Nam Phi đối phó khủng hoảng thiếu điện

Từ cuối tháng 6 vừa qua, giới chức Nam Phi đã thực hiện cắt điện luân phiên ở tần suất cao nhất sau hơn hai năm từ khi công nhân ở một số nhà máy sản xuất điện đình công, làm gián đoạn hoạt động sản xuất và gây thiếu điện trầm trọng. Việc cắt điện ở nước này còn bộc lộ sự khác biệt giàu, nghèo rõ rệt.
0:00 / 0:00
0:00
Những người thu nhập cao tại Nam Phi có thể tự chủ nguồn điện. Ảnh: AFSIASOLAR
Những người thu nhập cao tại Nam Phi có thể tự chủ nguồn điện. Ảnh: AFSIASOLAR

Theo AP, đối mặt tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, Chính phủ Nam Phi đang thực hiện cắt điện luân phiên ở cấp sáu trên thang bậc tám cấp độ. Ở cấp độ sáu, người dân nước này phải sinh hoạt trong hoàn cảnh bị cắt điện nhiều lần trong ngày, với mỗi lần cắt điện kéo dài từ hai đến bốn giờ đồng hồ. Đây là tần suất cắt điện cao nhất mà Nam Phi thực hiện trong vài năm trở lại đây.

Trước đó, từ tháng 12/2019, Nam Phi thường xuyên trải qua tình trạng mất điện do Eskom - đơn vị sản xuất hơn 90% điện của Nam Phi không đủ công suất cung ứng nhu cầu của người dân. Tình trạng cắt điện khiến người dân không hài lòng, từ đó thường xuyên tổ chức các cuộc tuần hành phản đối trước văn phòng Eskom thời gian qua. Ước tính, việc cắt điện cũng gây thiệt hại hàng triệu USD mỗi ngày cho nền kinh tế phát triển nhất châu Phi.

Khi cuộc khủng hoảng quyền lực ngày càng tồi tệ làm ảnh hưởng đến nền kinh tế Nam Phi, Tổng thống Cyril Ramaphosa đã cam kết sẽ thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo. Dù vậy, nhiều người dân Nam Phi không chờ đợi hành động của chính phủ và quyết định tự cung cấp năng lượng bằng cách lắp đặt hệ thống cung cấp năng lượng mặt trời.

Reuters cho biết, những người dân có mức thu nhập cao đã tự chủ phần lớn nguồn cung năng lượng bằng việc lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Theo số liệu hải quan Nam Phi, riêng trong năm tháng đầu năm nay, Nam Phi đã nhập khẩu số lượng tấm pin năng lượng mặt trời với tổng trị giá gần 2,2 tỷ rand (khoảng 135 triệu USD), tương đương công suất điện hơn 500MW. Một số quan chức từ nhà phân phối điện của thành phố cho biết, chỉ riêng tại Johannesburg, ước tính có hơn 20.000 hệ thống năng lượng mặt trời chưa đăng ký, hầu hết trong số đó là khu dân cư.

Công suất điện mặt trời quy mô nhỏ tại Nam Phi hiện nay ước tính đạt 2,1GW. Khi được lắp đặt, các tấm pin này sẽ góp phần tăng thêm 24% mức công suất này. Đáng chú ý, phần lớn hệ thống điện mặt trời được lắp đặt để cung cấp điện cho các hộ gia đình và khu dân cư nhất định, không hòa vào lưới điện quốc gia.

Các chuyên gia kinh tế cho biết, chi phí cho việc đầu tư hệ thống điện mặt trời khá tốn kém. Tuy nhiên, việc tự chủ nguồn cung điện mặt trời giúp cuộc sống các cư dân khá giả hầu như không bị ảnh hưởng, hoặc bị ảnh hưởng rất ít khi khủng hoảng thiếu điện tại Nam Phi diễn ra. Ông Pierre Moureau, một nhà hoạch định tài chính 68 tuổi cho biết, ông chỉ phát hiện mất điện khi những lời phàn nàn xuất hiện trên nhóm mạng xã hội WhatsApp của các cư dân ở thành phố Johannesburg, nơi ông sinh sống. “Tôi có một vài tiêu chuẩn sống nhất định. Tôi muốn có thể sống theo cách của tôi. Đơn giản là tôi không thể sống mà thiếu điện”, ông Moureau cho biết.

Theo các chuyên gia kinh tế, thực trạng cắt điện thường xuyên tại Nam Phi đã cho thấy sự phân cấp ngày càng sâu sắc giữa người giàu và người nghèo tại Nam Phi. Solly Silaule, một người dân nghèo giống như một nửa số người Nam Phi cho biết: “Nếu bạn có tiền, bạn có thể tự cung cấp điện. Đó chỉ là mơ ước đối với chúng tôi”.

Giới phân tích ước tính, Nam Phi cần sản xuất thêm từ bốn đến sáu GW điện mới có thể chấm dứt tình trạng cắt điện trên diện rộng. Bộ trưởng Các doanh nghiệp nhà nước Nam Phi Pravin Gordhan nhận định, tình trạng mất điện sẽ gây thiệt hại lớn cho danh tiếng của nước này. Do đó, giới chức Nam Phi cần khẩn trương tìm kiếm một giải pháp hiệu quả nhằm khắc phục tình trạng mất điện một cách sớm nhất.