Như những nàng tiên...

Nghỉ quản lý Nhà hát Múa rối Thăng Long về hưu, người nổi tiếng với những sắp đặt hàng nghìn quân rối nước và những trò rối cổ truyền được cải biến độc đáo - NSƯT Chu Lượng - được thêm thời gian, không gian để trở lại bước “khởi nghiệp” tận mấy chục năm trước. Đó là hồi ông tốt nghiệp khoa Mỹ thuật, Trường Nghệ thuật Tây Bắc. Ông vẽ những người phụ nữ!
0:00 / 0:00
0:00
Một số bức chân dung trong triển lãm.
Một số bức chân dung trong triển lãm.

1/Thực ra khoảng chục năm qua ông đã “vẽ lại” nhiều, với triển lãm đầy ân tình - “Chu Lượng và những người bạn” năm 2016, bày 50 bức chân dung bạn hữu là các văn nghệ sĩ danh tiếng cùng một số kỹ sư, bác sĩ, nhà quản lý... thân thiết. Nhưng từ những bức tranh các “quý ông” đó đến sự kiện mới lần này, là một bước chuyển thú vị.

Triển lãm “Từ chân dung đến chân dung Những người đàn bà tôi vẽ” tại 45 Tràng Tiền, Hà Nội, từ 17 đến 24/3, trưng bày hơn 30 chân dung những người phụ nữ thân thiết và quen biết, là các nữ văn nghệ sĩ, doanh nhân, nhà quản lý… vốn rất trân trọng họa sĩ về nghề nghiệp với những tâm huyết sáng tạo. Và người vẽ cũng trân trọng họ không chỉ bằng sắc màu. Với mỗi nhân vật, nghệ sĩ Chu Lượng đều có lý do để thể hiện vẻ đẹp của họ bằng hình vóc, dáng nét, nhưng hơn thế, là điều mà ông cảm nhận được: sự thông minh, thành đạt, vẻ thanh lịch, một nét tính cách quyết đoán, một tài năng đã được khẳng định, một ước mong chân thành được lưu giữ dấu ấn thanh xuân của mình, một kỷ niệm đẹp mà người phụ nữ đó kể với ông...

NSƯT Chu Lượng vẽ NSƯT, nhà giáo Lan Anh, giọng chèo đã cộng hưởng cùng các tiết mục rối nước của Nhà hát Múa rối Thăng Long nhiều năm qua. Ông vẽ một nữ nhân viên giản dị, hiền lành của nhà hát, sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Gai, các cụ thân sinh đều là người Hà Nội, dịp gặp gỡ đầu xuân, chị nói: “Em mong anh vẽ cho em một bức chân dung, để em lưu lại cho mình, và để lưu lại cho con cháu mình sau này, vì em bây giờ cũng đã là U50 rồi”. Có người phụ nữ khác, thì họa sĩ cảm nhận: “Bức chân dung này thật khó cho tôi quá. Hôm nay bức chân dung tôi đã vẽ xong. Tôi không chỉ vẽ một mình chị ấy, mà vẽ cả gia đình của chị thông qua bức tranh này”. Lại có người mà ông vẽ sau khi nghe lời tâm sự: “Trong cuộc đời của em, em thấy mình đẹp nhất khi đang yêu, lúc làm cô dâu, và khi làm mẹ chồng, được sang xin đón con dâu về nhà mình… Em muốn lưu giữ lại khoảnh khắc ấy”…

Cứ thế, tha thiết, nhiệt thành, trên căn gác ngôi nhà cuối phường La Khê - Hà Đông, liên tục trong nhiều ngày tháng, nghệ sĩ Chu Lượng sống cùng những bức vẽ. Ông vẽ đến mức cảm thấy như: “Cả gia đình tôi gia nhập với “đại gia đình F0”. Nhưng riêng tôi, virus corona không bước chân vào nơi thánh đường của nghệ sĩ được. Bởi vì nơi đây, những người phụ nữ đang hiện diện”. Và bây giờ, những người phụ nữ ấy, hạnh phúc cùng họa sĩ hiện diện trong triển lãm, qua những bức chân dung mến thương, quý trọng.

2/Có gì đó nữa không để liên hệ về niềm mê say vẽ bạn bè, vẽ những người phụ nữ trên bàn tay cầm bút của họa sĩ? Tôi nhớ đến những khoảnh khắc, những bức ảnh bằng hữu ghi lại khi nghệ sĩ Chu Lượng trìu mến nâng trên tay một quân rối. Cụ thể hơn, một “nàng tiên rối”. Nhớ những tượng gỗ nhân vật nữ cách điệu từ quân rối tiên mà ông trang trí, chia mảng mầu, sơn thếp công phu từ vạt yếm, nếp áo, khăn lưng. Nhớ cách mà ông cải tiến trò rối múa tiên, vốn gắn bốn quân rối dàn hàng ngang trên sào, ông nhân đôi lên, thành tám cô, xếp hàng trước sau, thêm cảm giác lấp đầy mặt nước, thêm vẻ lung linh, tươi sáng. Hình như, trong sâu thẳm sự rung cảm nghệ sĩ, Chu Lượng có “ưu ái” hơn cho những quân rối nữ của mình! Và loạt chân dung những người phụ nữ mà ông vẽ miệt mài, hứng khởi, vẽ quên cả dịch bệnh, vẽ đầy chia sẻ được báo tin với mọi người qua facebook cá nhân suốt mấy năm qua, có lẽ chính là sự tiếp nối của tình yêu phái đẹp đó. So một chút với loạt tranh triển lãm năm 2016 vẽ những người đàn ông, để thấy thời gian qua, và trong triển lãm lần này: bảng mầu phong phú hơn, người vẽ tạo nhiều khoảng sẫm trên tranh, từ mái tóc, bờ vai, phía sau các nhân vật nữ, hay chính trong làn tóc họ, ở những vệt mầu quanh họ, để như diễn tả điều gì đó còn huyền ảo, thẳm sâu, còn bí ẩn mà không phải khi nào chúng ta cũng chạm tới được.

Có lẽ, đó là điều mà họa sĩ đọc lên từ những người đẹp, trong những ngày tháng một mình đối diện tấm toan nơi phòng kín. Ông đọc lên điều mà chính ông, cùng người xem tranh, sẽ còn tiếp tục đi tìm lời giải, cho những gương mặt, dáng hình phụ nữ - những nàng tiên đa sắc mầu trong thực tại này. Và để hiểu người đối diện, đó chính là một lý do thôi thúc ta suy tư, sáng tạo!