Nâng cao chất lượng truyền thông nghị viện

Điểm đặc biệt của truyền thông nghị viện là gì? Làm thế nào để nâng cao hiệu quả truyền thông, xóa bỏ nhận thức sai lầm rằng Quốc hội chỉ hoạt động "xuân thu nhị kỳ"…? Đó là những vấn đề được đặt ra cho Đề án nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng). Ảnh: Duy Linh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng). Ảnh: Duy Linh

Hãy để những cánh cửa mở rộng nhất có thể

Truyền thông có vai trò quan trọng đối với nền quản trị của mỗi quốc gia nói chung và Quốc hội nói riêng trong suốt gần 80 năm hình thành và phát triển.

Thực tế, trong những năm qua, công tác thông tin tuyên truyền về các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan và đại biểu Quốc hội đã không ngừng được cải tiến, đổi mới về nội dung và phương thức thông tin, tuyên truyền. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, đặc biệt xuất phát từ yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội khóa XV, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng đoàn Quốc hội đã giao Văn phòng Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng Chiến lược truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV.

Có lẽ nhắc lại cũng không thừa, rằng truyền thông đối với Quốc hội - cơ quan đại diện cho lợi ích của cử tri - cũng có những nét khác biệt.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, hoạt động truyền thông của Quốc hội cần hướng đến năm mục tiêu. Đầu tiên là thông tin cho công chúng. Thứ hai là thu hút công chúng vào quy trình quản trị quốc gia, thúc đẩy quy trình dân chủ. Để làm được điều này, phải có bộ phận để trả lời công chúng. Thứ ba là xây dựng lòng tin xã hội, sự minh bạch để chính sách được hiểu, được chia sẻ. Thứ tư là giáo dục để người dân hiểu biết về Quốc hội. Và mục tiêu cuối cùng là quy định chế độ trách nhiệm với Chính phủ - đây là một phần của quản trị quốc gia hiện đại. Muốn truyền thông tốt phải sử dụng tất cả các công cụ. Đồng thời cần lựa chọn công cụ phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất bằng cách "đo" được lượng người xem trên các kênh truyền thông, kênh nào hiệu quả hơn thì tập trung đầu tư...

Ông Nguyễn Sĩ Dũng đặc biệt lưu ý, để nâng cao chất lượng công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội, cần phải biết sáng tạo những nội dung hấp dẫn, lôi cuốn, đồng thời phải tạo được kênh tương tác nhiều chiều với công chúng thông qua một đội ngũ vận hành chuyên nghiệp…

Không thể phủ nhận rằng hiện nay vẫn có quan niệm, Quốc hội chỉ hoạt động "xuân thu nhị kỳ", trong khi các hoạt động của Văn phòng Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội và các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là thường xuyên, liên tục. Để có thể chuyển tải đến công chúng những hoạt động này, sự chia sẻ thông tin chính xác, kịp thời với liều lượng cởi mở nhất có thể từ các cơ quan của Quốc hội tới các kênh truyền thông như báo chí, phát thanh, truyền hình… là hết sức cần thiết.

Vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội

Hiển nhiên là để thực hiện được những mục tiêu truyền thông nói trên, sẽ có một số trở ngại cần vượt qua như nguồn lực hạn chế (ít ỏi hơn nhiều so các cơ quan Chính phủ) và đặc biệt quan trọng là thái độ dè dặt của chính các nghị sĩ và bộ máy phục vụ. Trong khi đó, cũng như đối với tất cả các lĩnh vực hoạt động khác của Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có vai trò trung tâm trong công tác truyền thông.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, ĐBQH các khóa XI, XII, XIII, XIV cho rằng, một khi 500 ĐBQH cùng phát huy tiếng nói của mình thì mức độ ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ. Họ đồng thời cũng là 500 "cầu nối" đáng tin cậy giữa người dân và chính quyền các cấp. Đối với báo chí, ĐBQH vừa là nguồn tin chất lượng cao, có trách nhiệm, vừa là đối tượng được cung cấp thông tin, giúp đại biểu hoàn thành chức trách của mình trên cả ba lĩnh vực: lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Quả thực, người dân có tín nhiệm Quốc hội hay không thể hiện qua việc họ có tin cậy gửi gắm thông tin, gửi gắm nguyện vọng của mình đến với ĐBQH hay không.

Điều này không dễ dàng chút nào. Còn nhớ nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong cuộc họp báo đầu tiên ngay sau khi nhậm chức, đã khẳng định, trả lời báo chí là một trong những nhiệm vụ quan trọng của một ĐBQH. Thế nhưng, phải thẳng thắn mà nói rằng, số gương mặt nghị sĩ hiện diện trên báo, trên sóng phát thanh, truyền hình vẫn còn khá ít và… quá quen thuộc.

Ngoài nguyên nhân các báo thường chọn "người quen" để việc tác nghiệp dễ dàng hơn, cũng không thể phủ nhận việc còn ít nghị sĩ có đầy đủ thông tin, có chủ kiến, có kỹ năng và bản lĩnh trả lời báo chí. Ngay cả những phát biểu, tranh luận tại các phiên họp toàn thể, đặc biệt là các phiên chất vấn - thời điểm được tất cả các phương tiện truyền thông đưa tin trực tiếp và phản ánh với đủ mọi cách thức sinh động nhất cũng vậy. Những phát biểu sắc sảo, thẳng thắn và đậm chất trí tuệ của ĐBQH sẽ để lại những ấn tượng mạnh mẽ, thuyết phục được cử tri và nhân dân.

Giá - lương - tiền là cụm từ mà mỗi người dân có thể nhắc đến hằng ngày, nhưng tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, khi ĐBQH Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về điều này thì các cơ quan có liên quan hẳn là sẽ phải cân nhắc nghiêm túc. ĐBQH Thái trăn trở: "Lương bổng luôn bị rớt lại phía sau trong cuộc đua với giá cả thị trường. Giá xăng tăng, giá thực phẩm tăng, phí dịch vụ tăng, phí đại học tăng… tất cả đã dồn gánh nặng lên đôi vai người lao động; chen chân vào và chi phối từng bữa cơm hằng ngày của mỗi gia đình". Phát ngôn của ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cũng gây ấn tượng mạnh khi đề cập đến một vấn đề nhức nhối khác, đó là tâm lý "án binh bất động" vì sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức. Ông nói: "Nhiều người thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử".

Theo thông lệ, nghị viện nhiều nước trên thế giới đều có cơ quan cung cấp dịch vụ nghiên cứu phục vụ các nghị sĩ; một số nước phát triển thì mỗi nghị sĩ đều có văn phòng và đội ngũ giúp việc lành nghề. Tuy nguồn lực không lớn, nhưng ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu lập pháp và Thư viện Quốc hội cũng có thể cung cấp nhiều tài liệu và một số dịch vụ nghiên cứu hữu ích. Khéo tận dụng điều này, các vị ĐBQH có thể dựa trên những cơ sở khoa học, tăng thêm tính thuyết phục cho các luận điểm, luận cứ của mình.