Mục tiêu ưu tiên của Nhật Bản

Kiểm soát lạm phát, tăng lương và giảm tác động của tình trạng giá cả leo thang là những mục tiêu hàng đầu của Nhật Bản sắp tới. Đây là tuyên bố của Thủ tướng Kishida Fumio khi giới thiệu gói biện pháp kích thích kinh tế mà Chính phủ Nhật Bản dự kiến triển khai từ tháng 10 tới.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: INGRAM PINN
Biếm họa: INGRAM PINN

Trong bài phát biểu tại khóa họp thứ 78 Đại hội đồng LHQ đầu tuần vừa qua, Thủ tướng Kishida cho biết về tình hình lạm phát cao và dân số sụt giảm. Theo đó, để thúc đẩy thay đổi, giúp các gia đình Nhật Bản ứng phó tình trạng giá cả leo thang, các biện pháp hỗ trợ mới hướng tới cải thiện thị trường lao động và môi trường đầu tư trong nước, tăng lương cơ bản và mở rộng đầu tư.

Dự kiến được thực hiện từ cuối tháng 10 tới, dự thảo gói chính sách bao gồm năm trụ cột chính là: Các biện pháp bảo vệ người dân trước tình trạng lạm phát cao và giá cả leo thang; hỗ trợ tăng trưởng tiền lương và thu nhập bền vững; mở rộng đầu tư trong nước để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khuyến khích đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; cải cách để khắc phục tình trạng suy giảm dân số; bảo đảm an ninh, an toàn công cộng.

Nỗ lực biến sự thay đổi thành sức mạnh và với gói biện pháp kinh tế mới, Chính phủ Nhật Bản hy vọng chuyển hướng chính sách từ tập trung cắt giảm chi phí sang tăng cường đầu tư, mang lại thành quả tăng trưởng cho nền kinh tế. Thủ tướng Kishida nói: Gói kích thích kinh tế mới được kỳ vọng giúp hiện thực hóa chu kỳ kinh tế mới, tăng cả đầu tư về vốn và đầu tư vào con người.

Những mục tiêu ưu tiên mới được Chính phủ Nhật Bản xác định trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản đang trên đà phục hồi. Song, các hộ gia đình ngày càng dễ bị tổn thương trước tình trạng giá lương thực, năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng cao, trong khi các công ty tiếp tục chuyển gánh nặng chi phí nguyên liệu đầu vào cao sang người tiêu dùng. Vì thế, mục tiêu hỗ trợ người dân chống chọi tình trạng giá cả leo thang, nhất là tăng lương theo kịp đà tăng lạm phát, càng trở nên cấp bách và đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy nhu cầu nội địa.

Hồi tháng 8, Thủ tướng Kishida công bố định hướng chính sách hỗ trợ người dân, trong đó đặt mục tiêu sẽ tăng lương tối thiểu bình quân thêm gần 50% so mức hiện tại. Điều này sẽ góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ Nhật Bản thúc đẩy kinh tế phục hồi dựa vào tiêu dùng.

Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát chung của Nhật Bản hiện vẫn cao hơn mức mục tiêu. Trong giai đoạn 17 tháng, tính đến tháng 8/2023, lạm phát vẫn duy trì trên mức 2% mà Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu kiềm chế. Ngân hàng trung ương Nhật Bản đang theo đuổi chính sách lãi suất thấp.

Bài viết của Nikkei dẫn nhận định của giới phân tích cho biết, trọng tâm kế hoạch kinh tế mới của Chính phủ là hỗ trợ đầu tư toàn diện và dài hạn nhắm vào các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng, như chất bán dẫn, pin và công nghệ sinh học. Qua đó, tác động được hy vọng lan tỏa tới kinh tế địa phương. Trên thực tế, đồng yên yếu có thể tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư trong nước. Chính phủ hy vọng sẽ đưa các cơ sở sản xuất ra ngoài các trung tâm đô thị lớn nhằm tạo việc làm tại địa phương, cũng như thúc đẩy tăng lương, thu nhập trong các ngành liên quan.

Kế hoạch kinh tế cũng đề cập việc giảm thuế đối với thu nhập từ bằng sáng chế và tài sản trí tuệ, qua đó thúc đẩy nghiên cứu phát triển. Chính phủ Nhật Bản cũng có kế hoạch gia hạn chương trình trợ cấp tiền lương, chương trình hỗ trợ giảm tác động của giá xăng, điện và khí đốt tăng cao. Các dự án cộng đồng về phòng, chống, giảm nhẹ tác động thiên tai tiếp tục được đẩy mạnh.

Theo Văn phòng Chính phủ Nhật Bản, khoảng cách cung - cầu trong quý II/2023 đã chuyển về “vùng tích cực”, nghĩa là tình trạng thiếu hụt nhu cầu đã chấm dứt, tiêu dùng được cải thiện. Tuy nhiên, quan ngại về vấn đề kỷ luật tài chính vẫn còn, sau khi đại dịch Covid-19 vừa qua khiến Chính phủ Nhật Bản phải tăng các đợt phát hành trái phiếu nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách. Kế hoạch kinh tế mới của Chính phủ Nhật Bản sẽ phải vượt qua cuộc tranh luận sắp tới trong liên minh cầm quyền.