Ngoạn mục Hoàng Hà Tùng

Tùng là một họa sĩ luôn thách thức với đời bằng những bức tranh vẽ bằng cả tâm hồn anh. Bạn bè nghệ sĩ bảo: Tùng mà đã “điên lên” thì phải làm cái gì ra trò…

họa sĩ Hoàng Hà Tùng.
họa sĩ Hoàng Hà Tùng.

1/ Tôi biết Hoàng Hà Tùng đã 30 năm nay, từ cái ngày anh còn vô cùng khó khăn, không ai nghĩ có một ngày anh lại làm nên chuyện. Điều tôi nói ở đây là bản sắc trong tranh của anh thuần Việt, một người nghệ sĩ nếu bị lai căng và ảnh hưởng quá nhiều thể tài, thể loại sẽ không thể có bản thể và mầu sắc riêng. Tùng vẽ tranh rất tự nhiên như đời sống quanh ta vậy, xấu, đẹp, lạ, méo mó có cả, anh say vẽ đến quên hết thảy mọi thứ trên đời, cứ thế anh thả hồn mình vào những bức tranh như đứa trẻ con được đùa với thiên nhiên, với cỏ cây hoa lá, anh vẽ say đắm mà không do dự, tranh của anh luôn thấm đẫm hồn quê, nào là con sông bến nước, hoa chuối, chuồn chuồn…

Hoàng Hà Tùng sinh ra tại một gia đình đông con tại Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), cuộc sống thiếu thốn đã cho anh khao khát làm trụ cột cho cả gia đình. Thuở thiếu thời anh đã mê vẽ, anh kể: “Cứ chiều chiều thả trâu xong tôi lại hì hục nằm lăn lộn trên một vạt phù sa, trườn mình, dùng ngón tay để vẽ xuống bùn. Tôi vẽ tất cả những gì chung quanh: Trâu, cá, sen, cò, người lung tung và lẫn lộn…”. Cứ thế tuổi thơ của anh lớn lên bằng trí tưởng tượng rất phong phú về cảm xúc của con người, có vui có buồn, khao khát, ẩn ức… về đủ mọi nhẽ đời. Tùng tốt nghiệp khoa mỹ thuật sân khấu của Trường ĐH SK&ĐA Hà Nội, thời còn là sinh viên anh đã nổi tiếng trong trường với sự ngang bướng, tung hoành khắp nơi…, ai mà chả ghét cái kiểu ngỗ ngược của Tùng, bàn ra tán vào đủ điều về cái thằng “không coi ai ra gì” ấy!

2/ Thế rồi duyên nợ đã đưa đẩy thằng học trò ngang ngược đến với ông họa sĩ Bùi Huy Hiếu. Ngày nào anh cũng đến nhà ông thầy mình để học vẽ và làm sơn mài, rồi hai thầy trò cùng nhau rong ruổi khắp nơi. Ông Hiếu là họa sĩ nổi tiếng của sân khấu phía bắc với cách vẽ tả thực, sang trọng, ra hình ra khối. Còn Tùng, dù gian nan khốn khó nhưng vẫn đi theo con đường của riêng mình, thời kỳ đầu những bức tranh của anh có biểu hiện kỳ dị, hơi thái quá về hình và làm mầu. Dần dà cũng có những người bạn thích treo tranh của Tùng, rồi có cả người nước ngoài họ thích tranh của anh. Như một sự động viên khích lệ bởi thành quả của mình, Tùng cứ lao vào vẽ và bắt đầu có những ý tưởng khác người như là những cuộc triến lãm không giống ai, ai đã đến triển lãm của anh thì sẽ nhớ mãi với cách thể hiện đậm chất văn hóa Việt trong đó, khi thì hát văn, khi thì nghe tam thập lục…

Hoàng Hà Tùng cá tính rất mạnh, ngang tàng, nhưng thẳm sâu trong anh lại là người rất tình cảm, đắm đuối với những gì mình đã trót yêu thương. Cứ thế anh cho ra đời những bức tranh về nhiều người phụ nữ khác nhau ở mọi thời kỳ, tranh anh vẽ về phụ nữ rất nhiều sắc thái. Tùng vẽ chân dung là bộc lộ mọi cá tính góc cạnh của người đó. Anh coi trọng thần và thái để vẽ nên được một bức tranh có hồn và đặc tả đúng con người đó. Tùng vẽ nhiều thể loại như giấy dó, sơn dầu, sơn mài, phấn mầu… nhưng cách chơi đặc trưng nhất của anh là tranh sơn mài. Tranh sơn mài của Tùng lúc nào cũng cầu kỳ về cách pha mầu. Anh chơi sang, hình khối không vuông vức nhưng khi ngắm tranh ta thấy một cách vẽ đương đại, thức thời với những bức “Ô Quan Chưởng” khảm trai rất Hà Nội, “Vũ điệu hoa chuối” xanh đỏ rất sinh động… Tranh sơn mài của Tùng là thế mạnh như khẳng định chỗ đứng của anh trong sự nghiệp sáng tác.

3/ Gần đây Tùng còn làm đạo diễn cho cả một vở kịch hát mang tên “Chuyện của dòng sông đỏ”. Lần đầu làm tổng đạo diễn, tự viết kịch bản và bỏ tiền đầu tư cho tác phẩm. Anh đặt hàng của các nhạc sĩ trứ danh: “Dòng sông sắc đỏ”, “Bến có còn sông” (Nguyễn Cường), Trọng Đài cũng có “Mắt tằm”, “Con lắc” (lời Hoàng Hà Tùng); Lưu Hà An thì viết “Bay đi”, “Cỏ gà - cỏ may”; Lê Minh Sơn với “Đục thủng con thuyền”; Giáng Son là “Con sông tình yêu”… Tùng là người con của đất Việt, nên tác phẩm “Chuyện của dòng sông đỏ” cũng không ngoại lệ, sân khấu của Tùng toàn cảnh mầu trắng của ánh trai, cây chuối cao vút tượng trưng cho núi non, những hình ảnh thân thương của quê hương Việt Nam diễn ra trong cả vở diễn.

Hội họa và sân khấu của Hoàng Hà Tùng luôn ấn tượng, ồn ào, cộng thêm một chút hóm hỉnh cay nghiệt, người đời không phải ai cũng thích, nhưng mặc kệ. Bởi anh muốn là chính mình, Hoàng Hà Tùng.