Người Bảo Lộc & rẫy

Đến thành phố Bảo Lộc trong những ngày này, bạn sẽ được đãi món sầu riêng hạt lép ngon “quắn lưỡi”. Đang là mùa nên cảnh mua bán của thương lái với nhà vườn luôn tấp nập. Rủ đi thăm rẫy, thăm cây là lời mời của những người dân ở đây với khách phương xa.

Sầu riêng năm nay được mùa được giá.
Sầu riêng năm nay được mùa được giá.

Trên vùng đất đỏ…

Chuyến đi Bảo Lộc của chúng tôi liên quan đến người bà con làng xóm mà những năm 90 thế kỷ trước, họ rời quê vào Lâm Đồng với giấc mơ nương rẫy cà-phê, đồi chè bát ngát. Chị Trương Thi Lâm, ngụ hẻm 98, đường Phùng Hưng cho hay: “Nhìn người ta nuôi tằm, ươm tơ thì biết. Họ có tay nghề rất cao, kỹ thuật thành thuộc mới làm được. Mình phải chọn cách làm khác, dễ dàng hơn”.

Những người vào đất Tây Nguyên nói chung và vào đất Bảo Lộc nói riêng luôn cần ổn định cuộc sống ngay, vì vậy họ phải vạch sinh kế ngắn hạn và chiến lược dài hạn: “Chúng tôi đi theo cách tự phát, chứ không có một hỗ trợ nào. Vào đến đây rồi thì tìm ngay công việc từng ngày, được trả công theo từng ngày để có tiền mua gạo ăn, đồ dùng sinh hoạt, tính chuyện tích lũy mua nương rẫy, tính chuyện lâu dài”, anh Lê Văn Dũng, ngụ cụm dân cư B’lao cho biết. Những năm đầu tiên trên đất đỏ ba-zan Bảo Lộc được anh Dũng khái quát với hai từ “cửu vạn”. Với cường độ lao động mười mấy tiếng trong ngày, anh nói: “Vợ chồng tôi chỉ còn đủ tiền mua cái máy bóc vỏ cà-phê… Công việc kéo dài mấy tháng thu hoạch. Hết mùa thì dừng việc”.

Cái máy bóc vỏ cà-phê khi hết mùa cà được chuyển công năng vận tải, chuyên chở phân lân, u-rê vào các nương rẫy. Công việc này chỉ cần một người, nên gia đình anh đã dôi ra một lao động. Vợ anh Dũng bón phân cho gốc cà-phê, chặt chè thuê: “Gặp việc nào làm việc đó. Mà thực tế thì không thiếu việc”, anh Dũng cho biết. Và rồi theo năm tháng, con cái lớn lên, cuộc sống đổi thay. Vợ chồng anh Dũng tích tụ được hai ha đất trồng cà-phê cho thu hoạch. Giá cà-phê lúc xuống, khi lên nhưng làm vườn không bao giờ lỗ vốn. Và một ngày ngồi cộng số tiền rủng rẻng bán cà-phê, ông chủ của khu rẫy hai ha đã bắt đầu nghĩ đến việc thay đổi cách sống. “Khi đói chỉ lo làm, lo ăn. Khi có của ăn, của để lại nghĩ chuyện khác”, anh Dũng nói. Nhưng rồi nhân tình, cờ bạc đã mang hai ha cà-phê ra khỏi tay anh. Hơn hai mươi năm ở đất Bảo Lộc, tối mày tối mặt vì đất đỏ. “Làm giàu đã khó nhưng kiểm soát được mình lại càng khó hơn”, anh Dũng kết luận.

… và sầu riêng nghiêng ngả sợi tơ

Thành phố Bảo Lộc được xem như “vương quốc”của dâu tằm tơ, “thủ phủ” của chè, cà-phê nhưng nay, cây sầu riêng đang lên ngôi. Sầu riêng mỗi ký bán vựa có giá 60 nghìn đồng, mỗi quả từ bốn đến tám ký, mỗi gốc cây tròm trèm chục triệu. Anh Phùng Xuân Lâm ngụ tại phố Lữ Gia cho hay: “Đám thanh niên vào rẫy nhà mình, hai tay xách sáu trái sầu đã có hơn triệu đồng rồi”. Anh Lâm dẫn chúng tôi đi từng gốc sầu riêng và nói về từng loại. Sầu riêng monthong, trái hình trục, cơm (múi) vàng lạt, thơm ngọt vừa phải, vị ngậy, sầu riêng ri, cơm vàng đậm… Trong vườn của anh Lâm trồng giống sầu riêng trên với tỷ lệ hạt lép từ 40%-70%. Anh Lâm giải thích: “Sầu riêng hạt lép không phải lép hết. Trong mỗi trái nó vẫn có hạt to. Với loại sầu riêng giống cũ hạt to vẫn có 10-15% hạt lép. Với loại này, chỗ hạt lép liên quan chất lượng cơm. Nó sẽ sượng, nhạt, không thơm”.

Do tình trạng trộm cắp sầu riêng nên nhiều gia đình ở Bảo Lộc không dám trồng. Anh Lê Văn Đạt ngụ đường Trần Phú buôn bán giống cây trồng, phân bón, có 1,2 ha cà-phê nói: “Tổng diện tích là vậy nhưng nó nằm ở ba đám rẫy khác nhau. Nếu trồng sầu riêng sẽ không trông coi được. Trồng cà-phê thì không ai lấy trộm nữa. Trộm cà-phê bán không được nhiều tiền. Thời gian để tuốt được một bao cà-phê cũng khá lâu nên trộm không ngó tới”, anh Đạt cho biết.

Giữa thủ phủ cà-phê Lâm Đồng, chen trong các con phố Bảo Lộc vẫn có quán cà-phê đề chữ Buôn Mê, thấy tôi thắc mắc, anh Đạt giải thích, hương vị nó không khác nhau nhưng vì cà-phê Buôn Mê nổi tiếng qua bài hát. Những người bán cà-phê họ cũng mua nguyên liệu ngay ở đây thôi: “Họ bán hàng thì họ cần một cái tên cho quán. Chẳng ai phản đối cái việc đó. Đất Bảo Lộc là dâu tằm, là chè cơ mà”, anh Đạt lập luận.

Trà Ô Long, dâu tằm Bảo Lộc là những thương hiệu ghi vào trí nhớ những người đến đây. Xuất thân từ nghề tằm đất Bắc Ninh, bà Khương Thị Huệ, ngụ đường Nguyễn Bá Ngọc vào đây những năm sau giải phóng. Bà Huệ kể chuyện thời đó đi theo hợp tác xã, nghề theo người. “Ngày đó đều do nhà nước thu mua, ai cũng yên tâm sản xuất”. Sau này thị trường mở ra, nhiều loại trái cây, cà-phê trồng có thu nhập cao hơn nên nhiều gia đình được khoán đất đã chuyển đổi. Nhiều nhà mua đất chỗ khác, trồng cây, phát triển kinh tế gia đình. “Hiện Nhật Bản đầu tư nên nghề tằm tang khôi phục trở lại. Nhưng để có một thành phố Bảo Lộc cũng phải nhờ đến ngành công nghiệp tơ lụa. Có nhà máy, có công nhân, có dân cư đông đúc mới ra phố xá”. Tuy nhiên chuyện về lụa ít được nói ở đây: “Tài sản cố định là rẫy thôi. Rẫy sầu riêng, rẫy cà-phê... Đa phần nhà nào trong thành phố này cũng đều có rẫy. Dân phố đi làm rẫy, thế đó”, bà Huệ kết luận.