Văn học trẻ

Những cơ hội mới

Với văn học trẻ năm 2022, đáng chú ý nhất là việc tổ chức thành công Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10, ghi nhận nhiều tâm tư, thôi thúc từ cuộc sống. Rất nhiều cuộc thi sáng tác văn học đã được phát động trong năm qua, tạo chất xúc tác giúp các cây bút trẻ thêm động lực sáng tạo.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều cây bút trưởng thành từ các trại sáng tác. Ảnh: Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh
Nhiều cây bút trưởng thành từ các trại sáng tác. Ảnh: Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh

Sòng phẳng với chính mình, với đường văn và bạn đọc

Nếu theo dõi kỹ đời sống văn học trẻ, dễ dàng nhận thấy người viết trẻ ngày càng chú ý đến sự lan tỏa truyền thông hơn. Cá nhân người viết trẻ cũng sử dụng mạng xã hội để quảng bá tác phẩm một cách thuần thục, rầm rộ hơn. Nhà văn Tống Phước Bảo chia sẻ: "Văn học trẻ bây giờ đi theo thời đại là điều tất yếu. Khi tư duy người viết mở ra thì chất lượng sáng tác cũng đã tươi mới, bám sát hiện thực, và chinh phục được nhiều độc giả hơn trước. Ngoài ra, khi các bạn viết trẻ đã chấp nhận thử thách và đón đợi sự phản hồi của độc giả một cách cởi mở, chứng tỏ lực lượng viết văn trẻ bây giờ sòng phẳng với chính mình, với đường văn và dĩ nhiên với cả độc giả của mình hơn trước".

Chúng ta có thể thấy Đinh Phương vẫn được độc giả kỳ vọng đón đợi bởi hiệu ứng của Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2021 của Hội Nhà văn Việt Nam. Đức Anh vẫn là gương mặt trẻ của dòng trinh thám thu hút rất nhiều sự quan tâm của độc giả. Hay người đọc vẫn trông chờ một Phan Đức Lộc đầy gai góc đậm chất miền núi. Rồi cá tính như Yang Phan, từ cuộc thi Văn học tuổi 20 đã bắt đầu gây được dấu ấn trên văn đàn... Dù thơ vẫn là con đường ít được độc giả săn đón, nhưng rõ ràng những tên tuổi người trẻ như Lý Hữu Lương ghi dấu ấn với trường ca đậm bản sắc văn hóa hay Lữ Mai đau đáu những cảm xúc với chiến tranh và thời cuộc. Lê Ngọc Dũng, Trương Công Tưởng, Trần Đức Tín gần đây cũng được độc giả chú ý với những thi phẩm tạo được lối đi riêng… Để thấy, văn học trẻ năm 2022 có nhiều tín hiệu rộn ràng bởi sự dấn thân đam mê, mạnh mẽ và quyết liệt của người trẻ.

Tác giả Võ Chí Nhất chia sẻ: "Trong năm qua, có thể nhận thấy người viết trẻ đã có bước tiến đáng kể, đặt những dấu ấn quan trọng trong con đường văn chương lắm nhọc nhằn. Đã có nhiều sự kiện quan trọng, và nhiều tác phẩm của các cây bút trẻ được ra đời, để lại dấu ấn trong lòng người đọc".

Tuy nhiên, theo nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học, chất lượng của những cuốn sách xuất hiện trong năm vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của lực lượng sáng tác trẻ hùng hậu trong cả nước. "Lực lượng sáng tác trẻ đông nhưng chưa tinh, số lượng cũng như chất lượng tác phẩm xuất hiện trong năm qua là chưa nhiều", nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học Bùi Việt Thắng nhìn nhận.

Không chỉ còn là cuộc điểm danh

Tham gia Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10, tác giả trẻ Ny An đến từ Quảng Nam, cho rằng, văn chương là con đường dài, ai kiên trì đi đến cùng thì mới gặt hái được quả ngọt. Hội nghị diễn ra chẳng còn là một cuộc điểm danh, mà trong đó có sự thôi thúc, kích thích, để các tác giả trẻ tự ý thức, nhận ra trách nhiệm và phát hiện khả năng của mình. Các kế hoạch nhằm khích lệ sáng tác đã được tổ chức, trong đó có các cuộc thi.

Năm qua, đã diễn ra nhiều cuộc thi viết, như cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống; Cuộc thi viết và trại sáng tác văn học về đề tài hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân; Cuộc thi hình tượng người chiến sĩ Cảnh vệ Công an nhân dân; Cuộc thi Truyện ngắn hay do tạp chí Nhà văn TP Hồ Chí Minh phát động; Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn... Các tạp chí chuyên ngành như tạp chí Văn nghệ quân đội, tạp chí Xứ Thanh, tạp chí Tân Trào, tạp chí Người Hà Nội… cũng tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học nhằm tạo sân chơi cho đông đảo người sáng tác, phát hiện và tìm kiếm những tác phẩm có chất lượng cao.

Bên cạnh đó, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cuộc vận động sáng tác văn học viết về đề tài thiếu nhi, trong bối cảnh sáng tác cho thiếu nhi của tác giả trong nước chỉ xuất hiện lác đác, còn sách thiếu nhi của nước ngoài đang ngập tràn, gần như độc chiếm thị trường. Từ năm 2021, Giải thưởng Tác giả trẻ đã được phát động nhằm phát hiện những tài năng văn học trẻ, khuyến khích, cổ vũ, đào tạo, bồi dưỡng các tác giả gắn bó lâu dài với công việc cầm bút.

Là người đạt nhiều giải thưởng, giờ là giám khảo của không ít cuộc thi văn học, nhà văn Sương Nguyệt Minh chia sẻ: "Mỗi cuộc thi văn chương là một lần cọ xát với đồng nghiệp và với chính bản thân người sáng tác. Thay vì in báo, tạp chí, in sách để bạn đọc thẩm định thì tham dự cuộc thi văn học lại được những giám khảo là các nhà văn, nhà thơ đọc, họ không chỉ là người cầm cân nảy mực mà còn là những bạn đọc tinh tường trong thẩm định tác phẩm". Cũng theo nhà văn Sương Nguyệt Minh, các cuộc thi có tính khích lệ cao, là sân chơi bổ ích. Viết vì những thôi thúc nội tại, viết vì hy vọng mình được giải, viết vì xem đồng nghiệp đọc và định giá tác phẩm của mình thế nào.

Đây là những việc làm cụ thể, thiết thực, tạo động lực, môi trường cho lực lượng sáng tác tham gia. Lúc này, điều quan trọng nhất là có được tác phẩm chất lượng cao để chinh phục độc giả. Nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên cho rằng, trong năm qua, việc sáng tác của các nhà văn lớn tuổi khá trầm lắng, không có tác phẩm nổi trội. Ngược lại, không khí sáng tạo của lực lượng viết văn trẻ lại sôi động hơn, hứa hẹn những tác phẩm tốt trong một vài năm tới.

Nhà thơ Đặng Thiên Sơn, người sáng lập Tinhvanbook, chia sẻ: "Chúng ta cũng cần phải nhìn thẳng vào sự thật, những năm qua, lực lượng viết văn trẻ còn thiếu nhiều thứ. Trước tiên đó là thiếu chuyên nghiệp, phần lớn các tác giả trẻ đều sáng tác nghiệp dư, ít có tác giả nào coi sáng tác như một nghề, họ viết trong lúc nhàn rỗi. Họ viết văn nhưng đang sống với một nghề khác. Điều này khiến cho quá trình sáng tác của họ rời rạc. Mặt khác, bệ phóng và nhu cầu sử dụng tác phẩm của các nhà văn trẻ hiện nay vẫn còn hạn chế, điều ấy khiến cho các cây bút trẻ nản chí, rẽ sang một hướng khác, chỉ xem văn chương như một cuộc dạo chơi". Cũng theo nhà thơ Đặng Thiên Sơn, để đạt chất lượng cao trong sáng tác năm 2023 và dài hơn nữa, giữa các nhà văn, nhất là các tác giả trẻ phải thật sự gắn kết với nhau, tạo nên một cộng đồng sáng tác văn học, có sự hỗ trợ, động viên nhau sáng tạo, tránh sự lạc lõng.

Một trong những cơ sở hình thành cho những tài năng lớn là phải có môi trường kích thích sáng tạo. Đây chính là công việc của Hội Nhà văn Việt Nam trực tiếp thực hiện để phong trào sáng tác văn chương trên bề rộng phát triển. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều gợi mở, cơ hội đang mở ra đối với người viết trẻ, hãy sáng tạo một cách rực rỡ nhất, hay nhất, khám phá vẻ đẹp của con người, thiên nhiên, tình yêu, những điều cao cả, những thân phận bé nhỏ, sự quyến rũ và bí ẩn của tâm hồn.