Ngôi sao Việt giữa Biển Đông

Trần Đức Thắng, kỹ thuật viên điện tự động hóa trên giàn khoan Hải Thạch - Mộc Tinh nói vui rằng, theo đồng hồ anh đang đeo, một ngày, anh đi trung bình 12 nghìn bước chân. Đi lên và đi xuống trong một không gian không quá rộng, nhưng từng ấy cũng đủ làm mệt nhoài sức trai.
0:00 / 0:00
0:00
Cờ Tổ quốc tung bay trên giàn khoan Hải Thạch - Mộc Tinh. Ảnh: TRUNG HIẾU
Cờ Tổ quốc tung bay trên giàn khoan Hải Thạch - Mộc Tinh. Ảnh: TRUNG HIẾU

Sôi động trên giàn khoan

Cụm giàn khoan Hải Thạch - Mộc Tinh lúc nào cũng ồn ào tiếng máy. Đó là cụm giàn nằm ở nơi xa đất liền bậc nhất trên Biển Đông, 320km tính từ Vũng Tàu về phía đông nam, phải trải qua 1 giờ 45 phút trên trực thăng mới tới điểm đến.

Giàn trưởng Đoàn Mai Lâm chỉ một thiết bị: “Van SDV-2910 đó, để đưa được ra đây là cả một kỳ tích”. Tháng 8/2021, giàn khai thác Hải Thạch - Mộc Tinh… đã tạm dừng mọi hoạt động sản xuất để tiến hành sửa chữa bảo dưỡng trong 10 ngày. Việc thay van SDV-2910 là một trong những nhiệm vụ của chiến dịch bảo dưỡng này. Đây là van có nhiệm vụ cô lập hệ thống trước khi xuất khí vào đường ống Nam Côn Sơn. Thời điểm dừng giàn, van đang có hiện tượng rò rỉ khí ra môi trường, cần phải thay thế để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. “Đưa được nó ra đây là cả một quá trình vì đúng giai đoạn cao điểm Chỉ thị 16, cách ly, thủ tục rất nhiều công đoạn”, giàn trưởng Lâm nhớ lại. Lắp xong cả giàn thở phào nhìn nhau. Nhìn thiết bị vô tri tưởng đơn giản, nhưng để đưa ra tới đây là bao nhiêu công sức, mồ hôi.

Ở đây, mọi hoạt động đều được thực hiện theo một quy trình chuẩn chỉnh, không chi tiết thừa thiếu, cũng không bỏ qua bất cứ một bước an toàn nào. Hoàng Trọng Tuân, Giám sát kỹ thuật của giàn bảo rằng, ở đây mỗi một sự lơ là, đều có thể phải trả giá, bằng việc đóng cả giàn, hoặc có thể còn nguy hiểm hơn thế. Mỗi ngày trôi qua, cuộc sống là những cuộc lập trình hơn 12 nghìn bước chân, đều đặn. Bước ra giàn, tiếng máy móc luôn ầm ào, át cả tiếng sóng biển dưới chân. Thế nên khi tôi hỏi một nhân viên trên giàn, cuộc sống tách biệt khỏi đất liền có bao giờ cảm thấy nhàm chán không, anh bảo bận quá, quên chả chán.

Chỉ độ 15 năm trước, không ai có thể hình dung ở vị trí này sẽ có một giàn khoan sôi động như thế.

Bể Nam Côn Sơn là khu vực có giếng khoan đầu tiên ngoài khơi Việt Nam từ năm 1974. Nhưng mãi tới thập niên 90 thế kỷ trước, các tập đoàn lớn trên thế giới mới bắt tay tiến hành thăm dò dầu khí trở lại. Năm 1992, hoạt động thăm dò - khai thác dầu khí ở Lô 05-2 và Lô 05-3 bể Nam Côn Sơn được các Nhà thầu BP (Vương quốc Anh), ConocoPhillips (Mỹ) và Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) triển khai. Cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh được phát hiện ở Lô 05-2 và 05-3 vào năm 1995. Trước đó, những mỏ khí Lan Đỏ, Lan Tây cũng đã được công bố, cho thấy một tiềm năng dồi dào.

Năm 2003, mỏ Lan Tây - Lan Đỏ vận chuyển dòng khí đầu tiên. Nhưng Hải Thạch - Mộc Tinh cùng tiềm năng vẫn nằm im lìm cùng biển xanh. Hầu hết các giếng khoan thăm dò đều gặp sự cố. Vị trí mỏ có cấu tạo địa chất phức tạp bậc nhất thế giới, áp suất, nhiệt độ vỉa rất cao, tại giếng khoan sâu nhất ở mỏ Hải Thạch với chiều sâu thẳng đứng hơn 4.500m, nhiệt độ ở đáy lên đến 187oC.

Giàn khoan 90% “made in Việt Nam”

Năm 2008, BP dường như đã hết kiên nhẫn, họ rút khỏi dự án dù đã bỏ ra hơn 500 triệu USD để tìm kiếm thăm dò ròng rã hơn chục năm. Petrovietnam tiếp quản dự án dang dở với đầy nỗi âu lo. Để tiếp tục, yếu tố tiên quyết là phải áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất.

Và dự án Biển Đông 01 ra đời, cùng với việc thành lập Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC), trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

“Công trình của chúng tôi là một trong những công trình đặc biệt khó khăn thách thức về khoa học - kỹ thuật khi mà các hãng dầu khí nổi tiếng thế giới (BP, Conoco Philips...) đã bỏ ra hơn 500 triệu USD để tìm kiếm, thăm dò nhưng đành phải bỏ cuộc vì các điều kiện địa chính trị và khoa học công nghệ khó khăn tại vỉa dầu khí có áp suất và nhiệt độ cực kỳ cao”, TS Ngô Hữu Hải, Tổng Giám đốc Biendong POC nhớ lại.

Điều thách thức nhất, tất cả mọi phần việc của dự án đều do cán bộ, kỹ sư Việt Nam thiết kế, thi công và điều hành. 90% khối lượng công việc được thực hiện trong nước. Dự án tiếp tục trong bối cảnh bản thân PVN mới chỉ có ba mỏ khí và đều phải dựa vào sự hỗ trợ từ nước ngoài.

Sự “liều lĩnh” một cách có tính toán ấy, hóa ra lại là bài toán cái khó ló trí khôn. Thời điểm thực hiện, Biển Đông 01 là công trình xây dựng trên biển được thiết kế hiện đại nhất, quy mô nhất ở Đông Nam Á.

Bài toán đầu tiên được đặt ra, đóng mới hay thuê giàn khoan nước ngoài. Năm 2009, Việt Nam không có một giàn khoan nào đủ đáp ứng điều kiện ở mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh. Nếu đi thuê, trên thế giới cũng không có giàn khoan nào có thể hoàn toàn phù hợp, đều cần phải cải tiến. Chưa kể chi phí thuê lên tới 500 nghìn USD/ngày.

Để tiết kiệm và cũng để tính đường xa, PVN đã thực hiện đóng mới một hệ thống giàn khoan được xem là thế hệ giàn TAD hiện đại nhất thế giới với nhiều công nghệ mới - PV Drilling V. Tải trọng của tháp khoan thiết kế lên đến 1.500.000lbs để có thể thực hiện được các giếng khoan đến độ sâu 30.000ft (tương đương 9.100m), trong điều kiện độ sâu mực nước biển lên đến 4.000ft (1.200m). Thậm chí, ngay cả khi đặt thiết bị đóng giàn, đối tác nước ngoài cũng phải nâng cấp sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của PV Drilling V.

Lần đầu tiên, Việt Nam có công trình giàn cố định ở độ sâu nhất 135m. Trong số 20 giàn khai thác của ngành dầu khí, dự án Biển Đông 01 đã chiếm ba công trình, đều thuộc nhóm công trình cao nhất Việt Nam. Biển Đông 01 trở thành dự án của nhiều kỷ lục. Nếu bao gồm cả thi công cọc thì tổng khối lượng chế tạo của Biển Đông 01 bằng 20% tổng khối lượng chế tạo suốt trong 25 năm trước của toàn ngành dầu khí.

Việc “lôi” dòng khí lên bờ, như TS Ngô Hữu Hải, Tổng Giám đốc Biendong POC chia sẻ, thì: “đòi hỏi phải nghiên cứu, phát triển công nghệ đồng thời tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp thuộc các lĩnh vực về địa chất/công nghệ mỏ, phát triển, khoan/hoàn thiện giếng và vận hành khai thác hiệu quả các mỏ khí - condensate với điều kiện đặc biệt phức tạp như áp suất cao, nhiệt độ cao khu vực nước sâu xa bờ, khí hậu - hải dương khắc nghiệt”. Sự nỗ lực “made in Việt Nam” thậm chí còn rút ngắn thời gian thi công so với dự tính hai năm, tiết kiệm 74 triệu USD.

Tháng 9/2013, Hải Thạch - Mộc Tinh cho dòng khí thương mại đầu tiên. Năm 2016, dự án đã hoàn thành thi công khoan 16 giếng khai thác áp suất cao. Thời điểm hiện tại, Biendong POC trở thành nhà cung cấp khí đứng thứ hai của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Những mỏ dầu khí ở thềm lục địa phía nam thường được các tập đoàn khai thác dầu trên thế giới đặt tên theo thói quen từng hãng. Hải Thạch - Mộc Tinh một cách tình cờ có ý nghĩa “bao quát” hơn những mỏ khác. Mộc Tinh là hành tinh lớn nhất trong hệ mặt trời. Còn Hải Thạch, là một tên gọi khác của san hô mềm, loại san hô phổ biến vùng biển Thái Bình Dương. Dường như, giàn khoan bé nhỏ đã làm thành một gạch nối giữa trời và biển, nối gần hơn những ước mơ chinh phục của người Việt.

Giàn khoan ấy, giống như một ngôi sao vàng rực rỡ, giữa trùng điệp biển sóng.

Dự án Biển Đông 01 gồm nhiều hạng mục: Chân đế và giàn công nghệ trung tâm Hải Thạch; chân đế và giàn Mộc Tinh 1; cầu dẫn với khoảng 70km đường ống, 20km cáp ngầm. Riêng chân đế giàn công nghệ trung tâm Hải Thạch nặng hơn 16.000 tấn, khối thượng tầng giàn công nghệ trung tâm nặng hơn 12.000 tấn. Để hoàn thành giàn công nghệ trung tâm Hải Thạch, PTSC M&C đã phát huy nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được tích lũy hiệu quả và dùng rất nhiều bản vẽ thiết kế chi tiết, phức tạp. Ban Dự án đã phải huy động hơn 3.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân tay nghề cao, làm việc 24/24 giờ để bảo đảm tiến độ, an toàn, chất lượng và hiệu quả thi công.

Cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển công nghệ để khai thác các mỏ khí - condensate với điều kiện đặc biệt phức tạp thềm lục địa Việt Nam” được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ đợt 6, ngày 23/11/2022. Trong đó, đã có 32 tổ hợp các giải pháp, nhóm giải pháp và các nhóm sáng kiến được đưa ra để thực hiện Dự án Biển Đông 01.