Người Trà Liên giữ pho tượng quý

Tại di tích quốc gia “Các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn 1558-1626” thuộc làng Trà Liên, người dân của làng cùng chính quyền xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, Quảng Trị đã rước và an vị tượng đồng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ vào đền thờ mới xây dựng hoàn thành.
0:00 / 0:00
0:00
Chính quyền xã Triệu Giang cùng người dân làng Trà Liên tham gia rước tượng Nguyễn Ư Dĩ.
Chính quyền xã Triệu Giang cùng người dân làng Trà Liên tham gia rước tượng Nguyễn Ư Dĩ.

Mất đi lại trở về

Pho tượng đồng cổ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ có mặt gần năm thế kỷ tại làng Trà Liên, được gìn giữ qua bao bể dâu và đã trải qua nhiều lần bị đánh cắp. Năm 1558, Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa, chọn vùng đất Ái Tử thuộc huyện Triệu Phong lập dinh, mở đầu thời kỳ khai phá ở Đàng trong của nhà Nguyễn. Khi đoàn quân vào đến Ái Tử, người dân dâng lên bảy chiếc vò lớn đựng đầy nước. Thái phó Nguyễn Ư Dĩ là cậu ruột Nguyễn Hoàng cho rằng đây là điềm đại cát. Sau này, chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613) với những chính sách phù hợp để phát triển xứ Đàng trong, được khắp nơi mến mộ, suy tôn là chúa Tiên. Đạt được kết quả ý nghĩa này, công lao rất lớn thuộc về Thái phó Nguyễn Ư Dĩ. Các cao niên của làng Trà Liên cho biết dân làng từ nhiều đời nay lưu truyền khi Nguyễn Ư Dĩ mất, chúa đã đúc tượng ông và lập đền thờ.

Nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng Quảng Trị phân tích, pho tượng đồng ở làng Trà Liên được xem là tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, cao 0,62m, phần vai rộng 0,32m, tạc tư thế toàn thân của một vị quan ngồi trên bệ thấp, hai chân gấp khuỷu hơi dang ra. Khuôn mặt chữ điền, mắt nhìn xuống, mũi cao, môi mỏng, cằm vuông, râu dài, tai rộng, đầu đội mũ quan hai lớp, chân đi hia chỉ để lộ phần mũi. Toàn thân khoác áo choàng rộng phủ từ vai xuống vắt trùm cả hai chân. Hai tay vòng phía trước bụng khuất trong vạt áo choàng chỉ để hở một ngón tay cái của bàn tay phải. Phần bụng để hở to tròn. Trên ngực có một dải đai vòng. Trọng lượng pho tượng nặng ước trên dưới 200kg. Phong cách điêu khắc của pho tượng được một số nhà nghiên cứu cho rằng thuộc mỹ thuật thời Mạc (thế kỷ XVI). Với giá trị văn hóa đặc biệt và ý nghĩa lịch sử như vậy, cơ quan chức năng tỉnh đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận pho tượng là bảo vật quốc gia.

Sau khi phát hiện pho tượng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, người dân có thể không biết tượng là ai nên xem là tượng Phật, đưa vào thờ ở chùa Liễu Bông nằm phía tây khu vực Cồn Dinh của làng. Những năm chiến tranh ác liệt thập niên 60-70, chùa bị bom đạn đánh phá tan hoang nhưng pho tượng vẫn nguyên vị trí. Sau ngày đất nước hòa bình, dù không có điều kiện để dựng lại chùa, người dân vẫn trân trọng thờ cúng pho tượng ngay vị trí nền chùa Liễu Bông. Cuối những năm 80, pho tượng bị một nhóm người đánh cắp. Dân làng Trà Liên đã truy tìm và phát hiện pho tượng cất giấu ở bờ cát ven sông Thạch Hãn. Người dân đã đưa pho tượng về khu vực bên cạnh đình làng, xây dựng ngôi miếu nhỏ, đặt tượng cố định bên trong để tiếp tục thờ cúng. Nhiều năm sau, kẻ gian lại tìm đến, nhưng chẳng hiểu vì sao, đúng lúc này trời nổi giông và mưa lớn suốt đêm, khiến người xấu không thể mang tượng cổ ra khỏi làng. Lúc trời rạng sáng, dân làng phát hiện pho tượng nằm trên một bãi đất. Dân làng thành kính thắp nhang thỉnh tượng trở lại nơi thờ tự.

Tôn kính người có công

Chủ tịch UBND xã Triệu Giang Bùi Quốc Hùng cho biết, các thế hệ dân làng Trà Liên luôn tôn quý, thờ cúng tượng với các nghi thức tâm linh, bày tỏ sự ngưỡng vọng trước bậc tiền nhân. Vào các dịp lễ, Tết, ngày rằm dân làng đều đến thắp hương, cầu bình an, mùa màng tươi tốt. Các bậc cao niên tin rằng từ khi dân làng thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, bà con luôn gặp điều may mắn, cuộc sống bình an. Với lòng thành kính, năm 2021, làng Trà Liên đã góp sức xây dựng đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ trên khu đất diện tích trên 2ha.

Tháng 9/2013, tại huyện Triệu Phong, UBND tỉnh Quảng Trị từng phối hợp Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Quảng Trị - đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng”. Năm 2018, nhân kỷ niệm 460 năm chúa Nguyễn Hoàng dựng nghiệp trên đất Ái Tử - Trà Bát, Di tích lịch sử “Các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn 1558-1626” thuộc làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong được xếp hạng cấp quốc gia. Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ được hoàn thành dịp này nhằm kỷ niệm 420 năm ngày mất của ông (1602-2022); hướng tới kỷ niệm 465 năm Nguyễn Hoàng dựng sự nghiệp trên đất Triệu Phong, Quảng Trị (1558-2023) và tưởng niệm 410 năm ngày mất của chúa Nguyễn Hoàng (1613-2023) do chính quyền và người dân huyện Triệu Phong tổ chức.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhận xét, việc làm của làng Trà Liên rất đáng trân trọng. Từ lâu, tỉnh luôn quan tâm bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa; không ít cộng đồng người dân tự nguyện tham gia tích cực bằng các hình thức sáng tạo phong phú nên nhiều di tích, hiện vật có giá trị được bảo vệ, giữ gìn. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì những kết quả đạt được chưa thật sự lớn, bền vững. Do vậy, cần quan tâm hơn nữa, tăng cường tính liên kết, phối hợp vai trò của cộng đồng làng xã trong việc tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản. Bên cạnh đó, cần đầu tư nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống gắn với xây dựng đời sống văn hóa bảo đảm tương xứng với tăng trưởng kinh tế...