du lịch trong nước và quốc tế cùng các chính sách thích nghi cũng như sự phục hồi trong hoạt động xuất khẩu ô-tô. Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ được nâng lên mức 6,3% trong năm 2023, trong khi tốc độ tăng trưởng của năm 2024 được IMF giữ nguyên so dự báo hồi tháng 7.

Đáng chú ý, nền kinh tế Nga có sức bền cao hơn nhiều so dự báo của nhiều nhà kinh tế. IMF đã nâng đáng kể dự báo mức tăng trưởng của nền kinh tế này lên 2,2% trong năm 2023, tăng 0,7 điểm phần trăm so dự báo hồi tháng 7. Theo IMF, điều này là do Chính phủ Nga đã có những biện pháp kích thích tài khóa đáng kể, đầu tư mạnh và tiêu dùng ổn định.

Dù bức tranh kinh tế thế giới phản ánh sự phục hồi chậm và không đồng đều, song về tổng thể, nền kinh tế thế giới đã cho thấy khả năng phục hồi đáng chú ý, tránh được nguy cơ suy thoái. Tuy vậy, IMF vẫn khuyến nghị cần hết sức thận trọng. Tổng Giám đốc IMF, bà Georgieva nhấn mạnh rằng, các cú sốc liên tiếp kể từ năm 2020 đã khiến sản lượng toàn cầu sụt giảm 3.700 tỷ USD; mức tăng trưởng hiện nay vẫn thấp hơn nhiều so mức trung bình 3,8% trước đại dịch Covid-19 và triển vọng tăng trưởng trung hạn yếu hơn.

Dù có một số điểm sáng, song IMF nhận thấy kinh tế toàn cầu đang “tập tễnh” tiến về phía trước chứ không phải chạy nước rút như mong chờ. Theo bà Georgieva, những kỳ vọng về khả năng “hạ cánh mềm” của nền kinh tế thế giới đã giúp làm tăng giá của nhiều loại tài sản khác nhau, song nếu lạm phát tăng mạnh trở lại sẽ có thể dẫn đến động thái siết chặt các điều kiện tài chính.

Nhấn mạnh “chống lạm phát là ưu tiên số một”, bà Georgieva lưu ý rằng, để kiểm soát lạm phát đòi hỏi phải duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn và tránh nới lỏng chính sách quá sớm để ngăn nguy cơ lạm phát nóng trở lại. IMF hối thúc các nước thành viên nâng hạn ngạch đóng góp tài chính cho định chế tài chính này để tăng cường năng lực cho vay, hỗ trợ các nền kinh tế thành viên nghèo nhất.