Kịch bản không mong đợi

Israel tiếp tục mở các cuộc không kích vào thành phố Rafah tại phía nam Dải Gaza, đánh dấu bước leo thang căng thẳng mới trong cuộc xung đột với phong trào Hồi giáo Hamas ở Palestine. Động thái trên đã dựng lên một rào cản lớn đối với nỗ lực của các nhà hòa giải quốc tế nhằm giúp Israel và Hamas đạt được một thỏa thuận ngừng bắn.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: AHMAD QADDURA
Biếm họa: AHMAD QADDURA

Ngày 29/4, hãng thông tấn WAFA của Palestine đưa tin, ít nhất 15 người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel nhằm vào ba tòa nhà chung cư ở thành phố Rafah vào đêm 28/4. Theo các nhân chứng, hiện còn nhiều người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát và lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm và giải cứu những người này. Trong khi đó, ông Sami Abu Zuhri, quan chức cấp cao của lực lượng Hamas, tuyên bố rằng, lực lượng này sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào với Israel mà không bao gồm việc đình chiến ở Dải Gaza.

Trước khi các cuộc không kích diễn ra, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tham mưu trưởng quân đội Israel Herzi Halevi đã phê duyệt kế hoạch tấn công trên bộ nhằm vào Rafah. Theo The Jerusalem Post, kế hoạch tấn công trên bộ ở Rafah đã được phê duyệt trong cuộc gặp giữa ông Halevi với Tư lệnh Bộ Chỉ huy miền nam Yaron Finkelman và các chỉ huy sư đoàn, lữ đoàn khác của Israel.

Trước diễn biến trên, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cảnh báo, việc Israel thực hiện cuộc tấn công trên bộ vào thành phố Rafah ở phía nam Gaza có thể dẫn tới việc di dời người Palestine ở Bờ Tây sang Jordan sau khi xung đột kết thúc. Ông Abbas đưa ra phát biểu trên tại cuộc họp đặc biệt của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) do Saudi Arabia đăng cai tổ chức. Tổng thống Palestine nhấn mạnh: “Nếu Israel xâm chiếm thành phố Rafah, nơi tập trung phần lớn người dân Dải Gaza, thảm họa lớn nhất trong lịch sử của người dân Palestine sẽ xảy ra và họ sẽ phải di dời ra ngoài Dải Gaza”.

Ông Abbas cũng kêu gọi các nước phương Tây công nhận Nhà nước Palestine là quốc gia thành viên đầy đủ của LHQ. Ông Abbas lưu ý: “Phải có một giải pháp chính trị đưa Dải Gaza, Bờ Tây và Jerusalem thành một Nhà nước Palestine độc lập thông qua một hội nghị quốc tế. Trong khi Israel có quyền bảo đảm an ninh, người Palestine cũng có quyền giành được quyền tự quyết, một quốc gia độc lập giống như các dân tộc còn lại trên thế giới”.

Rafah hiện là nơi ẩn náu cuối cùng của hơn 1,4 triệu người Palestine sau khi họ phải rời bỏ miền bắc và miền trung Dải Gaza do xung đột giữa Israel và Hamas. Giới quan sát và các tổ chức nhân đạo cảnh báo cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza sẽ trở nên “trầm trọng hơn nhiều” nếu Israel thực hiện kế hoạch tấn công trên bộ vào các tay súng Hamas đang ẩn náu ở Rafah. Cuộc tấn công như vậy có thể khiến 250.000 người thiệt mạng.

Trong khi đó, các nhà hòa giải quốc tế vẫn đang không ngừng xúc tiến thiết lập một lệnh ngừng bắn ở giữa Israel và Hamas. Hiện một phái đoàn Ai Cập đã đến Israel để thảo luận về một đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin giữa nước này với lực lượng Hamas. Còn tại WEF ở Saudi Arabia, các đại biểu tham dự sự kiện đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy thực hiện giải pháp hai nhà nước, coi đây là con đường duy nhất chấm dứt xung đột ở Dải Gaza. Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan nêu rõ, chỉ có cam kết thật sự đối với giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Palestine - Israel mới có thể ngăn chặn tái diễn xung đột ở Gaza.

Không chỉ vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế, chiến dịch tấn công Rafah cũng gây rạn nứt chính trường Israel. Bộ trưởng An ninh quốc gia Itamar Ben-Gvir và Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich của Israel đe dọa sẽ rút khỏi chính phủ liên minh nếu Thủ tướng Benjamin Netanyahu đồng ý với một thỏa thuận giải phóng con tin thay vì chiến dịch quân sự nhằm vào Rafah. Trong khi đó, thành viên chính phủ thời chiến, ông Benny Gantz cũng cảnh báo sẽ rút khỏi chính phủ nếu Thủ tướng Netanyahu chọn tấn công trên bộ vào Rafah. Ngay cả đồng minh chủ chốt của Israel là Mỹ cũng cảnh báo hậu quả nếu Tel Aviv không thể xử lý khủng hoảng.

Kịch bản tấn công trên bộ vào Rafah nếu thành hiện thực sẽ gây ra thảm họa nghiêm trọng hơn nữa ở Dải Gaza. Đây là điều không mong đợi của cộng đồng quốc tế nếu các bên liên quan không nhanh chóng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, từ đó tạo bước đệm nhằm thiết lập một nền hòa bình lâu dài.