Nhạc Gen Z Táo bạo & suy tư

Nghĩ lớn, mơ lớn, làm tới, làm liều, tâm điểm cuộc chơi... là những từ mà “người ngoài” đang nhìn nhận về thế hệ Z (hay Gen Z, là những người sinh ra trong khoảng năm 1995 đến 2012) và khá đồng nhất với cách họ tự họa về mình. Nghe có vẻ hơi... manh động, nhưng ở khía cạnh tích cực, đó là cái nhìn khá lạc quan, hy vọng vào một thế hệ được trang bị tri thức, học hành bài bản, phát huy sáng tạo; một thế hệ dám nghĩ, dám làm, dám phá bỏ định kiến, dám đột phá để đổi mới, sẵn sàng vượt qua vùng an toàn để trưởng thành.
0:00 / 0:00
0:00
Mỹ Anh trong MV Mỗi khi anh nhìn em, sản phẩm âm nhạc phát hành 11/2022.
Mỹ Anh trong MV Mỗi khi anh nhìn em, sản phẩm âm nhạc phát hành 11/2022.

Xét riêng trong lĩnh vực âm nhạc của Gen Z cũng thấy những đặc trưng thú vị đó...

Sáng tạo không biên giới

Chú Đại bi, một trong những bài kinh trì chú phổ biến trong nhà Phật, mới đây lại được hai nghệ sĩ trẻ sinh năm 1996, 1997 là Masew và Khoi Vu làm mới với bản phối nhạc bắt tai. “Mong rằng với sự kết hợp này, Chú Đại bi đến gần hơn với giới trẻ và giữ được vẻ tôn nghiêm vốn có”, Khoi Vu đã chân thành và khéo léo gửi gắm thông điệp đến người nghe như thế.

Bên cạnh những phản hồi tích cực như bản phối hay, lôi cuốn, dễ thuộc và dễ gây nghiện, cũng không ít những gạch đá từ phía người mộ đạo. Tuy nhiên, người nghệ sĩ khi sáng tạo là chọn cho mình lối đi không an toàn, là chấp nhận đối đầu với những khen chê...

Mới đây, khán thính giả chưa hết thích thú với màn kết hợp giữa NSND Bạch Tuyết cùng Hứa Kim Tuyền, Hoàng Dũng, 14 Casper trong MV âm nhạc Về nghe mẹ ru. Sự hòa quyện, phối trộn giữa cải lương, nhạc trẻ, rap, vũ đạo, hai phong cách âm nhạc khác biệt do hai thế hệ nghệ sĩ thể hiện trong một tác phẩm đã được ghi nhận bởi chiến thắng ở hạng mục Music of the year của Tik Tok Awards 2022, “Sự kết hợp xuất sắc” của giải Làn sóng xanh 2022.

Năm 2021, bản Nam Quốc sơn hà giữa Phương Mỹ Chi, cô nàng tuổi Quý Mùi kết hợp với Erik từng gây sốt trong suốt một quãng thời gian dài. Chất giọng sáng đẹp của Phương Mỹ Chi kết hợp giọng rap đặc trưng của Erik, màn vũ đạo khoáng đạt, phối trộn nhuần nhụy tạo hiệu ứng mạnh mẽ, mãn nhãn. Rõ ràng, thành công của sản phẩm đó là nỗ lực của các yếu tố, không có chỗ cho sự may rủi.

Phần nhiều nghệ sĩ Gen Z thành thạo và không ngại bắn tiếng Anh trong giao tiếp, sinh hoạt. Với thế mạnh đó, xu hướng sáng tác của họ có thể viết các nhạc phẩm bằng ngôn từ mượt mà, đẹp thuần chất Việt, nhưng cũng có thể dùng lối chơi trộn lẫn Anh-Việt, đặc biệt những đoạn lặp, đoạn cao trào, tạo hiệu ứng mới lạ phóng khoáng, khá bắt tai. Có rất nhiều sản phẩm âm nhạc của Gen Z vận dụng lối so sánh, ví von vừa uyển chuyển vừa hài hước trẻ trung tạo sức hút mạnh mẽ tự thân rất lớn và dễ dàng lan tỏa trên mạng xã hội.

Đa dạng và đa năng

Theo chân anh chị đi trước, thị trường nhạc trẻ đang được Gen Z khuấy động với sự đa dạng về phong cách. Họ thể hiện sự độc lập và trưởng thành bởi xu hướng tự sáng tác và biểu diễn, tự sản xuất các sản phẩm âm nhạc của mình. Mỹ Anh,

Hứa Kim Tuyền, Hoàng Dũng, Grey D, Tlinh, Dfoxie, Phùng Khánh Linh, Vũ Thanh Vân... với hành trình cống hiến đã cho thấy họ là những nghệ sĩ nội lực mạnh mẽ, đầy tiềm năng trong tương lai. Mỗi nghệ sĩ giải trí thế hệ mới để cho ra đời sản phẩm âm nhạc không chỉ cần giọng hát mà còn tổng hòa nhiều yếu tố để định hình dấu ấn cá nhân như phong cách trình diễn, tạo hình đến giai điệu, cách chơi chữ thông minh, cách làm chỉn chu từ vũ đạo, trang phục...

Các nghệ sĩ trẻ dám dấn thân để cho ra đời những sản phẩm âm nhạc nhằm định vị bản thân gắn với mốc thời gian nhất định trong sự nghiệp, cuộc sống. Mỹ Anh vừa ra mắt Mỗi khi anh nhìn em. Trên nền nhạc R&B, soul người nghe cảm nhận vẻ đẹp tinh tế nhẹ nhàng đặc trưng trong giai điệu phong cách Mỹ Anh, phần hình ảnh tạo rung cảm mạnh mẽ từ sự tương phản hai tông mầu đen-trắng gợi mở giữa đêm và ngày, giữa âm và dương cân bằng hòa quyện.

Ở một không gian khác, Quý cô say xỉn Phùng Khánh Linh hợp tác ê-kíp nước ngoài làm album Citopia, gồm 10 ca khúc do cô sáng tác được đón nhận nhiệt tình ngay sau khi phát hành. Dòng nhạc citypop mới được chú ý trên thị trường âm nhạc trong nước thời gian gần đây mà Phùng Khánh Linh là người đầu tiên thử nghiệm và được đón nhận. Nghệ sĩ Vũ Thanh Vân cũng là một cá tính âm nhạc độc đáo. Theo đuổi dòng nhạc indie, cô tiếp cận và bắt nhịp nhanh với các xu hướng quốc tế, là điển hình cho sự dấn thân không mệt mỏi trong hành trình làm mới mình.

 Nhạc Gen Z Táo bạo & suy tư ảnh 1

Hứa Kim Tuyền, Hoàng Dũng, Juky San - những tình bạn đẹp và kết hợp ăn ý trong âm nhạc của thế hệ Z.

MV Mai về mới ra đời không lâu với sự kết hợp của Dfoxie (Đình Phúc) - một rapper thuộc 37sound và Myhai (Nguyễn Hoa Trà My) như chia sẻ của tác giả, đó là câu chuyện viết về vòng lặp của hai kẻ bị tách biệt khỏi hơi thở của thành phố, hai cá nhân tưởng như không liên quan cùng mơ mộng bỏ quên thực tại, mắc kẹt trên một đám mây nào đó trong tâm tưởng... Vốn là một rapper có chất giọng đặc biệt, những sản phẩm luôn được anh viết ra bằng ngôn từ trau chuốt kỹ lưỡng, nhiều hình ảnh, Mai về chạm được cảm xúc nhiều người bởi sự đồng cảm.

Người làm nhạc cũng như người nghe hiện nay có xu hướng nghe phối trộn nhiều thể loại trong một tác phẩm âm nhạc, từ thể loại, ngôn ngữ cho đến phong cách thể hiện. Gen Z đang kế thừa một cuộc chơi rộng khắp thế giới, một sân chơi âm nhạc đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Người nghe được thưởng thức đủ phong cách, thể loại từ pop dance trẻ trung, R&B thời thượng cho đến hip hop/rap...

Xu hướng âm nhạc chữa lành và suy tư thời cuộc

Thời gian qua, dịch bệnh kéo dài, con người trải qua một giai đoạn đầy âu lo và nhiều thương tổn trên mọi mặt của đời sống xã hội. Bên cạnh sự mất mát tổn hại, ở mặt tích cực, đây là khoảng lặng đáng quý để nhìn nhận, kiểm soát sắp xếp lại những ấp ủ dự định...

Âm nhạc, vốn dĩ là nhu cầu tinh thần không thể thiếu trong đời sống, cũng không nằm ngoài quy luật cuộc sống. Người trẻ hứng chịu những áp lực riêng, họ sử dụng âm nhạc để đối phó với căng thẳng và lo lắng. Tại buổi ra mắt album Citopia, nghệ sĩ Phùng Khánh Linh xúc động chia sẻ: “Tôi từng mất bốn người thân trong Covid-19. Rồi mối tình bảy năm cũng tan vỡ. Tôi muốn làm điều gì đó cho chính người thân, vượt qua nỗi đau. Âm nhạc là sự lựa chọn tốt nhất”.

Trong chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc Xuân hạ thu đông rồi lại xuân, bài hát Đến giờ cơm gây xúc động mạnh mẽ. Nhạc phẩm được thể hiện giản dị, như lời kể chuyện thủ thỉ tâm tình, mà chạm đến cảm xúc người nghe, như một phương thức xoa dịu, chữa lành sau những biến cố của cuộc sống... Viết về các vấn đề xã hội dường như là thứ “khó nhằn” với các nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ. Hứa Kim Tuyền đã không ngại theo gót các đàn anh Minh Khang, Nguyễn Văn Chung, Dương Cầm, Phan Mạnh Quỳnh... để thử nghiệm.

Ca khúc Hoa Kỳ với sự kết hợp của Hoàng Dũng (từ album Colours) được viết trong thời điểm con người sống bất ổn vì dịch bệnh, mặc dù đầu tư hình ảnh có vẻ đơn giản, cách phối nhạc không hẳn đặc biệt, ca khúc vẫn khiến nhiều người xa xứ thổn thức vì chạm đến trái tim. Chất giọng nhẹ, như thủ thỉ tâm tình của Nàng thơ Hoàng Dũng thật hợp: Hoa Kỳ mùa này liệu tuyết có đang rơi/ Làm cho em chơi vơi nghĩ ngợi về miền nhiệt đới/ Nơi ba má đợi, nơi người thương em đợi/ Và những điều thật tuyệt vời trong thâm tâm em nghĩ tới.

Một người nghe để lại dòng bình luận: “Mình cũng ở Hoa Kỳ, tự thấy cuộc sống hiện tại của mình cũng hạnh phúc và may mắn, nhưng khi nghe bài hát này thì khóc như một đứa trẻ... những tháng năm đầu vất vả, những tổn thương phải tự vượt qua và đứng lên, những xúc cảm dần bị chai sạn rồi tự nói với bản thân là mình đang thích nghi, mình đang trưởng thành. Cám ơn Hứa Kim Tuyền và Hoàng Dũng đã làm nên bài hát này, như một sự xoa dịu vết thương lòng của người xa xứ, có chút đau khi vết thương bị chạm vào nhưng thấy ấm áp vì biết có người vẫn nghĩ và yêu thương...”.

Bức tranh nhạc trẻ Việt từng có những giai đoạn bế tắc, thiếu sức sống khi dòng nhạc pop ballad bị lạm dụng, giai điệu, ca từ nhuốm màu buồn bi, tẻ nhạt. Cho đến nay, đời sống âm nhạc sôi động trở lại, đa dạng và đa sắc màu hơn, nhờ sự nỗ lực góp sức không nhỏ của thế hệ Z.