Luống rau của má

Má ngồi chỗ luống rau, bàn tay gầy gầy vạch nhổ từng cọng cỏ nhỏ mọc tận trong gốc rau. Đôi bàn tay đầy vết chai sần, da tay nhăn nheo, đen đúa và trổ đồi mồi ấy hết ruộng lại lên rẫy theo từng mùa nắng mưa thăm hỏi.

Má đâu bao giờ để đôi tay nghỉ ngơi, rỗi việc, má lại ngồi đó, lụm thụm chỗ luống rau trước sân, lọ mọ nhổ từng cọng cỏ.

Đi xa, tôi bao lần nhớ về quê, nhớ chái bếp, nhớ làn khói, nhớ má, nhớ cả luống rau con con trước sân, chỗ đấy, bên cái giếng có cây khế mỗi mùa lại thả từng chiếc lá vàng đậu thành giếng, buồn mênh.

Bao lần tôi hỏi tuổi của luống rau, má cũng chẳng nhớ nỗi. Má bảo lúc ba má ra riêng, thứ gì cũng riêng, mặc dù cất nhà sát vách nhà nội. Có lẽ cũng vì vậy mà từ những cây rau thơm mọc dại bên giếng, má gây lên thành vạt rau riêng, cho tới bây giờ. Người nhà quê là vậy, má nói, nếu được cứ gây, cứ sắm cho riêng phần mình, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.

Cái vòng rào bên ngoài là hàng rau ngót xanh mượt. Phía bên trong rào mỗi góc có bụi sà sả tốt bùm tum. Từng góc nhỏ má trồng từng loại rau khác nhau. Vạt tía tô, vạt rau ngò, một ít mã đề, một góc rau tần, rau răm, rau dền xanh tím… Những mớ rau hiền ấy sống chan hòa nhau trong vườn rau của má.

Tôi chưa thấy má bỏ ngày, bỏ buổi ra chăm luống rau bao giờ, vậy mà luống rau lúc nào cũng tươi tốt. Buổi sáng khi bếp nhà đã đỏ lửa, cơm mai đã chín, lúc ấy má tranh thủ ngồi giữa luống rau, tay vạch bắt những con sâu xanh non nấp dưới từng lá dền, ngọn khoai. Tỉ mỉ, tẩn mẩn. Tấm thân gầy gầy giữa bao quanh sương mai còn giăng mùng trắng lối. Má hay dặn, cây rau nào bị bệnh, lá cải nào bị sâu phải nhổ, phải cắt để tránh lây sang những cây khác. Cũng giống như những thói hư tật xấu trong mỗi con người, cần phải sửa, phải bỏ để tránh thành thói quen lớn làm hư cả một tính nết.

Có những buổi non trưa má làm về sớm, cái nón cời vành vì mưa nắng và gian truân, má lại lom khom nơi ấy, vườn rau nhỏ bên giếng, chỗ có cây khế sà ấp một góc vườn. Dáng má gầy gầy cõng nắng, tay cắp chiếc rổ tre, tay cào cào, xới xới, lượm cỏ, vun gốc.

Những ngày bé dại anh em tôi lũn cũn bên má trong những buổi non trưa như thế, khi nào má cũng lấy nón cời đội sang đầu anh em, hối vào nhà không nắng u đầu ra. Đứa đội nón, đưa bê rổ rau che đầu, chỉ có đầu má nắng gội, mái tóc rối xơ bê bết trên gương mặt đầy những mồ hôi. Không biết phải bao lần má để nón sang cho anh em tụi tôi, khi thì ra đồng, khi thì lên rẫy, hay những buổi non trưa bên luống rau không mà rồi một ngày ngoảnh lại, thấy tóc má đã bạc trắng mầu nắng, như những bông cải tàu bay trên đồi trong một chiều lộng gió.

Rong ruổi qua bao miền, trong siêu thị, chợ phố chất đầy những rau, nhưng tôi không thể nào quên được rau vườn nhà. Hương thơm từ những cọng rau mập mạp nơi phố thị không giống hương thơm từ những cọng rau trong luống rau nhà mình. Điều đó là đúng.

Tôi về quê vào một ngày trong xanh, thấy thời gian đuổi xô mọi thứ trôi về đâu xa lắc. Má đứng đó, giữa luống rau, tóc má cũng đã gội mầu mây. Rồi má sẽ về miền mây hiền nào đấy, như bà và những người bà quê khác. Chắc chắn là thế. Nhưng luống rau sẽ ở lại. Luống rau sẽ neo hình má trong tôi và sẽ neo cả phần hồn của tôi với gia đình, với quê hương mình.