Xuyên đêm mở đường cứu hộ

Thiệt hại nặng nề do mưa lũ khiến hàng loạt tuyến đường bị sạt lở, ùn tắc, gây trở ngại cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Ngành giao thông đang huy động toàn bộ nguồn lực, thường trực 24/24 giờ để thông đường và bảo đảm an toàn lưu thông.
Nhiều tuyến đường nứt, lún do mưa bão.
Nhiều tuyến đường nứt, lún do mưa bão.

Cố gắng từng phút để cứu người

Sáng 10/9, một vụ sạt lở đất nghiêm trọng đã vùi lấp một phần thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) khiến bản làng ngổn ngang giữa dòng lũ dữ. Thôn Làng Nủ bị cô lập, đến 14 giờ cùng ngày, một lực lượng nhỏ vào được hiện trường sơ cứu được cho 10 người, phát hiện 15 người tử vong tại chỗ và 103 người vẫn mất tích. Cản trở lớn đối với lực lượng cứu hộ là trên các tuyến đường dẫn vào xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên còn rất nhiều điểm sạt lở, nhiều thời điểm không thể tiếp cận hiện trường, không có sóng điện thoại.

Phương án mở đường được thống nhất từ thành phố Lào Cai đi theo QL 4E xuống Bắc Ngầm (giao với QL 70 tại Km160) vượt qua điểm sạt Km146 trên QL 70, qua điểm ngập Km127 tới Phố Ràng và đi tới điểm sạt lở để cứu hộ, cứu nạn. Ngoài ra, còn các hướng từ Yên Bái lên (đang tắc do sạt lở nghiêm trọng) và tuyến QL 279 từ huyện Bảo Hà vào Phố Ràng. Theo ông Đinh Trung Thành, Giám đốc Khu Quản lý đường bộ I, trên các tuyến QL 4E, QL 70, QL 279 để vào Bảo Yên có hàng chục điểm sạt lở lớn. Khối lượng sạt lở rất lớn, mở xong điểm này mới biết khối lượng điểm sạt lở tiếp theo.

Công nhân, thiết bị của các Công ty 242, Công ty 244 và Công ty Minh Đức đang đảm nhiệm việc bảo dưỡng thường xuyên trên tuyến được huy động tối đa làm nhiệm vụ thông đường. Đến 23 giờ ngày 10/9, trời vẫn mưa, nguy cơ tiếp tục sạt lở nhưng xe máy, công nhân đường bộ vẫn bám đường tiếp tục ứng trực để bảo đảm giao thông. 23 giờ 45 phút ngày 10/9, đường vào điểm sạt lở nghiêm trọng khiến hơn 100 người mất tích tại thôn Làng Nủ, Phúc Khánh, Bảo Yên (cách cầu Lủ tại Km114 QL70) chỉ còn khoảng 5 km!

“Có những điểm sạt lở chúng tôi xử lý, hót dọn sắp xong thì lại bị sạt tiếp, anh em lại phải mất công sức làm lại từ đầu. Mưa lũ vẫn tiếp diễn, các điểm sạt lở vẫn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp. Anh em chúng tôi cố hết sức bảo đảm thông đường, máy móc thường trực trên tuyến, khắc phục tối đa nhanh nhất sạt lở”, ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Lào Cai cho biết. Nhờ kịp thời mở đường, đến sáng 11/9, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được hiện trường thôn Nủ, cứu được 46 người an toàn, xác định được 17 người bị thương, 23 người tử vong và vẫn còn 73 người mất tích.

Ngày 10/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 92/CĐ-TTg yêu cầu triển khai lực lượng, phương tiện (kể cả máy bay trực thăng) tiếp cận bằng được để hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm cho người dân; bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu. Việc cứu hộ được triển khai với tinh thần khẩn trương nhất, tiếp tục tập trung tìm kiếm, cứu nạn đối với những người còn mất tích (trong đó lưu ý bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn).

Còn 101 điểm tắc đường, sạt lở

Do ảnh hưởng của mưa lớn và mực nước sông tiếp tục dâng cao, trên các tuyến quốc lộ đã xảy ra sụt lở mái taluy, rạn nứt, lún tụt nền, mặt đường. Tính đến 8 giờ ngày 11/9, còn 101 điểm tắc đường do ngập nước, 27 điểm tắc đường do sạt lở mái taluy dương và 4 điểm tắc đường do lún tụt nền, mặt đường, sạt lở taluy âm. Các đơn vị quản lý đường bộ đang tiếp tục thực hiện công tác khắc phục hậu quả, bảo đảm thông xe trong thời gian sớm nhất.

Phó Cục trưởng Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng cho biết: Cục đã chỉ đạo các đơn vị trực gác 24/24 giờ tổ chức phân luồng giao thông; khẩn trương khắc phục sự cố, nhất là đối với các tuyến đường phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Tại các vị trí sạt lở có địa hình phức tạp, Cục tổ chức ngay đoàn công tác đến lên phương án, giải pháp thông xe. Nhằm triển khai nhanh công tác khắc phục, ngoài lực lượng, thiết bị tại chỗ, chúng tôi đã chỉ đạo Khu Quản lý đường bộ I và các Sở Giao thông vận tải huy động thêm nhân lực và nguồn lực bên ngoài.

Do nước sông tiếp tục dâng cao với lưu tốc lớn, để bảo đảm an toàn giao thông, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nam Định đã tạm dừng hoạt động Bến phà Đống Cao trên QL 37B (từ 4 giờ 20 phút ngày 10/9), Bến phà Đại Nội trên QL 21B (từ 13 giờ ngày 10/9) và Bến cầu phao Ninh Cường trên QL 37B (từ 14 giờ ngày 10/9); trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã tạm dừng hoạt động Bến phà Cồn Nhất trên QL 37B từ 7 giờ 40 phút ngày 10/9. Bên cạnh đó, sau vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ), các tỉnh cũng rà soát và cấm phương tiện đi qua các cầu yếu để bảo đảm an toàn. Ngoài ra, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I cũng đã thông báo hạn chế, cấm phương tiện lưu thông qua luồng khoang thông thuyền các cầu Đáp Cầu, cầu Hồ, cầu đường sắt Cẩm Lý, cầu đường sắt Đa Phúc, cầu đường sắt Bắc Giang…