Ngăn chặn hệ lụy

Liên tiếp những động thái nguy hiểm xảy ra, đòi hỏi cộng đồng thế giới phải đoàn kết để sớm ổn định tình hình, ngăn chặn những hệ lụy không mong muốn.
0:00 / 0:00
0:00
Niger rơi vào vòng xoáy bất ổn sau đảo chính
Niger rơi vào vòng xoáy bất ổn sau đảo chính

1. Chính phủ Đan Mạch thông báo sẽ có các biện pháp pháp lý để chấm dứt các vụ biểu tình có hành động đốt các văn bản tôn giáo trong một số trường hợp. Theo đó, Copenhagen sẽ can thiệp những tình huống mà "các quốc gia, nền văn hóa hay tôn giáo khác đang bị xúc phạm, và khi vấn đề này có thể dẫn tới những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng cho Đan Mạch, nhất là về vấn đề an ninh". Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần tại Đan Mạch đã xảy ra ba vụ đốt kinh Koran của người Hồi giáo.

Thời gian qua, các vụ biểu tình và đốt kinh Koran ở Đan Mạch và Thụy Điển đã làm gia tăng căng thẳng ngoại giao giữa thế giới Hồi giáo và hai quốc gia Bắc Âu này. Nhiều quốc gia ở Trung Đông đã triệu phái viên của cả Đan Mạch và Thụy Điển tới để chất vấn. Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson bày tỏ vô cùng quan ngại về những hậu quả nếu tiếp tục diễn ra các hành vi báng bổ bản sao cuốn kinh Koran. Bộ Ngoại giao Thụy Điển cảnh báo nước này đang là mục tiêu của các chiến dịch thông tin sai lệch, vốn lợi dụng làn sóng biểu tình phản đối các vụ đốt kinh Koran gần đây.

2. Liên minh châu Âu (EU) thông báo ngừng mọi hợp tác an ninh và hỗ trợ tài chính cho Niger, và quyết định này có hiệu lực ngay lập tức. Động thái trên được đưa ra sau vụ một nhóm binh sĩ phế truất Tổng thống Mohamed Bazoum và giam giữ ông trong Dinh Tổng thống, đồng thời đóng cửa biên giới và ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc. Tướng Abdourahamane Tchiani - vốn là chỉ huy Lực lượng Cận vệ của Tổng thống Niger, đã được chỉ định là người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp sau cuộc đảo chính. Niger là nước nhận viện trợ nhiều từ phương Tây và là đối tác quan trọng của EU trong việc giúp kiềm chế người di cư trái phép từ khu vực nam sa mạc Sahara châu Phi.

Trong khi đó, Liên minh châu Phi (AU) đã đề nghị các binh sĩ đảo chính ở Niger trở lại doanh trại ngay lập tức và vô điều kiện, đồng thời khôi phục các quyền trong hiến pháp trong vòng 15 ngày. AU kịch liệt lên án việc lật đổ một chính phủ do dân bầu, đồng thời bày tỏ lo ngại sâu sắc về sự gia tăng đáng báo động của các cuộc đảo chính quân sự tại châu Phi gần đây. Pháp, Mỹ, Anh… cũng yêu cầu chấm dứt đảo chính để không ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác giữa Niger với phương Tây. Kể từ khi giành độc lập năm 1960, tại Niger đã xảy ra bốn cuộc đảo chính và nhiều âm mưu giành quyền lực khác.

3. Ngân hàng Heartland Tri-State Bank tại thành phố Elkhart (bang Kansas, Mỹ) đã mất khả năng thanh toán, khiến Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) phải tiếp quản ngân hàng này. Đây là ngân hàng thứ tư của Mỹ sụp đổ, sau First Republic, Silicon Valley Bank và Signature Bank, gây chấn động ngành ngân hàng Mỹ.

FDIC đã đồng ý tiếp nhận tất cả các khoản tiền gửi của Heartland Tri-State Bank để bảo vệ khách hàng. Sau đó, cơ quan này đã tiến tới thỏa thuận bán lại cho Dream First Bank cũng ở bang Kansas. FDIC cho biết các khách hàng của Heartland Tri-State Bank có thể lấy lại tiền bằng cách viết séc hoặc sử dụng thẻ ATM hoặc thẻ ghi nợ. Các khách vay tiền tại Heartland Tri-State Bank cũng hầu như không bị ảnh hưởng. Theo FDIC, Heartland Tri-State Bank có tổng tài sản khoảng 139 triệu USD và tổng tiền gửi khoảng 130 triệu USD. Dream First Bank cũng đồng ý mua tất cả tài sản của ngân hàng vừa sụp đổ.

4. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo: Các đợt nắng nóng ảnh hưởng đến 92 triệu trẻ em tại châu Âu và Trung Á. Dự kiến, nắng nóng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ trẻ em trên toàn cầu vào năm 2050. Tại Mexico, gần 250 người tử vong vì nắng nóng cực đoan trong bốn tháng qua. Trong khi đó, số ca tử vong vì nắng nóng tại Hàn Quốc tăng mạnh ở miền nam trong cuối tuần qua, với 11 ca.

Ngăn chặn hệ lụy ảnh 1
Các đợt nắng nóng ảnh hưởng đến 92 triệu trẻ em tại châu Âu, Trung Á.

Để bảo vệ trẻ em, UNICEF khuyến nghị sáu biện pháp cho các chính phủ ở châu Âu và Trung Á, gồm đưa các biện pháp thích nghi và giảm tác động của nắng nóng vào các cam kết liên quan vấn đề khí hậu, giảm nguy cơ thiên tai và coi trẻ em là trung tâm trong tất cả các kế hoạch. Theo UNICEF, các chính phủ cũng cần đầu tư vào chăm sóc sức khỏe ban đầu để giúp phòng ngừa, hành động sớm, chẩn đoán và điều trị các bệnh liên quan nhiệt ở trẻ em, đầu tư vào các hệ thống cảnh báo sớm khí hậu quốc gia, sẵn sàng đối phó tình trạng khẩn cấp về khí hậu.