Nghệ sĩ Nhân dân Trung Hiếu:

Người làm sân khấu cần sáng tạo và cả dũng khí

Làm thế nào để vừa giữ được phong cách vừa tiếp cận và thu hút thế hệ khán giả hôm nay trong bối cảnh mới của đời sống xã hội sau đại dịch Covid-19? "Tất cả luôn đòi hỏi hai yếu tố: Sáng tạo và dũng khí của người làm nghệ thuật" - đó là khẳng định của Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, trong cuộc trò chuyện với Nhân Dân cuối tuần.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong vở Làng song sinh, Huy chương vàng Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2021. Nguồn: Nhà hát Kịch Hà Nội
Cảnh trong vở Làng song sinh, Huy chương vàng Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2021. Nguồn: Nhà hát Kịch Hà Nội

Một thương hiệu không thể thay thế

- Thưa anh, "thương hiệu" Nhà hát Kịch Hà Nội đã đi vào tâm khảm công chúng Thủ đô suốt hơn 60 năm qua, với nhiều dấu ấn không thể pha trộn…

- Vâng, chính xác là đã 63 năm. Nhà hát Kịch Hà Nội tiền thân là một đội kịch thuộc Đoàn văn công Nhân dân Hà Nội, được thành lập năm 1959, năm 1965 được tách ra hoạt động độc lập, trở thành Đoàn Kịch nói Hà Nội. Năm 1993, UBND thành phố Hà Nội quyết định nâng hạng Đoàn Kịch thành Nhà hát Kịch Hà Nội.

Trong từng ấy năm tháng, Nhà hát Kịch Hà Nội là ngôi nhà, nơi để trưởng thành và cống hiến của rất nhiều gương mặt nghệ sĩ danh tiếng của sân khấu kịch cả nước: NSƯT Hoàng Quân Tạo, NSƯT Trần Vân (1952-1994), NSND Trần Hoạt, NSƯT Quốc Toàn (1946-2018), NSƯT Thanh Tú, NSND Trần Hạnh (1929-2021), NSND Hoàng Cúc, NSND Hoàng Dũng (1956-2021), NSƯT Minh Vượng, NSND Thu Hà, NSND Minh Hòa, NSƯT Trần Đức, NSND Tiến Đạt, NSND Công Lý... và rất nhiều nghệ sĩ trẻ nổi tiếng hiện nay.

Nhà hát Kịch Hà Nội có phong cách nghệ thuật được đánh giá rất cao bởi những giải thưởng, bằng khen và danh hiệu cao quý. Một thương hiệu Kịch Hà Nội không thể thay thế, không thể pha trộn. Đó là sự tinh tế, lịch lãm và hào hoa trong diễn xuất, là sự nhạy bén về thời sự, sắc sảo về chính trị, là sự kiên định về phong cách chính kịch mà Nhà hát đã xây dựng, gìn giữ và không ngừng phát triển trong suốt những năm qua.

- Nhìn lại thành tựu, bên cạnh niềm vui, hẳn lâu nay, anh cũng có những lúc "hoang mang" với sức sống của sân khấu nói chung, của Nhà hát nói riêng?

- Trong thế kỷ trước, những thập niên 70 và 80 là thời kỳ rực rỡ của sân khấu Việt Nam nói chung, trong đó có Đoàn Kịch Hà Nội; sang đến thập niên 90 thì sân khấu không được vậy nữa và đúng giai đoạn ấy, tôi về Nhà hát công tác. Tôi suy nghĩ rất nhiều. Nhưng "sinh nghề tử nghiệp", cũng có lúc muốn tìm việc khác đấy (cười), nhưng muốn thế thôi, thực tế vẫn cứ đau đáu với sân khấu và quyết tâm, cố gắng làm sao để góp phần đưa sân khấu rực rỡ trở lại; sân khấu phải đúng nghĩa là thánh đường.

- Những khó khăn cơ bản trong việc đưa sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội nói riêng trở thành thánh đường có thể là gì, thưa anh?

- Những đề tài chính kịch hay luôn được chúng tôi đam mê nghiên cứu và thể hiện. Tuy vậy, việc thiếu kịch bản chính kịch hay, phù hợp là điều mà hầu hết các đơn vị nghệ thuật hiện nay đang gặp phải.

"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Một thời gian dài, chúng ta cứ nói là làm kịch nghệ thuật, nhưng vẫn mang tính tuyên truyền là chủ yếu, thiên về ca ngợi nhưng có phần khiên cưỡng. Trong khi những gì đi vào trực diện vấn đề nóng bỏng của xã hội thì lại rất ít.

Những năm 80 thế kỷ trước chúng tôi dựng vở Tôi và chúng ta, lừng lẫy và chấn động. Đến năm 2003, vở Cát bụi cũng để lại tiếng vang lớn. Suốt từ đó đến nay, Cát bụi vẫn được chúng tôi diễn liên tục, mỗi năm có hàng trăm suất diễn, bên cạnh đó là Đứa con bị đánh cắp, Những mặt người thấp thoáng… Những vở diễn chính luận của Kịch Hà Nội luôn đi vào vấn đề nóng bỏng nhất của xã hội như phòng, chống tham nhũng, bóc trần tệ nạn xã hội, mối quan hệ gia đình, ô nhiễm môi trường, bản chất con người. Đặc trưng của kịch nói hiện đại chính là hơi thở của cuộc sống. Dù là đề tài lịch sử nhưng tác phẩm vẫn cần có hơi thở thời đại, muốn truyền tải thông điệp đến thế hệ khán giả hiện nay. Nghệ thuật kịch nói có thể phản ánh trực diện nhất, chuyển tải trực tiếp, chính diện và nhanh nhất những nội dung và cảm xúc đến người xem.

Người làm sân khấu cần sáng tạo và cả dũng khí ảnh 1

Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội

Ðặt mình vào vị trí của khán giả

- Từ nhiều năm tháng trải nghiệm với nghề, anh có thể chia sẻ quan điểm về đòi hỏi của công chúng hôm nay, nhất là khán giả trẻ, đối với nghệ thuật sân khấu kịch?

- Tôi nghĩ khán giả trẻ ngày nay cần sự thẳng thắn và sáng tạo trên sân khấu. Ở góc độ này, người nghệ sĩ cũng phải có bản lĩnh, có dũng khí sáng tạo. Ngày nay, dân trí cao, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cao, sân khấu phải đáp ứng những điều ấy thì mới kéo được họ ra khỏi nhà, khỏi màn hình ti-vi, điện thoại. Biết là khó khăn hơn rất nhiều, nhưng phải làm bằng được.

- Hẳn là Nhà hát cũng phải thay đổi cách tiếp cận công chúng, thưa anh?

- Đúng thế. Hệ thống truyền thông, quảng bá của Nhà hát đã kịp thời thay đổi theo sự phát triển và nhu cầu của xã hội. Bước vào giai đoạn phát triển mới, Nhà hát Kịch Hà Nội đã thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, đồng thời có một định hướng rõ nét cho sự phát triển của tương lai: xây dựng một Nhà hát Kịch Hà Nội đa năng, lấy nghệ thuật sân khấu kịch nói làm trung tâm. Muốn khán giả đến với mình, trước tiên chúng ta phải hiểu khán giả thích gì, muốn gì và cần gì. Chúng ta phải đặt mình vào vị trí của khán giả.

Sau đại dịch Covid-19, từ tháng 4 vừa rồi, Nhà hát Kịch Hà Nội đã nhanh chóng triển khai mở cửa biểu diễn đón khán giả. Nhà hát luôn sáng đèn hằng tuần với hàng nghìn lượt khán giả không chỉ ở Hà Nội mà ở các thành phố khác. Chúng tôi cho ra mắt hàng loạt vở diễn: Hà thành chính khí, Làng song sinh, Thúy Kiều-một kiếp đoạn trường, Hai viên ngọc thần…

- Nhu cầu của công chúng ngày một đa dạng hơn song để vừa đáp ứng được đòi hỏi thời đại vừa bảo lưu được những giá trị làm nên thương hiệu Nhà hát Kịch Hà Nội, theo anh, liệu có điều gì mâu thuẫn ở đây không?

- Không. Bởi tất cả luôn đòi hỏi hai yếu tố sáng tạo và dũng khí của người làm nghệ thuật.

Sáng tạo là yếu tố then chốt trong lĩnh vực nghệ thuật. Còn "dũng khí" thể hiện ở việc "dám" - dám sử dụng những kịch bản mang tính hiện đại, thời sự nóng hổi. Những nội dung có tính xã hội và phản biện cao tuy sẽ khiến không ít người cảm thấy e ngại, nhưng tôi nghĩ rằng, đó mới chính là giá trị của nghệ thuật biểu diễn hiện đại. Phản ánh chân thực đời sống xã hội, thể hiện chân-thiện-mỹ nên là giá trị mà các vở diễn hướng tới.

Cái "dám" thứ hai mà tôi nghĩ đến chính là dám thay đổi bản thân để phù hợp xu thế hiện đại. Tự tin là tốt, định hướng phong cách là nên. Nhưng đồng thời, chúng ta vẫn cần không ngừng học tập và tích lũy kinh nghiệm. Dám bước ra khỏi vòng an toàn để thấy bản thân còn nhiều điều cần phải học hỏi, nâng cao và phát triển mình hơn.

Cái "dám" thứ ba chính là dám sử dụng nhân tố trẻ. Trong khi mà chúng ta còn trăn trở làm thế nào để tiếp cận khán giả, làm thế nào để có được kịch bản hay, làm thế nào để sân khấu đủ sức hấp dẫn... thì chúng ta cần tạo nhiều cơ hội hơn đối với thế hệ nghệ sĩ trẻ, cán bộ trẻ bởi họ tràn đầy sức sống và sự sáng tạo. Việc định hướng, tạo điều kiện và đào tạo thế hệ kế cận của mỗi một đơn vị cần được nhìn xa, nhìn sâu hơn. Chúng ta cần có một cái nhìn rộng mở và mạnh dạn hơn với những sáng tạo, tư duy và cách thể hiện của những người trẻ.

- Chân thành cảm ơn anh về cuộc trò chuyện cởi mở!