Mượn quạt, nón chụp ảnh thoải mái
Làng hương có từ thời nhà Nguyễn này từng cung cấp nguồn hương cho cung đình và người dân vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân. Ngày nay, hương trầm của làng có mặt khắp trên toàn quốc, xuất khẩu ra nước ngoài.
Nằm trên đường Huyền Trân Công Chúa, hàng chục quán trưng bày nhiều bó chân hương rực rỡ sắc mầu được sắp đặt đẹp mắt. Các tấm bảng “làng hương xứ Huế”, “làng hương Thủy Xuân”... thu hút ánh nhìn của bao lữ khách. Mặc dù vào giữa tuần, nhiều xe du lịch đã dừng trước quán của người dân để du khách tham quan làng hương nổi tiếng nhất cố đô.
Vừa xuống xe, chị Vương Thu Nguyệt (43 tuổi, đến từ Hà Nội) cùng mọi người ghé vào quán mệ Tuyết (bà Tuyết - PV) để tham quan. Từ trong quán, người phụ nữ xứ Huế nở nụ cười tươi đi ra chào khách và nhẹ nhàng nói du khách chụp ảnh thoải mái, cho mượn quạt, nón để chụp ảnh. Du khách còn thỏa thích chiêm ngưỡng tác phẩm chân hương được sắp đặt tài tình với hình bông hoa, ngôi sao... Năm ngoái, em của chị Nguyệt đi Huế và chụp ảnh ở làng hương khiến chị ấn tượng với sắc mầu của chân hương nên chị muốn vào Huế trải nghiệm.
“Ở đây không có tình trạng chèo kéo mà để khách tự nhiên, thoải mái trải nghiệm theo ý của mình và không có những chuyện thiên về dịch vụ như những nơi mọi người mở ra để làm kinh doanh. Qua đó, mang lại cảm giác gần gũi cho mọi người hơn”, chị Nguyệt bày tỏ. Chị biết đến quán mệ Tuyết vì mọi người chia sẻ trên mạng xã hội về việc người phụ nữ này dùng một phần lợi nhuận từ việc bán hàng để ủng hộ cho bệnh nhân ung thư. Hoạt động thiện nguyện này được mệ duy trì khoảng 10 năm nay. Cũng như nhiều du khách khác, chị Nguyệt muốn đến mệ Tuyết để có một chút giúp đỡ, chia sẻ với mọi người.
Cách quán mệ Tuyết vài chục bước chân, quán hương của bà Tôn Nữ Mộng Hoa tấp nập du khách vào ra. Trước mặt quán, nhiều du khách đứng chờ đến lượt để con trai bà Hoa chụp ảnh giúp. Trong quán, cô con gái út bà Hoa cần mẫn trình diễn công đoạn se hương thủ công để đoàn du khách nước ngoài chiêm ngưỡng, hướng dẫn du khách tự tay làm ra chân hương, rồi giới thiệu bằng tiếng Anh các mặt hàng lưu niệm. Con gái lớn bà Hoa nhiệt tình tìm bộ áo dài phù hợp du khách. Bà Hoa bận giải đáp câu hỏi của du khách trong và ngoài nước...
“Ba năm trở lại đây, nguồn khách đến quán càng ngày càng đông. Tôi cho du khách chụp ảnh miễn phí và họ vui vẻ ủng hộ quán bằng cách mua quà lưu niệm, chai nước, thuê bộ cổ phục...”, người phụ nữ 55 tuổi nói.
Chỉnh trang quán, tạo thêm điểm check-in...
Tiếp xúc với nghề truyền thống của cha ông từ nhỏ, cuộc sống bà Hoa gắn liền với hương trầm. Quán hương được dựng lên cách đây hàng chục năm. Thời gian trước, quán bà chủ yếu phục vụ khách nước ngoài. Những năm gần đây, khi thấy bó chân hương đẹp mắt nên nhiều người trong nước tìm về làng hương nhiều hơn.
“Để thu hút du khách, quán được chỉnh trang nhiều thứ như trang trí chân hương cao hơn, trang trí nhiều lồng đèn, sắp xếp chân hương thành các bông hoa bắt mắt, làm bức tường mầu vàng... Sau này, tôi dự định sửa sang quán khang trang hơn để có nhiều khách ghé thăm hơn”, bà Hoa nói.
Ở gian hàng của chị Thanh Hương, nhiều du khách mặc áo dài cổ phục tươi cười chụp ảnh bên bộ bàn ghế gỗ, sau lưng có chiếc cửa đặc trưng xứ Huế. “Du khách đi ngang thích không gian bàn ghế này nên vào chụp ảnh, đăng lên mạng và được nhiều người biết đến quán hơn. Vài tháng trở lại đây, nhờ không gian này, quán có đông khách hơn”, chị Thanh Hương cho biết.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc nhận xét: “Người dân làng hương rất sáng tạo trong việc thu hút du khách. Lúc đầu, chỉ đơn giản là du khách vào xem làm hương, tự tay trải nghiệm làm hương, sau này, người dân sắp đặt bó chân hương thành những hình bông hoa rực rỡ, mang tính nghệ thuật cao, hấp dẫn du khách, nhất là giới trẻ đến check-in, chụp ảnh... Hiện nay, làng hương Thủy Xuân được xem là địa điểm du lịch hấp dẫn ở Huế, nhất là giới trẻ. Mỗi khi đến Huế, du khách mặc áo dài tham quan Đại nội và lên check-in ở làng hương”.
Cuối năm 2021, nghề hương trầm Thủy Xuân được Thừa Thiên Huế công nhận là Nghề truyền thống của tỉnh, giúp có thêm cơ chế để hỗ trợ người dân như vấn đề quy hoạch, hướng dẫn hình thức sản xuất hương kết hợp trình diễn cho du khách chiêm ngưỡng... Địa phương và ngành du lịch đã đưa làng hương vào tuyến du lịch, tạo điều kiện cho dòng khách đến đây thường xuyên, đều đặn hơn. Ngoài ra, còn tạo điều kiện để người dân mở rộng không gian, có hình thức thiết kế cả trong lẫn ngoài để có không gian check-in hài hòa, có tính mỹ thuật cao.
Bà Trần Thị Ngọc, Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân: “Hiện nay, trên địa bàn có khoảng 25 - 30 hộ sản xuất và kinh doanh hương trầm vừa làm hương kinh doanh, vừa quảng bá sản phẩm, tạo điểm nhấn cho du khách”.