Những chuyến đi

Vậy là cuối cùng nàng cũng đã đồng ý đi cùng anh, chuyến du lịch đầu tiên của 2 vợ chồng. Cảm giác hân hoan len lỏi trong tâm trí anh từ khi nhận được tin nhắn của nàng: “Cuối tuần này anh có kẹt gì không, mình đi chơi ít hôm nhé?”.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Tin nhắn ấy đến vào buổi chiều ẩm ương từ thời tiết và cả công việc không như ý đã kéo tâm trạng anh xuống một cách thảm hại. Từ lúc cánh cửa kính nhả anh ra trên tầng 12 của văn phòng làm việc, anh đã nghĩ đến những cốc bia lạnh ở quán ngoài bờ kè. Khi mọi thứ chán chường nhất, may mà còn có bia “cứu rỗi”, anh đã nghĩ vậy. Nhưng anh chợt nhớ ra lời căn dặn của bác sĩ sau cơn đau quặn ruột phải nhập viện: Tránh tuyệt đối bia, rượu. Và cả lời nàng nói với anh: “Con của chúng ta ra đời phải thật khỏe mạnh, lý do đó chưa đủ để anh bỏ bia rượu sao?”.

“Con của chúng ta” - thanh âm đó nàng thốt ra nghe thật êm tai. Anh đã chờ mong điều đó, sự sẵn sàng của nàng để đón những đứa trẻ ra đời, nhưng nàng luôn khước từ với lý do: “Chúng ta phải ổn định kinh tế trước”. Mọi lý do nàng đưa ra luôn thuyết phục, cả lý do mà suốt 5 năm qua, nàng không dám nghỉ việc để đi du lịch, như bao cô gái trẻ có chồng lẫn chưa chồng khác. Đi du lịch, như một cách để họ tự thưởng cho bản thân, ru lòng mình vượt qua những áp lực bủa vây từ công việc, để nạp lại năng lượng…

Vậy nên sự đồng ý của nàng lần này cho chuyến đi, cũng là để kỷ niệm 5 năm ngày cưới khiến anh hào hứng lắm. Anh với nàng sẽ có tuần trăng mật muộn màng nhưng trọn vẹn và biết đâu ở thành phố cảnh quan thơ mộng, không khí mát mẻ dễ chịu, nàng sẵn sàng để cùng anh đón đợi những đứa trẻ ra đời? 1 đứa, hay 2, 3 càng tốt!

*

Chiều muộn. Phố núi hiện ra giữa bảng lảng sương mù. Áo khoác, nón len, tất tay được nàng chuẩn bị sẵn ở túi riêng, chỉ cần lấy ra dùng. Chỉ một lát, người cả hai ấm lại dần. Anh cùng nàng thả bộ để hít hà cho thỏa thuê luồng không khí mát lạnh, dễ chịu ở nơi này. Cảm giác khoan khoái ấy không hẳn đến ở hiện tại mà cả trong tiềm thức của hai người.

Dọc đường, anh và nàng cùng thưởng thức những xâu thịt nướng ướp mè thơm lừng của chủ quán là cô gái người bản địa, rồi đi tiếp theo hướng dẫn nhiệt tình của cô: “Từ chân đèo, anh chị đi bộ lên chừng 2 km là tới. Tranh thủ đi giờ là vừa rồi, vì để tối sẽ khó thấy đường”.

Căn phòng duy nhất giữa rừng thông hiện ra, anh còn ngỡ mình lạc vào xứ thần tiên nào đó. Bên trong căn phòng được lắp ghép bằng kính để nhìn ra rừng thông, nếu muốn kín đáo thì có thể kéo rèm. Anh với nàng không cần kéo rèm, mở toang cửa sổ để cho cái lạnh được lưu thông khắp căn phòng và để phóng tầm nhìn ra phía xa, nơi những hàng thông đang khẽ reo lên trong màn đêm.

*

Bất ngờ, anh giật bắn người khi những ngón tay của mình chạm vào vật gì đó mềm mềm, lúc anh đưa tay tắt bóng đèn cuối cùng trong phòng. Chiếc kính cận anh vừa gỡ ra khi nãy, giờ anh phải cố căng mắt lên nhìn. Một tiếng thét thất thanh vang lên, anh sợ hãi co rúm người lại.

Có một con sâu ở trong phòng. Con sâu vùng đồi núi cũng khác hẳn sâu nơi đồng bằng anh đang sống. Chúng có lông phủ đầy người, thân hình vừa dài, vừa to. Mà kể cả giống hay khác sâu nơi anh ở thì đó vẫn là loài vật mà anh khiếp sợ nhất. Nỗi khiếp sợ không thể lý giải được. Kiểu chỉ nghe đến tên là đã giật thót người. Đến mức một lần, anh ngất xỉu trong lớp học khi bị lũ bạn cố ý trêu chọc, thả những mảnh vải quăn lại như hình con sâu vào người anh.

Anh chạy thật nhanh ra khỏi căn phòng giữa rừng thông, mặc cho nàng trố mắt nhìn anh trong bộ dạng chỉ có chiếc quần đùi trên người.

Nàng không sợ sâu. Nàng nói, nó là con vật hiền lành và chẳng gây hại đến con người. Nhưng nàng biết anh sợ. Nàng đã xử lý con sâu nơi công tắc điện bằng cách bắt nó quăng ra xa, quăng trước mắt anh, để anh biết sẽ không còn con sâu nào khác. Để cẩn thận hơn, nàng chỉ cho anh bốn bức tường đều bằng kính, chỉ cần đóng cửa lại sẽ chẳng có con sâu nào vào nhà được.

Nhưng ai mà biết trong nhà đang có sẵn bao nhiêu con sâu? Trong đầu anh giờ đây sâu hiện diện khắp nơi, sâu bò lúc nhúc dưới nền nhà, nơi gầm giường và rải rác cả trên tấm nệm vợ chồng anh sẽ ngủ đêm nay. Ý nghĩ đó khiến anh phải rời khỏi nơi này ngay tức khắc.

Nàng nhìn đồng hồ, đã gần 10 giờ. 2 km đi bộ khi nãy đã khiến bàn chân nàng mỏi nhừ và chỉ muốn ngủ. Nhưng cuối cùng thì nàng vẫn chiều theo ý anh, dọn dẹp hành lý và rời khỏi căn phòng giữa đêm khuya. Hẳn ai cũng có nỗi sợ nào đó, có cả những nỗi sợ mà bản thân chẳng thể lý giải được, như nàng đã từng và anh cũng đã nhẫn nại thích nghi cả với những nỗi sợ vô hình của nàng đấy thôi!

Một lần, anh khuyên nàng đến bác sĩ tâm lý. Họ sẽ giúp nàng đối diện nỗi sợ và vượt qua nó. Chỉ như vậy, nàng mới sống một cuộc đời bình thường được. Nhưng nàng nói mình đang rất bình thường. Sau bao nhiêu cố gắng từ lúc ra trường, giờ nàng đã lên chức trưởng phòng trong một công ty về truyền thông, đối diện với biết bao áp lực từ cấp trên và khách hàng, nàng vẫn chịu được. Mỗi cuối tháng, điện thoại của nàng lại rung lên thông tin chuyển khoản, con số trong mơ. Điều tuyệt vời là nàng gần như không phải dùng đến số tiền của mình, mọi việc đã có anh lo. Vì vậy mà sau 5 năm đi làm, nàng có một khoản rất khá. Dù vậy, kỳ lạ là nàng vẫn sợ chết đói. Nỗi sợ đó như một con quái vật dai dẳng đu bám nàng. Nó mãi ám ảnh nàng từ dọc dài những buổi chiều tuổi thơ nơi quê nhà. Khi mẹ mở nắp thùng gạo chỉ còn vài hạt chưa kín lớp đáy, mẹ dốc sạch những hạt gạo cuối cùng cho vào nồi nước lõng bõng sôi. Cái nghèo còn là ánh mắt khắc khổ của cha, khi từ bệnh viện trở về trong cơn đau quằn quại. Bệnh viện có cứu người không? Có, các bác sĩ cứu người, nhưng mình phải có tiền… Cái nghèo cứ thế hiện ra rõ mồn một như thể bằng xương, bằng thịt.

Mình có thể nào lãng quên đi tuổi thơ không? Các bác sĩ tâm lý nói với nàng rằng, có biết bao người mất cả cuộc đời để chữa lành vết thương tồn tại từ thời thơ ấu của họ. Vì nếu không chữa, nó sẽ lở loét ra, hành hạ họ cả cuộc đời còn lại. Rồi họ cho nàng phác đồ rất bài bản, từng giai đoạn với những tên gọi chuyên môn nghe là lạ: Nhận diện, chẩn đoán, chữa lành chuyên sâu… Bác sĩ tâm lý có “khâu vá” lại vết thương lòng được, như cách mà họ nói không? Có, nhưng phải có tiền.

Nàng bước ra khỏi phòng tư vấn tâm lý. Nàng đang điều trị chứng bệnh khiến nàng ám ảnh cái nghèo đói, nàng đã cố gắng để kiếm tiền, để rồi bây giờ muốn hết bệnh, nàng sẽ mất sạch số tiền đó cho việc điều trị. Một cái vòng luẩn quẩn khiến nàng cảm thấy chóng mặt, mất niềm tin, tai nàng ù đi. Nàng đi như chạy khỏi phòng điều trị tâm lý.

Và nàng vẫn mang trong người một chứng bệnh quái quỷ: Sợ đói. Nhờ vậy mà nàng phần nào hiểu về nỗi sợ vô lý của anh: Một con vật bé tí tẹo, chẳng gây hại gì đến ai.

*

Anh và nàng đã có một giấc ngủ sâu, vì quá mệt sau chặng đường đi bộ dài đêm qua. Thức giấc, anh nhìn ra cửa sổ thấy những hạt sương đọng trên lá, trong veo. Bữa ăn sáng được chủ khách sạn dọn ra nơi chiếc bàn ở khu vườn, theo yêu cầu của vợ chồng anh.

“Cứ đi thẳng lối này sẽ gặp được sư ông” - một người địa phương chỉ cho anh với nàng lối lên chùa. Dọc đường đi, anh và nàng thỏa thuê ngắm cảnh hai bên đường. Thiên nhiên như thể chiều lòng anh với nàng, bằng cách bung xòe những chùm bông đẹp đến ngỡ ngàng, phủ khắp tán cây. Giữa lưng chừng đèo, anh nhìn xuống thấy thành phố được thu nhỏ như lòng bàn tay. Có một vị trong trang phục tu sĩ đi ngược lối với anh và nàng. Anh muốn dừng lại để hỏi thăm đường lên đỉnh núi, xem thử còn xa không? Vị tu sĩ đang ngân nga một giai điệu mà anh từng nghe, dừng lại nghỉ chân cùng vợ chồng anh nơi tảng đá mát lạnh. Ông nói vu vơ: “Mệt mỏi là không có thật”. Anh đoán, ông ấy đang dùng cách trị liệu tâm trí, để đánh lạc hướng bộ não mình. Đó còn là cách ám thị mà một số người hay áp dụng. Bỗng nhiên, nàng bật ra câu hỏi: “Vậy nỗi sợ có thật không ạ?”. “Nỗi sợ không có thật, nỗi buồn, niềm đau cũng đều không có thật” - vị tu sĩ trả lời trong vẻ mặt bình an. Nàng tiếp tục hỏi: “Vậy thứ gì mới là có thật, thưa ông?”. Lúc này, vị tu sĩ mới nhìn thẳng vào nàng và anh: “Thứ có thật duy nhất chính là hơi thở và thân xác mà cha mẹ đã ban cho ta từ khi được sinh ra, nên ta phải yêu thương, trân quý chính mình nhất”. Nói dứt câu, ông rời đi. Nàng và anh nhìn theo ông cho đến khi khuất bóng.

Khi cả anh và nàng lên đến ngôi chùa trên núi, gặp một chú tiểu đang quét sân, giọng cậu bé trong trẻo: “Anh chị tìm sư ông phải không? Người vừa mới xuống núi rồi”. Cả anh và nàng ngỡ ngàng nhìn nhau. Có phải người mà ta muốn tìm với tâm thiện lành, nhất định sẽ gặp?

Anh và nàng trở về phòng sau khi lá phổi đã căng tràn nguồn không khí trong lành. Hình ảnh tươi đẹp suốt cung đường lên núi vẫn còn rực rỡ trong tâm trí mỗi người. Anh nói với nàng: “Có khi nào chúng mình đã được chữa lành bởi những điều tuyệt vời ở nơi này?”. Anh thấy ánh mắt nàng sáng lên. Nàng đáp lời anh bằng một câu hỏi chẳng liên quan: “Chúng mình sẽ có rất nhiều chuyến đi thú vị phía trước nữa, anh nhỉ?”.