Quay lưng về phía vô minh

Chúng tôi chào tuổi mới bằng một buổi chiều trốn học thêm môn Toán để xách giá đi vẽ. Kim tặng tôi một bộ sách tự luyện tiếng Anh còn tôi tặng cậu ấy chiếc máy tính Casio 580. Kim cất nó vào ba-lô với một bộ điệu không mấy hào hứng khiến tôi thoáng hụt hẫng. Có thể nó chẳng là gì so những món quà đắt tiền mà bố mẹ cậu ấy sẽ tặng nhưng là tình cảm chân thành của tôi.
Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Bố mẹ Kim đã chia tay từ bốn năm trước. Bố Kim có công ty sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu. Mẹ Kim đang định cư ở Đức. Kim kể rằng, mẹ cậu mới về chơi cách đây ba ngày. Tôi đoán chắc mẹ Kim về dịp này để tiện tổ chức sinh nhật cho cậu ấy.

Trước đây, bố mẹ tôi thuê trọ ngay sát nhà Kim. Chúng tôi chào đời cùng một thời điểm nhưng ở hai nơi khác nhau. Mẹ Kim đi du lịch, trở dạ bất ngờ, sinh cậu ấy ở một thành phố biển. Nghe mẹ tôi kể, bà nội Kim bảo rằng, hai chúng tôi không được giờ sinh, phải nhờ thầy làm lễ “di cung hoán số” nếu không cuộc đời sẽ trắc trở lận đận. Mẹ tôi phải bán chiếc nhẫn vàng, của hồi môn của bà ngoại, để theo khóa lễ đó. Mẹ Kim muốn giữ dáng, ít cho con bú nên bị mất sữa. Thi thoảng bà nội lại bế Kim sang bú nhờ mẹ tôi. Bố mẹ tôi gốc quê, đều là nhân viên văn phòng, lấy nhau gần bốn năm mới sinh được tôi. Nhưng tôi lại mắc bệnh tim bẩm sinh, bố mẹ phải bán mảnh vườn của ông bà nội mong bám trụ lại thành phố để có thể tiện đưa tôi đến Bệnh viện Nhi bất cứ lúc nào. Có lần tôi nghe bố nói với mẹ: mình chấp nhận suốt đời là kẻ ký sinh nơi thành phố, chỉ mong sau này con nó khá giả, chuộc lại được mảnh đất quê cho mình có chốn đi về, kẻo mang tiếng mất gốc.

*

Dòng xe cộ nườm nượp giờ tan tầm. Tôi và Kim quay lưng về phía ồn ã, tì tay lên lan can cầu nhìn ráng chiều nhuộm đỏ mặt sông như một bảng mầu rực rỡ. Gió lồng lộng. Kim lần tháo chiếc vòng cổ, mân mê trong tay. Chiếc vòng được xin từ một ngôi chùa trên núi Hàn Sơn. Mẹ Kim bảo đó là lá bùa hộ mệnh của Kim, viên đá quý gắn trên đó có thể đổi mầu theo tâm trạng người đeo. Tôi thì chỉ nhìn thấy nó có mầu nâu, thi thoảng đi dưới nắng, nó mới ánh lên chút xanh lam, vẩn vơ như mầu khói.

- Nếu giờ đột nhiên cậu mất tích, cậu nghĩ ai sẽ tìm mình đầu tiên?

- Tất nhiên là bố mẹ tớ, rồi đến thầy Phan. Mà không, người đầu tiên đi tìm tớ phải là cậu.

- Còn tớ, nếu mất tích, sẽ chẳng có ai đi tìm tớ cả. Dù thông tin tìm trẻ lạc có thể nhan nhản khắp các trang mạng xã hội, lả tả các tờ rơi, nhập nhòe trên những mảnh giấy dán ở cột điện, gốc cây, trạm xe bus…

- Cậu lại cực đoan rồi. Mà mười tám tuổi, ai còn gọi là trẻ lạc.

Kim bật cười khanh khách, tiếng cười rất lạ, nghe nhoi nhói vỡ tan trong tiếng gió ù ù.

Mây sà xuống vùng bãi bồi. Mặt sông thoáng chốc xám ngắt. Những tia rực rỡ nhòe tan như một ảo ảnh. Kim chằng buộc cái giá vẽ lổng chổng xọc xạch sau xe. Tôi khoác ba-lô lên và lấp xấp đi sau Kim. Chiếc xe Cub nhả vệt khói xanh ngắt rì rì hòa vào dòng người nườm nượp. Đi hết con phố rợp bóng xà cừ là đến lối rẽ vào nhà Kim, một ngôi nhà hai tầng kín bưng nằm trong con hẻm nhỏ. Đó là ngôi nhà gắn với tuổi thơ của Kim. Từ ngày bố mẹ ly hôn, nơi đó trở thành vương quốc riêng của cậu ấy. Còn đại gia đình Kim, là bà nội, bố, dì Nga và hai đứa em trai sinh đôi gần ba tuổi, thì tập trung sống ở một căn nhà bốn tầng nhìn ra hồ quanh năm lồng lộng gió. Thi thoảng tôi đến chơi với Kim, gặp bà nội cùng cô San giúp việc mang thức ăn mới sang chất đầy tủ lạnh, vừa dọn đống thức ăn cũ vừa làu bàu.

Đó là buổi chiều cuối cùng chúng tôi đi vẽ cùng nhau. Hôm sau chủ nhật, trời mưa ngập phố. Sau này tôi vẫn ân hận trách mình tại sao chiều ấy không theo Kim về tận nhà, cùng Kim hoàn thành những tiểu tiết cuối cùng trong bức tranh “Hoàng hôn cô độc”. Thì biết đâu, Kim đã có những thời khắc tự níu lại mình. Biết đâu chúng tôi vẫn có thêm những buổi sáng đi dọc con phố bình thản đếm tám mươi mốt cây xà cừ cổ thụ. Biết đâu Kim sẽ thổ lộ một nguyên do gì đó lý giải cho sự bất mãn trong trạng thái vô minh của mình.

Sau buổi chiều ấy Kim biến mất. Không một mảnh giấy hay một lời nhắn nào để lại. Buổi sáng đầu tuần, sau mục điểm danh, thầy Phan chủ nhiệm có gọi điện cho Kim nhưng sau bài nhạc chờ “Diễm xưa” là những tiếng tút tút vô cảm. Thầy gọi điện cho bố mẹ Kim. Cả hai đều không liên lạc được. Thầy nhắn tin lên Zalo nhóm lớp, và nhắn cả trên hệ thống Vnedu nữa.

Sau sự ra đi bí ẩn của Kim, tôi không đi vẽ ở bãi đá sông Hồng nữa. Tôi sợ cả cảm giác chênh vênh khi đi qua những cây cầu. Chiếc vòng cổ của Kim tôi vẫn cất sâu trong hộc tủ. Mỗi lần đi qua con phố có tám mươi mốt cây xà cừ, tôi lại liên tưởng đến tám mốt kiếp nạn của thầy trò Đường Tăng. Chúng tôi mới qua tuổi mười tám, sao lại cứ bị ám ảnh bởi những điều cực đoan như thế? Thi thoảng tôi nhấn máy gọi vào số của Kim chỉ nghe tiếng lập trình khô khốc. Rồi hơn ba tháng sau, số máy ấy đã thuộc về một người đàn bà có giọng nói chua như giấm. Thi thoảng mẹ Kim nhắn tin qua Zalo hỏi tôi rằng, có liên lạc được với Kim không. Một lần cô ấy vô tình gọi video, chỉ mấy giây rồi tắt camera, tôi thoáng trông thấy một bên mắt cô ấy tím bầm.

*

Bảy năm sau, trong một chuyến đi thiện nguyện về miền trung, tôi và Kim bất ngờ gặp lại nhau. Chúng tôi từng chia tay nhau trên một cây cầu vững chãi và giờ gặp lại nhau bên một cây cầu gãy vùng rốn lũ. Tôi mong những hoài nghi trăn trở bấy lâu như một vết thương âm ỉ giờ sẽ được dịu đi.

Hai chúng tôi ngồi lặng bên bàn trà. Sân chùa tĩnh lặng, xanh mát. Tôi nhìn sâu vào mắt Kim. Đôi mắt ấy vẫn buồn nhưng không còn những tia nhìn u uẩn nữa. Giọng Kim trầm đục mà da diết như như tiếng cầu kinh…

- Trước ngày sinh nhật tớ một tuần, sau một cuộc nhậu, bố tớ bị chảy máu dạ dày cấp, cần phải truyền máu gấp. Và qua một xét nghiệm, họ đã phát hiện ra tớ không phải là con đẻ của bố mẹ. Ban đầu bố nghi ngờ mẹ ngoại tình, cho rằng việc ly hôn là một quyết định sáng suốt. Mẹ tớ phải bay về ngay hôm sau. Cả nhà lại lôi nhau đi làm xét nghiệm ADN lần nữa. Vị bác sĩ già ở bệnh viện ven biển năm nào đã bất cẩn trao nhầm con. Những dữ liệu còn lưu lại mười tám năm trước chẳng có gì rõ ràng cả. Bố mẹ tớ định nhờ luật sư tư vấn để kiện bệnh viện. Còn việc tìm lại nguồn cội của tớ và cũng để tìm ra đứa con ruột của họ thì tựa như mò kim đáy bể.

Cậu sẽ hỏi tại sao tớ không tâm sự với cậu chuyện tày trời ấy? Vì tớ vẫn chưa dám đối diện với sự thật, vẫn cố vớt vát hy vọng có sự nhầm lẫn nào đó. Buổi tối hôm ấy, mẹ và dượng tổ chức sinh nhật cho tớ. Dượng là đối tác phía bên kia, một quyết định của ông ấy sẽ giúp công ty của bố tớ tránh khỏi nguy cơ phá sản. Mẹ và dượng còn ngỏ ý muốn đưa tớ sang bên kia sống cùng họ.

Tớ chạy ra cầu trong cơn cuồng loạn. Nhưng khi bám tay vào thành cầu, tớ bất chợt hồi tưởng lại những gì đã diễn ra. Và tớ đã phải trốn chạy, náu mình nơi cửa Phật để mong gột sạch những vô minh. Đêm hôm ấy, trời mưa rất to…

Tôi lặng người, xót xa, muốn nói một câu an ủi Kim nhưng lại im lặng. Cuộc đời ai chẳng từng có những khoảnh khắc vô minh, chính tôi từng có những lúc muốn buông xuôi vì nghĩ mình là gánh nặng của bố mẹ. Nhưng chúng ta vẫn ngồi đây như một cơ duyên hạnh ngộ để biết chỉ cần được sống đã là hạnh phúc. Những gì đã qua như một vết thương đã lành sẹo. Cậu cứ bước tiếp con đường đã chọn, cứ quay lưng về phía vô minh như cậu hằng tâm niệm, Kim nhé!

Tôi chợt nhớ tới chiếc dây chuyền có gắn viên đá đổi mầu của Kim và tưởng tượng nó đang ánh lên lấp lánh. Cũng giống như khoảng trời sau bão bao giờ cũng trong sáng lạ thường.