Cảnh giác lừa đảo từ shipper giả

Thời gian qua, nhiều đối tượng lợi dụng sự tiện lợi của mua hàng trực tuyến để giả danh làm shipper (người giao hàng) lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Người tiêu dùng cần cẩn trọng với các cuộc gọi điện giao hàng. Ảnh: NAM NGUYỄN
Người tiêu dùng cần cẩn trọng với các cuộc gọi điện giao hàng. Ảnh: NAM NGUYỄN

1/Cách hoạt động của các đối tượng này rất đơn giản nhưng hiệu quả cao, bằng cách nhắn tin hoặc gọi điện cho người mua hàng, tự xưng là shipper của các công ty giao hàng uy tín như Grab, Giao Hàng Nhanh, Viettel Post… Điều này tạo ra sự tin tưởng ban đầu từ phía nạn nhân. Sau đó, đối tượng thông báo cho người mua rằng, họ có một gói hàng đang được gửi tới nhưng chưa được thanh toán, hoặc hàng đã được thanh toán một phần và cần phải thanh toán phần còn lại khi nhận hàng. Mặt hàng mà kẻ gian thường nhắm đến là những món đồ có giá trị không quá cao như quần áo, phụ kiện, các sản phẩm công nghệ nhỏ gọn.

Một cách khác là vờ giao những gói hàng bất ngờ, mà người nhận không hề đặt mua. Khi gặp trường hợp này, nhiều người thường không nhớ rõ mình đã đặt hàng gì trước đó hoặc người nhà đặt hàng mà không biết. Chính vì sự nhầm lẫn này, cộng với giọng thúc giục của người giao hàng, nhiều người đã sẵn sàng thanh toán cho những món hàng này.

Ngoài ra, kẻ gian cũng lợi dụng sự thiếu cảnh giác của người dân bằng cách gửi những mặt hàng có chất lượng kém hoặc không có giá trị nhưng yêu cầu thanh toán số tiền lớn. Chỉ đến khi mở gói hàng ra, nạn nhân mới nhận ra mình đã bị lừa.

Chị Lê Hoàng Linh Chi (Bạch Mai, Hà Nội) mới đây đã bị kẻ gian giả danh shipper lừa đảo số tiền lên đến 6 triệu đồng. “Hôm đó sếp có bảo nhận hàng cho công ty, khi ấy người ship gọi điện, gửi cho mình số tài khoản và yêu cầu thanh toán 6 triệu đồng gấp vì còn đi giao đơn khác. Mình lại tưởng là hàng công ty nên cũng thanh toán và bảo nhân viên nhận, khi mở ra mới thấy bên trong toàn giấy với sỏi gạch, được lèn chặt, lúc đó thì cũng đã muộn rồi. 1 tiếng sau người ship thật mới đến”, chị Chi kể lại: “Việc báo công an cũng phức tạp vì số tiền không quá lớn, điều tra truy vết lại mất thời gian nên mình cũng ngậm đắng nuốt cay mất nửa tháng lương vì đơn hàng đó”.

Chị Nguyễn Phương Thảo, chủ một cửa hàng thời trang (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng không ít lần gặp phải trường hợp tương tự, vì bán hàng nên lượng đơn một ngày đến và đi rất nhiều. Địa chỉ, số điện thoại lại công khai nên rất dễ để tìm ra. “Để không mất tiền oan, mình luôn dặn nhân viên phải kiểm tra kỹ đơn hàng và luôn phải thông báo cho mình mỗi khi có đơn và bản thân cũng thường xuyên kiểm tra lại sản phẩm mình đã đặt”, chị Thảo cho biết.

2/Tâm lý mà kẻ gian nhắm vào chủ yếu là sự mất cảnh giác của người dân và lòng tin vào các dịch vụ giao hàng phổ biến. Khi nhận được thông báo có hàng gửi đến, nhiều người vì bận rộn hoặc do tin tưởng vào dịch vụ mà không kiểm tra kỹ lưỡng đã sẵn sàng nhận hàng và thanh toán.

Các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo và khuyến cáo người dân cảnh giác. Thủ đoạn lừa đảo này không chỉ xảy ra ở các thành phố lớn mà còn lan rộng ra các vùng nông thôn. “Khi nhận được thông báo về việc giao hàng, mọi người cần xác nhận lại đơn hàng thông qua các kênh chính thức, như liên hệ trực tiếp với cửa hàng hoặc kiểm tra lại hóa đơn mua sắm. Không nên tin tưởng vào những thông báo qua điện thoại hoặc tin nhắn từ những số lạ. Đặc biệt, cần thận trọng khi shipper yêu cầu thanh toán trước khi mở hàng kiểm tra, đặc biệt là những đơn hàng có giá trị lớn”, anh Đặng Công Thành (nhân viên Viettel Post) tư vấn.

Nếu phát hiện ra có điều gì bất thường, người nhận có quyền từ chối nhận hàng và báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc các dịch vụ giao hàng để xử lý. Chiêu trò lừa đảo giả danh shipper nhằm chiếm đoạt tài sản không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người dân đối với các dịch vụ giao hàng. Vì vậy, việc nâng cao cảnh giác, kiểm tra kỹ lưỡng thông tin và luôn thận trọng khi nhận hàng là cách tốt nhất để người dân bảo vệ mình trước những nguy cơ lừa đảo ngày càng tinh vi trong xã hội hiện đại. Các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này để phòng tránh và ngăn chặn hiệu quả các thủ đoạn lừa đảo trong tương lai.

Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội có hành vi áp dụng các hình thức, thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên sẽ phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến chung thân tuỳ theo mức độ chiếm đoạt. Nhẹ hơn, có thể bị phạt hành chính lên đến 3 triệu đồng.