Phóng sự - ký sự

Muôn mặt phố “Tây ba-lô”

NDO - Trong thời toàn cầu hóa, TP Hồ Chí Minh có một nơi mà người nước ngoài nhiều hơn người Việt Nam, đó là những con phố “Tây ba-lô” ở quận 1 gồm các phố Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện, Đề Thám... Khách du lịch nghèo, sinh viên đi du lịch, những kẻ thất nghiệp... thường tá túc trong các khách sạn mini, thậm chí ở chung với chủ nhà. Nhiều người trong số họ sống lâu đến mức có thể nói sành sõi tiếng Việt.
Cảnh thường thấy ở phố Tây ba-lô.
Cảnh thường thấy ở phố Tây ba-lô.

NGHỆ THUẬT CỦA NHỮNG KẺ TRÔI DẠT

Ấn tượng đầu tiên của phố “Tây ba-lô” là những quán cà-phê sắc mầu bắt mắt, những quán ăn nhanh chật chội, những khách sạn bé xíu, nhưng sặc sỡ hơn cả là các cửa hàng bán tranh chép. Nơi đây như thiên đường của các thể loại tranh sao chép vốn bị cấm ở các nước tiên tiến. Du khách nghèo thường săn tìm tranh chép giá rẻ, gửi về nước làm quà hoặc để sử dụng lâu dài.

Tranh nổi tiếng của hội họa thế giới, như tranh Van Gốc (1853 - 1890), tranh Pi-cát-xô (1881 - 1973), các bức ảnh ca sĩ nổi tiếng, áp-phích phim cùng những diễn viên gạo cội, các nhân vật trong phim hành động, phim kinh dị, phim hoạt hình và truyện tranh... tất cả đều được chép. Dương, một thợ chép cho biết: “Lương mỗi tháng của chúng em được ba, bốn triệu đồng”. Điều ngạc nhiên là trong một tiệm tranh chép tôi gặp Mi-sen, một chàng trai da mầu đang miệt mài chép tranh. Mi-sen nói: “Tôi là người An-giê-ri-a”.

Bố của Mi-sen làm ngân hàng, mẹ cậu ta là nhà báo. Sau khi đi du học, cậu không muốn về nước mà thích đi đây đó. Làm việc trong tiệm vẽ tranh, Mi-sen rất siêng năng, đúng giờ. Mỗi ngày cậu ta làm một buổi. Tay nghề được đánh giá là trung bình. “Vài tháng tôi lại gọi điện về cho mẹ. Mẹ muốn tôi quay về nhà, nhưng tôi vẫn còn muốn đi đó đây”.

Tô-ny, chàng trai tóc buộc đuôi ngựa, đi đâu cũng mang theo cây đàn trên lưng. Ban đầu, tôi nghĩ anh ta là một chàng lãng tử thích âm nhạc xứ bò tót. Nhưng không hẳn thế, Tô-ny đi thử việc ở rất nhiều ban nhạc. Anh nói: “Ở TP Hồ Chí Minh có hàng chục ban nhạc của nước ngoài vẫn làm việc trong các quầy bar và tụ điểm. Tôi cần một việc làm ổn định”. Tô-ny không biết đi xe máy, mỗi tối anh ta kiếm được 450 nghìn đồng nhờ chơi nhạc Blue, nhưng lại mất 150.000 đồng tiền xe ôm.

LẶN LỘI MƯU SINH

Ở phố “Tây ba-lô” người ta cũng dễ bắt gặp những sinh viên mới ra trường dạy tiếng Anh ở các trung tâm. Rất hiếm người trong số họ là người Anh, và như dân phố Tây thường nói: “Chẳng hiểu học sinh sẽ nói giọng gì, khi học những ông Tây nói tiếng bồi như thế”. An-đrây là người Thổ Nhĩ Kỳ. Cô nói: “Người yêu của tôi đang làm việc ở Việt Nam. Tôi sang đây với anh ấy và không thể không làm việc. Tôi xin đi dạy tiếng Anh cho trẻ em”.

An-đrây đã đi một số nước và cô nhận xét: “Người Việt Nam không có ác cảm với người châu Âu, thậm chí họ dễ dàng hòa nhập với chúng tôi, có cái nhìn ưu ái với người châu Âu”. Cô cười kể: “Chúng tôi la cà ở các quán cà-phê, nhưng có khi được mời đi dự các sự kiện khai trương công ty, để xôm trò”.

Trong một “đẳng cấp” thấp hơn, không ít chàng đã làm công nhân trong các công ty nước ngoài, lấy vợ Việt Nam và sinh con. Tôi đã vài lần trò chuyện với một chàng công nhân người châu Phi như thế, anh ta đi chiếc xe máy cà tàng, chở vợ con dạo khắp đường Bùi Viện. Anh ta nói: “Tôi thích cuộc sống ở đây”.

Trong quán cà-phê gần trụ sở một tờ báo thể thao, có khá nhiều những cầu thủ “hàng dạt” chờ thử việc tại các câu lạc bộ. Phần lớn họ là người da mầu. Những cầu thủ này rất chăm chỉ học tiếng Việt, hạn chế bia rượu. Nhưng dường như họ khá là “sát gái”. Những chiếc điện thoại của họ reng reng suốt ngày, sau chút trò chuyện thì có những cô gái, những người phụ nữ ghé vào bù khú.

LÀM NHỮNG ÔNG CHỦ

Đôi khi, từ những phố “Tây ba-lô” nghèo khó, người ta vươn lên và làm những ông chủ nhỏ. A-lếc là một người như vậy. Hằng ngày anh ta la cà ở đường Đề Thám, nhưng A-lếc nói: “Tôi có một cửa hàng bán quần áo. Tôi thuê người trông coi, trả lương xứng đáng”. Anh ta có một nhóm chừng dăm người bạn châu Phi, họ đều là những tay buôn quần áo.

A-lếch nhập quần áo đủ loại từ hàng mới may, hàng thùng, hàng nhái. Miễn là có hợp đồng. Không hiểu từ đâu những người như A-lếch có được nguồn quần áo và đủ mọi thứ mầu sắc và chủng loại. Ninh, một cô gái chủ tiệm quần áo ở gần sân bay nói: “Chúng em thường mua quần áo của anh này. Nhãn mác thì đủ loại. Giá rất hợp lý”. Trước kia A-lếch đi chiếc xe máy đời mới , nhưng giờ đây, khi đã trở thành ông chủ, anh ta đi một chiếc xe ô-tô Nhật.

Sáng mồng một Tết mới rồi, chúng tôi dạo phố một vòng, nhưng hầu như các quán cà-phê đều chưa mở cửa. Khi ghé vào khu “Tây ba-lô”, các cửa hàng vẫn bán bình thường. Một chủ quán là người Âu. Ngồi một lúc, thấy ông chủ đi vào với cái máy tính bên nách. Ở độ tuổi ngoài năm mươi, ông chủ quán khá lịch lãm và thân thiện. Ông vui vẻ chào chúng tôi. Nhân viên trong quán, một cô gái học tiếng Đức ở Hà Nội vào, trước từng làm ở quán cà-phê báo chí ở gần hồ Gươm, nhận xét: “Ông chủ quán cà-phê này người nước ngoài, nhưng rất am hiểu văn hóa Việt Nam. Quán của ông không chỉ đông khách Tây mà còn nhiều khách Việt Nam!”.

TỆ NẠN TỪ NHỮNG “PHỐ TÂY”

Một vài tờ báo đã đưa tin, thậm chí có cả hình ảnh về tệ nạn người nước ngoài hành nghề mại dâm ở Việt Nam. Những người đàn ông ngoại quốc này thường kiếm khách hàng là các bà góa, những kẻ ăn chơi, những người đồng tính. Vào lúc nửa đêm, người ta dễ dàng thấy họ lên xe ta-xi cùng với những người đàn bà, hoặc được cô này, bà nọ đón đi trên những chiếc xe tay ga.

Người dân sống gần những khu phố này rất than phiền về tệ nạn này. Cô Loan, một người ở khu trung tâm nói: “Chúng đi la cà, mời mọc những người đi tập thể dục trong công viên. Nhiều người đàn bà hư hỏng đến tìm nó, thậm chí diễn ra trước mắt chúng tôi những cử chỉ rất lố bịch”.

Anh Sơn, một chủ quán ăn nói: “Chúng thường kiếm khách là các phụ nữ nước ngoài đi du lịch một mình. Chúng sà vào các bàn, rủ rê mời mọc. Không được thì chúng bỏ đi, không xấu hổ gì. Những hôm vắng khách, chúng đi tìm cả người Việt Nam. Gặp những người đứng đắn, họ rất giận dữ”. Tôi vào công viên ở khu này tìm hiểu, một cô đi tập thể dục đưa cho mảnh giấy có ghi tên và số điện thoại... Cô này nói: “Nó cứ bám theo tôi, và đưa mảnh giấy này, rồi nói: Khi nào có nhu cầu, hãy gọi điện”.

Phố “Tây ba-lô” quả là bức tranh nhiều mặt. Những mảnh đời lầm lụi mưu sinh cũng có mà những kẻ lười nhác bệnh hoạn không ít. Một người dân ở phường sở tại bảo tôi: “Những kẻ hư hỏng thường bị đưa ra cửa khẩu trục xuất. Song, chẳng hiểu bằng cách nào, chỉ một thời gian ngắn sau đó lại thấy họ có mặt ở đây”.

Một lần làm việc với chính quyền sở tại, cán bộ phường bảo tôi: “Gọi là phố Tây ba-lô, nhưng lắm khi tối đến chúng mới tới đây tụ tập, làm ăn, còn tảng sáng chúng tỏa đi khắp các quận để ở. Việc kiểm soát, xử phạt rất khó”.

Đôi khi, người dân trong vùng phố “Tây ba-lô” tự hỏi: “Đám Tây du đãng thì đem đến được gì cho thành phố này? Tiền bạc? Đạo đức? Văn hóa? Nghề ngỗng?”. Và họ trả lời: “Chẳng được gì hết”.

Bản thân Mi-sen, chàng họa sĩ nghiệp dư ấy cũng từng nói với tôi: “Chính những kẻ tha hóa đã làm xấu đi hình ảnh người châu Phi chúng tôi, bản thân tôi cũng phải đỏ mặt bởi chúng”. Mi-sen nói: “Tôi mong mọi người không nghĩ rằng tất cả chúng tôi đều là những kẻ bại hoại. Phần lớn chúng tôi mưu sinh bằng sức lao động chính đáng của mình”.

* Hiện nay ước tính có 340.000 người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam, với mật độ tập trung cao tại TP Hồ Chí Minh (ước tính cao gấp 60 lần so với số người nước ngoài sinh sống ở Hà Nội). Trong số 17.000 người nước ngoài đang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, có hàng nghìn người chưa đăng ký giấy phép lao động và làm việc tự do ngoài tầm quản lý. UBND TP Hồ Chí Minh đang tích cực điều tra, xử lý hình sự các đối tượng phạm pháp hình sự là người nước ngoài và giải quyết vấn đề người nước ngoài sống lang thang, cư trú trái phép trên địa bàn.