Đa sắc chợ phiên San Thàng

Chợ phiên San Thàng là một điểm dừng chân lý tưởng của du khách khi đến Lai Châu. San là ba, Thàng là ao. San Thàng có nghĩa là ba cái ao. Chợ thường họp vào sáng thứ 5 và chủ nhật hằng tuần.
Đa sắc chợ phiên San Thàng

Chợ đêm thường họp vào tối thứ bảy. Khi cái nắng gay gắt của mùa hạ qua đi, nhường chỗ cho trời thu xanh ngắt, gió thu mát rượi luồn qua kẽ áo. Những cơn mưa còn sót lại, hương ổi thơm thoang thoảng đâu đây, từng đoàn người vội vã xuống chợ.

Từ xa du khách nhìn thấy chiếc cổng đề “Chợ phiên San Thàng kính chào quý khách”. Điểm đến hấp dẫn đầu tiên của du khách là quán phở để giải quyết cơn đói. Mùi thơm ngào ngạt của nước dùng đã hút hết tâm trí người đi chợ. Giá một bát phở ở đây chỉ có 20 nghìn đồng, phở thịt lợn dân. Ở đây khi nói đến một loại thực phẩm gì người ta thường kèm từ dân vào. Đó là thịt lợn dân, gà dân, rau dân... Đó là cụm từ chỉ những sản phẩm người dân chăn nuôi hay trồng trọt ra.

Chợ phiên cũng là nơi trai gái hẹn hò giao duyên. Chợ đêm thường họp vào tối thứ bảy. Những điệu khèn H’Mông, những tiếng kèn Giáy cất lên. Nhiều đôi trai gái đã nên duyên vợ chồng từ những phiên chợ này. Bên kia là chảo thắng cố bốc hơi nghi ngút. Thắng cố dù mùa nào xuân hạ hay thu đông đều có vị đặc trưng của nó. Đó là mùi của thảo quả, quế, hồi, hạt tiêu, mắc khén bay theo chiều gió làm nức mũi người đi chợ. Phở ngựa cũng là đặc sản của Tây Bắc, được làm từ bánh phở của người Giáy chan với nước dùng chỉ đặc trưng mùi thịt ngựa. Mấy thanh niên đang ngồi uống từng bát rượu ngô kể cho nhau nghe cách rèn cái cày hay cái cuốc “Rượu ngô và thắng cố. Uống cho cạn chén này”.

Tiếp đến là hàng bánh phở của người Giáy. Đó là loại bánh phở tráng bằng tay, sợi mềm và dai hơn so phở tráng bằng máy. Kia rồi! Mùi thơm và mầu vàng rộm của bánh rán. Thôi thì đủ các loại bánh: Bánh rán, bánh khảo, bánh bỏng, bánh chưng đen, bánh chưng xanh… Dưới bàn tay khéo léo của các mẹ, các chị người Giáy, bánh chưng đen được làm từ gạo nếp, đỗ xanh thịt lợn. Dưới tiết trời thu se lạnh, ta ngồi ngắm đất trời Tây Bắc thưởng thức món bánh chưng đen. Cắn đến đâu thịt mỡ và đậu xanh ngập chân răng đến đó.

Xa xa có một chiếc biển đề “Nơi bán chó, gà, cá, lợn” được xây thành một khu biệt lập riêng, chuyên bày bán các loại đặc sản như gà cắp nách, lợn cắp nách. Người dân thường lấy một mảnh vải thường là vải đỏ buộc vào chân con gà cắp vào nách đứng bán nên gọi là gà cắp nách. Còn lợn cắp nách cũng vậy. Những chú lợn nhỏ vài cân thì cũng bị buộc dây rồi cắp vào nách đứng bán. Những chú to hơn thì bị chui vào rọ hay vào bao hoặc lồng sắt. Tiếng lợn kêu eng éc vang khắp cả núi rừng.

Càng về trưa người mua kẻ bán càng tấp nập nhộn nhịp. Tiếng trao đổi mua bán vang cả góc chợ. Tiếp theo là đến hàng nông sản nào đương quy, tam thất, ba kích, sâm cau…, những loại thuốc bổ quý hiếm. Những lọ mật ong rừng được bày bán. Rồi đến hàng rau củ quả như măng rừng, rau bí, củ kiệu, dưa mèo, mướp đắng, ngô, đỗ, lạc… được bày bán khắp nơi.

Tất cả đều được sinh ra từ đất Mẹ. Người dân Tây Bắc được sinh ra và lớn lên đươc đất Mẹ nuôi sống. Ai chưa đến Lai Châu hãy đến một lần. Ai đã lên một lần lại muốn lên mãi. Xa xa mặt trời đã ló dần trên đỉnh núi. Đoàn ngựa thồ đã bắt đầu ra về. Trên lưng vắt vẻo một anh chàng say rượu. Người vợ cần mẫn đi theo sau chờ chồng tỉnh. Trong tim ta vang lên bản tình ca “Lai Châu ngày mới”.