Mưu sinh mùa nắng nóng

Đợt nóng nắng đỉnh điểm trong vòng hơn 40 năm qua đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của nhiều người dân Thủ đô, đặc biệt là những người lao động thường xuyên làm việc ngoài trời.

Tiết trời oi bức khiến công việc của nhiều người lao động thêm vất vả. Ảnh: KHIẾU MINH
Tiết trời oi bức khiến công việc của nhiều người lao động thêm vất vả. Ảnh: KHIẾU MINH

Không được ốm!

Dù đã bịt kín trong những bộ quần áo dày, đeo kính, khẩu trang, bao tay… nhưng cái nóng vẫn như thấm vào da thịt. Sức nóng đã làm cho mặt đường nhựa hấp thụ nhiệt nhiều khiến những ai đang lưu thông trên đường cũng cảm thấy nóng rát chân. Để tránh nắng từ trên cao phả xuống hầm hập, những người bán hàng rong phải tìm những gốc cây xanh ven đường để “trú thân”. Nắng gay gắt khiến người dân ngại ra đường, ngại mua bán. Quán xá vắng vẻ, đìu hiu, người bán hàng rong cũng vì thế mà héo hon dưới nắng.

Giữa trưa nắng nóng, đường phố thưa người, khi những người lái xe ôm đã đi kiếm bóng râm tránh nắng, chúng tôi tạt vào gốc cây ven đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân, Hà Nội) để trò chuyện với người phụ nữ đang vội lau những giọt mồ hôi nhễ nhại trên mặt. Chị là Nguyễn Thị An, quê ở Hoài Đức, Hà Nội.

Chị An cho biết mỗi ngày chị phải dậy từ ba giờ sáng đi lấy hàng rồi đạp xe đi bán luôn. “Đợt này nắng quá, tôi nhập ít hàng hơn đợt trước, mức tiêu thụ cũng chậm, hoa quả để sang ngày hôm sau là hỏng vì thế tôi phải đứng bán bên gốc cây và chuyển vị trí suốt để tránh nóng. Ế hàng, hơi ngán nhưng nghĩ phải làm, phải cố gắng. Bạn xem, nắng quá, tôi phải mặc thêm hai cái áo khoác, mang dự phòng ba lít nước để chống nóng đây”, chị An bộc bạch.

Để tránh nắng, chị Nguyễn Thanh Loan (45 tuổi, công nhân Công ty Môi trường đô thị) phải xé thêm bao xi-măng che nắng. Chị cho biết: “Mấy ngày nay nắng quá, tôi phải dùng bạt và tấm xốp che phía trên chỗ chúng tôi làm. Nếu tình trạng này kéo dài thì cuộc sống của những người lao động ngoài trời như chúng tôi sẽ càng khó khăn hơn”.

Tuy nhiên với chị Nguyễn Thị Hằng, quê ở Bắc Giang, nắng nóng lại khiến chị có thêm thu nhập. “Trời nắng nóng, tôi sắm một xe đẩy rong ruổi khắp các con phố của Hà Nội để bán các loại khẩu trang, quần áo chống nắng. Việc đi lại giữa trưa nắng rất mệt, nhưng bù lại bán được nhiều hàng hơn, nhờ đó tăng thêm thu nhập cho gia đình”.

Chúng tôi hỏi, thời tiết thế này các chị đi mãi, không ốm sao? Câu trả lời có chút gì đó… bất cần: “Có gì đâu, chị quen rồi! Không đi bán, đi làm thì không có tiền, mà muốn có tiền thì phải... không được ốm!”.

Nắng vẫn phải cố

Trên những tuyến đường Nguyễn Xiển, Lê Văn Lương kéo dài cho đến đại lộ Thăng Long... đếm sơ qua trên mỗi đoạn đường cũng có hàng chục xe bán hàng chưa kể những quán hàng “di động” tự phát. Mỗi xe, quán ấy là “đại diện” cho một gia đình, một hoàn cảnh và một mặt hàng riêng.

Bà Tạ Thị Thu, 76 tuổi, bán hàng nước trên đường Lê Văn Lương kéo dài đã được sáu năm, chia sẻ: “Ngồi phơi nắng đến còng lưng mỗi ngày thu về chỉ có mấy chục nghìn nhưng tiền không tự dưng ai cho, mình tự nuôi mình nên bà cũng đi làm cho khuây khỏa, có thêm đồng ra đồng vào”. Còn chị Nguyễn Thị Vân 34 tuổi, quê ở Hà Giang, “làm việc” bên đường Lê Văn Lương nói: “Tôi bán kính ở đây được ba năm rồi, chưa bao giờ thấy thời tiết nóng bức như hiện nay. Đợt trước mỗi ngày doanh thu còn cao nhưng giờ được ít lắm. Nắng như thế này mọi người cũng không hứng thú với việc dừng lại để xem hàng. Nhưng không bán thì biết làm gì?”.

Tại khu vực các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm..., xe to nối đuôi nhau, tiếng động cơ và khí thải làm cho bầu không khí càng thêm nóng. Đội xe ôm cũng vất vả hơn trong việc chạy đi lại giữa các xe để mời khách. Anh Nguyễn Văn Tài, quê ở Thái Nguyên, làm dịch vụ xe ôm không những che mặt trong chiếc khẩu trang dày sụ mà còn đeo găng tay để tránh nóng lắc đầu ngao ngán: “Nóng quá, khách chẳng đi mà chọn chủ yếu là taxi. Chưa kể một số lái xe Grab bike, họ xuống giá một chút là mình mất khách. Ngày mát mẻ, tôi kiếm được khoảng 400 nghìn đồng còn những ngày này thu nhập chỉ còn một nửa”.

11 giờ 30 phút, khi những nhân viên văn phòng vội vã tìm đến các số điện thoại giao cơm trưa để đặt hàng thì đó cũng chính là lúc các shipper như Đinh Văn Lạng, sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tất bật với công việc. Nhận đơn hàng từ quản lý, Lạng vội mang thêm chai nước, mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang đi giao cơm cho khách. Lạng cho biết đi giao cơm giữa trưa nắng nóng đôi lúc nguy hiểm cho sức khỏe nhưng vì công việc và thu nhập nên cậu vẫn cố. “Em chỉ mong đợt nóng này nhanh kết thúc để những người có công việc thường xuyên di chuyển trên đường như em hay những người buôn bán nhỏ lẻ bớt đi vất vả”, Lạng chia sẻ.