“Người cha” của bồ câu

“Đấy, đấy, con bồ câu một chân này đã đi đứng, chạy nhảy kiếm ăn được rồi! Tập tễnh thế, nhưng khi no bụng lúa tôi cho ăn là nó lại vút bay trên đại lộ Hòa Bình nổi tiếng nhất Cần Thơ ấy nhé”.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Chương cần mẫn chăm sóc bồ câu mỗi ngày tạo nên một nét đẹp trong không gian đô thị Ninh Kiều - Cần Thơ.
Ông Chương cần mẫn chăm sóc bồ câu mỗi ngày tạo nên một nét đẹp trong không gian đô thị Ninh Kiều - Cần Thơ.

1/Ông Trần Văn Chương, 60 tuổi, quê ở quận Ninh Kiều, Cần Thơ, “cha già” của bầy chim trời ở Tây Đô, đôn hậu nheo mắt mỉm cười, khi ông đang chăm chú dõi theo con bồ câu mái khuyết tật mới nhất, đi một chân, mổ thóc mà ông vừa vãi ra. Nửa tháng trước, ông Chương dùng chiếc kéo sắc ngọt… cắt đứt lìa bén ngót chân trái của con bồ câu này. Cái chân tàn tật, khô đen do bị người ta bắn trúng từ lâu, lủng lẳng, la lết theo từng bước chân kéo lê trên đại lộ Hòa Bình. Rồi nó cứ bay chấp chới trước mặt ông Chương như van lơn, cầu khấn ông cứu giúp…

Sau khi được ông Chương “phẫu thuật”, bồ câu này tập tễnh từng bước ngắn trên vỉa hè, cứ ngã chúi dụi. Ông Văn Chương chạy lại nâng niu trong hai bàn tay gân guốc; can thiệp kịp thời khi nó bị các con khác dẫm đạp lên mình... Suốt hai tuần tập đi khó nhọc, dưới sự giám sát chặt chẽ của ông Chương, thì nay, bồ câu bình phục nhanh một cách kỳ lạ! Chim còn nghịch ngợm nhảy lên vai, lên đầu ông Chương.

Trong bầy chim trời của ông Văn Chương, có năm con bồ câu tật nguyền như vậy, con mất chân, mất nửa cánh, con nghẹo cổ, con gãy mấy chiếc xương sườn... Những “cô, chú” bồ câu này sau khi bị thương, đã sà vào lòng ông Chương như cầu xin sự cứu giúp. Ông bỗng dưng trở thành “nhà phẫu thuật” bất đắc dĩ. Và may mắn là các ca “phẫu thuật” này đều thành công ngoài mong đợi. Những con bồ câu lại tung cánh lên cao như trước, sà vào lòng ông, thoải mái đón nhận những cái vuốt ve chứa chan yêu thương của người đàn ông không gia đình này.

“Người cha” của bồ câu ảnh 1

Ông Chương bán cây kiểng dạo.

2/Ngày nào cũng vậy, bất kể mưa gió bão bùng, đúng 6 giờ 30 phút, ông Chương có mặt với bao thóc hàng chục kg. Ông ngồi vãi thóc cho chim ăn rộn ràng cả một góc phố. Nhiều người lớn và trẻ em cũng mang thóc cho chim ăn. Không ít người ghé gởi ông Chương tiền mua thóc cho bồ câu, như ông chủ khách sạn Ninh Kiều 2 thi thoảng gởi 500 nghìn hoặc 1 triệu đồng nuôi chim trời.

Chim ăn xong đợt đầu tiên, vỗ cánh ra đài phun nước trước cổng UBND Cần Thơ tắm táp, rỉa lông, rỉa cánh... Xong, chúng tung bay giữa đại lộ Hòa Bình đầy nắng ấm áp. Ông Chương còn cho bầy bồ câu này ăn bốn lần nữa mới hết khẩu phần ăn trong ngày. Quãng thời gian nghỉ giữa năm lần cho chim ăn đó, ông vội đạp xe cây kiểng đi rao bán. Ông khoe, bán vé số được hơn 100 nghìn đồng tiền lời/ngày, gói ghém mua thóc cho chim trời. Trung bình, mỗi ngày,

ông Văn Chương cho chúng ăn khoảng 10kg thóc. Tối đến, lũ bồ câu bay lên các tầng cao của khách sạn Ninh Kiều 2 trú ngụ để rồi sáng mai lại sà xuống trong vòng tay của ông.

Người dân Cần Thơ, từ 11 năm qua, vốn đã quen mang thóc đến cho bầy bồ câu ăn. Ông Chương thu gom thóc để vào một góc, cho chim ăn dần. Nhiều người còn chở thóc đến nhà trọ của ông. Trẻ em theo cha mẹ đến xem và vui đùa với bồ câu mỗi ngày, tạo ra những cảnh tượng rất vui tươi, nhất là những hôm nắng vàng rải nhẹ trên những vỉa hè sạch sẽ. Ông Chương nói, ông vẫn luôn muốn tìm người truyền lại công việc chăm chim trời này, khi ông tuổi cao, sức yếu không kham nổi nữa.

Thú vị là ông Chương còn sáng tác một bài hát ngắn, nhưng tràn đầy cảm xúc với lũ chim mà ông cưng như con. Đó là bài “Bồ câu Tây Đô”: “Ai về Cần Thơ, xin ghé lại đại lộ Hòa Bình, có đàn bồ câu của ông bán kiểng thật là đông ghê, vui đùa nhảy nhót, ăn những hạt lúa vàng óng ả, chắc ai đi về sẽ nhớ mãi Ninh Kiều, Cần Thơ, chắc ai đi về sẽ nhớ mãi Ninh Kiều quê tôi”.