Nguy cơ được dự báo trước

Năm 2022, hàng loạt dấu hiệu cho thấy các tổ chức thánh chiến đang trên đà bành trướng ở châu Phi, có thể trở thành mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh thế giới. Từ năm 2014, khi tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) thâm nhập “lục địa đen”, đến nay các nhóm cực đoan, khủng bố đang tiếp tục gây dựng lực lượng.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn xe của phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở Mali. Ảnh: GETTY IMAGES
Đoàn xe của phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở Mali. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo Sputnik, trong cuộc họp báo ngày 28/12 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Oleg Syromolotov nhấn mạnh: “Nga đặc biệt quan ngại về việc các đối tượng khủng bố từ Trung Đông di chuyển vào sâu châu Phi, nơi những điều kiện để thành lập một tổ chức IS phiên bản 2.0 rõ ràng đang hình thành”. Nhà ngoại giao Nga lưu ý rằng, Moscow đang tăng cường đối thoại với đối tác, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Ai Cập, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) để ứng phó các mối đe dọa khủng bố.

Phát biểu ý kiến trước Hội đồng Bảo an LHQ cuối tháng 11, Phó Tổng Thư ký LHQ Amina Mohammed cũng cảnh báo sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố ở châu Phi, coi đây là mối đe dọa lớn đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Bà cảnh báo: “Những kẻ khủng bố và bạo lực cực đoan như IS, Al-Qaeda và “chân rết” của các nhóm này đã lợi dụng sự bất ổn, xung đột để gia tăng hoạt động và tăng cường tiến công trên khắp lục địa châu Phi. Điều này đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn an ninh và gây thêm khó khăn cho cuộc sống của người dân nơi đây. Khủng bố cũng đe dọa đẩy một quốc gia vừa thoát khỏi chiến tranh trở lại hố sâu xung đột”.

Trong vòng hai năm qua, một số “chân rết” của IS đã liên tục tiến hành các hoạt động bạo lực và gia tăng sự hiện diện ở Mali, Burkina Faso và Niger, cũng như về phía nam châu Phi. Các tổ chức thánh chiến đã lợi dụng tình hình xung đột ở châu Phi để xoáy sâu thêm bất ổn, nhằm phục vụ các mục tiêu trước mắt và lâu dài của chúng. Số liệu của LHQ cho thấy, châu Phi đã trải qua 25 cuộc xung đột vũ trang cấp quốc gia vào năm 2019, mức cao nhất ở lục địa này kể từ năm 1946. Phần lớn số vụ việc trên có sự tham gia của các nhóm khủng bố quốc tế, như IS và Al-Qaeda, chịu trách nhiệm cho 56% các vụ bạo lực chống lại dân thường trong năm 2019.

Giới quan sát chỉ ra rằng, sự hiện diện của khủng bố trên lục địa châu Phi đã gia tăng đáng kể sau mỗi biến động tại khu vực. Đó là sự hình thành của chi nhánh khủng bố Al-Qaeda ở khu vực Bắc Phi (AQIM) vào năm 2006, làn sóng Mùa xuân Arab năm 2011, sự sụp đổ của Chính phủ Libya do ông Muammar Gaddafi nắm quyền năm 2011, cuộc đảo chính ở Ai Cập năm 2013… Song, sự thay đổi đáng kể nhất bắt đầu vào năm 2014 khi IS tìm kiếm “cơ hội phát triển” châu Phi, gây ra sự bành trướng của chủ nghĩa khủng bố ở lục địa này. Cùng với đó là các hoạt động leo thang bạo lực do sự đối đầu và tranh giành lãnh thổ, tài nguyên giữa IS và Al-Qaeda.

Hiện châu Phi đang phải đối mặt hàng loạt rủi ro khác như biến đổi khí hậu, khủng hoảng nhân đạo ngày càng sâu sắc. Cùng với đó, những hạn chế cơ bản của “lục địa đen” như chính quyền thiếu khả năng quản lý, bất ổn chính trị, tham nhũng và kinh tế kém phát triển càng khiến cho các tổ chức khủng bố không ngừng thực hiện hành động chống phá và lợi dụng mọi cơ hội để tăng cường ảnh hưởng, truyền bá hệ tư tưởng cực đoan, thánh chiến. Trong bối cảnh đó, những kẻ khủng bố, các nhóm vũ trang và mạng lưới tội phạm có cơ hội thực hiện hoạt động buôn lậu, buôn người...

Theo Phó Tổng Thư ký LHQ, trong thế giới siêu kết nối ngày nay, chủ nghĩa khủng bố lan rộng ở châu Phi “không phải là mối lo ngại của riêng một quốc gia” mà là mối quan tâm toàn cầu. Bà Mohamed nhấn mạnh: “Phòng ngừa vẫn là biện pháp tốt nhất. Chúng ta phải giải quyết sự bất ổn và xung đột có thể dẫn đến khủng bố ngay từ đầu”. Đồng thời, LHQ kêu gọi các phương pháp tiếp cận dựa trên cộng đồng; nhấn mạnh tầm quan trọng của các tổ chức khu vực có thể giải quyết thách thức do các nhóm khủng bố và bạo lực cực đoan gây ra.