Vòng xoáy bạo lực mới

Bất chấp tuyên bố trước đó của phong trào Hồi giáo Hamas về chấp nhận một lệnh ngừng bắn, các xe tăng của Israel vẫn tiến vào thành phố Rafah ở phía nam Dải Gaza, với sự hỗ trợ của các cuộc không kích dữ dội. Cộng đồng quốc tế cảnh báo động thái trên của Tel Aviv sẽ đẩy cuộc xung đột với Hamas vào vòng xoáy bạo lực mới.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: AHMAD RAHMA
Biếm họa: AHMAD RAHMA

Reuters ngày 8/5 dẫn tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nêu rõ: “Nội các chiến tranh đã quyết định sẽ tiếp tục hoạt động ở Rafah để gây áp lực quân sự với Hamas nhằm thúc đẩy việc thả con tin và đạt được các mục tiêu khác của cuộc chiến”. Ngay sau đó, trong một thông báo đăng tải trên mạng xã hội X, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Daniel Hagari thông báo, các lực lượng Israel “đang tấn công và hoạt động” nhằm vào các mục tiêu của Hamas một cách có chủ đích ở phía đông Rafah. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cảnh báo, nước này sẽ “tăng cường” tấn công quân sự tại Rafah nếu thỏa thuận trao trả các con tin Israel bị Hamas bắt giữ không đạt được tiến bộ.

Diễn biến trên diễn ra ngay sau khi ông Ismail Haniyeh, lãnh đạo phong trào Hamas, đã có cuộc điện đàm với Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Ai Cập Abbas Kamel và Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani để thông báo về việc phong trào này chấp nhận đề xuất ngừng bắn mà các nhà hòa giải Ai Cập và Qatar đưa ra.

Phản ứng trước động thái mới nhất của Hamas, Văn phòng của Thủ tướng Netanyahu cho hay: “Israel sẽ cử một phái đoàn đến gặp các nhà hòa giải để thảo luận về đề xuất ngừng bắn được Hamas chấp nhận, mặc dù đề xuất đó khác xa với các yêu cầu của Israel”. Các quan chức cấp cao của Israel nói rằng, “đề xuất ngừng bắn của Ai Cập và Qatar được Hamas chấp nhận không có ý kiến từ phía Israel, do đó đây là điều không thể chấp nhận được”.

Ngay sau khi Israel thông báo bắt đầu cuộc tấn công bằng xe tăng vào thành phố Rafah, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul-Gheit kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), đặc biệt là Mỹ và các nước phương Tây, thực thi trách nhiệm của mình và kiềm chế Israel để ngăn chặn leo thang nhằm tránh gây thêm thương vong cho dân thường Palestine.

Dư luận thế giới tiếp tục đưa ra phản ứng sau khi quân đội Israel bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự tại Rafah. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Israel khẩn trương rút khỏi vùng biên giới giữa Dải Gaza và Ai Cập, thuộc phía đông thành phố Rafah, đồng thời cho rằng, cuộc tấn công vào thành phố này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến khu vực mà còn cả thế giới. Chính phủ Mexico cũng phản đối chiến dịch quân sự của quân đội Israel tại thành phố Rafah, cho rằng hành động này sẽ gây hậu quả thảm khốc.

Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cảnh báo khoảng 600.000 trẻ em đang trong cảnh chen chúc tại thành phố Rafah, phía nam Dải Gaza, phải đối mặt với “thảm họa tiếp theo”, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối việc người dân buộc phải di dời sau khi Israel ra lệnh sơ tán trước kế hoạch tấn công trên bộ nhằm vào thành phố này. Còn theo thống kê của cơ quan y tế Dải Gaza, cuộc xung đột nổ ra giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel kể từ ngày 7/10 năm ngoái đến nay đã khiến ít nhất 34.735 người ở vùng lãnh thổ bị chiếm đóng này thiệt mạng, trong đó có hơn 14.000 trẻ em.

Hiện, các phái đoàn của Israel, Hamas, Qatar và Mỹ đã đến Ai Cập để nối lại đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza. Trong một thông điệp, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, ông đã chỉ thị phái đoàn của nước này tiếp tục kiên định lập trường về những điều kiện cần thiết trao trả tự do cho con tin, đồng thời lưu ý rằng đề xuất ngừng bắn do các nhà trung gian hòa giải Ai Cập và Qatar đưa ra và Hamas đã chấp thuận vào ngày 6/5 vừa qua không đáp ứng được yêu cầu “cốt lõi” của Israel. Trong khi đó, ông Osama Hamdan - một lãnh đạo của Hamas cho biết, nếu quân đội Israel tiếp tục hoạt động quân sự ở Rafah thì sẽ không thể đạt được thỏa thuận ngừng bắn nào.

Những diễn biến tại Rafah cho thấy Israel vẫn đang theo đuổi mục tiêu quân sự của mình nhằm “loại bỏ” được lực lượng Hamas ở Rafah và phần còn lại của Gaza. Điều này có thể khiến cuộc xung đột leo thang lên ngưỡng mất kiểm soát và phá tan mọi nỗ lực lập lại hòa bình của cộng đồng quốc tế.