Nhớ về“Những khoảnh khắc tháng 10-1954” ở Hà Nội

Triển lãm ảnh “Hà Nội - Những khoảnh khắc tháng 10-1954” đã làm sống lại những ký ức lịch sử của những ngày hào hùng giải phóng Thủ đô 64 năm trước.

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ trên lễ đài.
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ trên lễ đài.

1/ Kỷ niệm 64 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2018), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức triển lãm ảnh “Hà Nội - Những khoảnh khắc tháng 10-1954” với ba nội dung chính: Những đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô Hà Nội; Lễ chào cờ chiến thắng ngày 10-10-1954; Những hồi ức lịch sử. Qua 60 hình ảnh tư liệu được chọn lọc, người xem có thể hiểu hơn về những ngày chuẩn bị cho tiếp quản và cảm nhận được không khí hân hoan ở Thủ đô trong ngày giải phóng giữa mùa thu 64 năm trước. Triển lãm kéo dài từ ngày ba đến ngày 31-10 tại không gian tầng 2 của di tích Đoan môn trong khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

2/ Tháng 2-1947, sau 60 ngày đêm khói lửa kiên cường, Trung đoàn Thủ đô rút khỏi nội thành Hà Nội với lời hẹn chiến thắng trở về. Nhân dân Việt Nam và nhân dân Hà Nội nói riêng đã trải qua chín năm kháng chiến trường kỳ để có được ngày đón những người con yêu quý trong Trung đoàn Thủ đô về Hà Nội tiếp quản chiến thắng. Đúng 15 giờ ngày 10-10-1954, tại sân vận động Cột cờ, hàng trăm nghìn người dân Hà Nội đã trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức với sự tham gia của các đơn vị quân đội tham gia tiếp quản thành phố.

Nhân dân Hà Nội đón chào đoàn quân chiến thắng trong niềm vui và tự hào. Cổng chào, cờ hoa, biểu ngữ được chuẩn bị kỹ. Để cắm cờ trên cột cờ trong ngày 10-10, anh em công nhân ở Nhà máy xe lửa Gia Lâm đã bí mật chuẩn bị trước một cây cột sắt, chỉ chờ Pháp rút quân là lắp lên vì trước đó trên đỉnh cột không có chỗ treo cờ. Lễ chào cờ được tổ chức trang trọng, an toàn nhưng không kém tưng bừng, hân hoan.

Nhớ về“Những khoảnh khắc tháng 10-1954” ở Hà Nội ảnh 1

Một đơn vị Trung đoàn Thủ đô trong lễ chào cờ với lá cờ quyết chiến quyết thắng của Hồ Chủ tịch.

3/ Những ký ức đó vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của mỗi chứng nhân lịch sử được tham gia trong sự kiện lớn này. Nhà sử học Dương Trung Quốc, khi đó mới bảy tuổi, đến nay vẫn nhớ những buổi tối đến chùa Cầu Đông trên phố Hàng Đường để tập những bài hát chuẩn bị cho ngày tiếp quản Thủ đô. Đến nay ông còn nhớ lời những bài hát đó. Ông Quốc cũng nhớ sau này mình còn được xem (ở nhà một người sưu tập) trang bìa số Tết Giáp Ngọ (1954) của một tờ đặc san xuất bản tại Hà Nội, khi đó còn tạm bị chiếm, có vẽ hình Vua Quang Trung cưỡi ngựa (chứ không phải cưỡi voi như trong các câu chuyện lịch sử khác về Quang Trung, chắc là muốn gắn với năm Ngọ) tiến vào giải phóng Thăng Long nhưng đằng sau lại vẽ Cột cờ Hà Nội - một hình ảnh mang tính ẩn dụ, vì thời Quang Trung, Cột cờ Hà Nội còn chưa được xây. Tờ tranh bìa đó như một lời ngầm tiên đoán sự kiện trọng đại của Hà Nội diễn ra trong năm 1954 lịch sử.

Ông Phùng Đệ, năm 1946 là một “vệ út” của Trung đoàn Thủ đô xúc động nhớ lại cảm giác xốn xang không thể tả nổi của mình trong ngày trước khi tiếp quản thành phố và niềm vui sung sướng vỡ òa khi ông được đi giữa hàng quân tiến vào Hà Nội trong rừng cờ hoa của nhân dân chào đón. Ông còn kể: “Trong những cuộc liên hoan văn nghệ ở Việt Bắc, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô thường dựng mô hình Tháp Rùa cho vợi nỗi nhớ và cũng khẳng định thêm quyết tâm chiến đấu và chiến thắng trở về”. Cho đến buổi sáng ngày 10-10-1954, nỗi nhớ và quyết tâm đó đã được thỏa nguyện.

Nhớ về“Những khoảnh khắc tháng 10-1954” ở Hà Nội ảnh 2

Bộ đội tiến vào phố Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: THÂN TRỌNG NINH