Mùa tảo mộ

Nhà tôi ven đồng, đối diện khu mộ của làng. Mở cửa, nhìn sang bên đường thấy ngay “nhà các cụ”. Đời sống khấm khá nên nghĩa địa cũng sầm uất.
0:00 / 0:00
0:00

Những ngày rằm, giỗ, tết nhỏ…, con cháu vẫn về thắp hương nhưng nhộn nhịp nhất phải vào tháng Chạp - mùa tảo mộ.

Loáng thoáng từ đầu tháng rồi dày hơn mỗi ngày. Từng tốp vài ba người, có khi cả đoàn đổ bộ, xe cộ để đầy rìa đường, tràn cả vào cửa những ngôi nhà bên cạnh, trong đó có nhà tôi. Xe máy, ô-tô, nhiều khi tắc một đoạn dài. Nhưng lạ, không thấy tiếng la rầy, nhiếc móc của người đi đường hay hàng xóm chung quanh. Chỉ tiếng hỏi han, gọi với, thăm nom… bởi nhiều người đang tiến xuống khu mộ là những người con của làng đi làm ăn, công tác xa…, lâu mới về. Người trong làng nhận ra, hỏi han xem họ về bao giờ, ở nhà lâu không, dạo này làm ăn ra sao? Tết có về không? Rỗi rãi còn dừng lại ân cần và tò mò về những thành viên mới, lạ. Vợ đấy hả, con cái lớn tướng cả rồi nhỉ. Trông cái mặt giống bố y đúc, không lẫn vào đâu được. Bọn trẻ con ngơ ngác ngó theo những lời thăm hỏi.

Đoàn nào xuống cũng mang những đồ gần như nhau. Một bó cúc, mấy thẻ hương, cái cuốc, con dao... Công đoạn đầu tiên luôn là nhổ cỏ, chặt cây, đắp đất. Gọn gàng đâu đó mới thắp hương. Nhiều nhà cẩn thận mang đủ đầy nhưng không ít nhà gọi cửa xin giấy báo, mượn máy lửa để châm hương. Tôi mau mắn vào nhà lấy mang ra. Nhiều khi xong, họ quên cả trả, dù vào tận vòi nước rìa tường xoáy rửa chân tay. Nước nôi, hoa lá vương vãi chung quanh nhưng tôi không thấy phiền. Nhà mình ngày nào chả được dọn, “nhà các cụ” lâu lâu mới được khang trang, con cháu bận rộn lo lễ nghĩa nên chắc sơ tâm chút. Nhưng có nhà lại rất chu đáo, tảo mộ, làm lễ xong lại mang hoa quả, bánh kẹo vào chia lộc.

Ngày trước, nhiều người thắc mắc rằng, nhà tôi ở ven đồng, bên cạnh nhiều mồ mả thế có sợ không? Dù là một kẻ chẳng mạnh bạo, cứng bóng vía nhưng chưa bao giờ tôi thấy sợ. Ngược lại, luôn có cảm giác được chở che. Quanh năm, hương lúa, hương đồng cùng với tiếng chim hót ríu ran xua đi bao lo âu, bận rộn. Có những buổi chiều rỗi rãi hiếm hoi hay một sớm mai nào chợt tỉnh giấc, ra ngoài mảnh vườn nhỏ, nhìn xuống những ngôi mộ xen lẫn những luống rau, ngô, đỗ, lạc, tự nhiên cảm giác thân quen, gần gụi.

Thân quen cả quãng cuối năm, ngào ngạt mùi hương phảng phất suốt quãng đường, rì rầm lời khấn vái của lớp lớp cháu con như khúc ca trầm trầm gợi bao yêu thương nguồn cội; những thành kính thiêng liêng đang được gói ghém, tỏ bày.

Trong cái nắng hao hao, ong óng của chiều tháng Chạp hay tiết mưa phùn, gió bấc…, từng đoàn người già trẻ, lớn bé lặng lẽ bước về những ngôi mộ để thực hiện nghi thức trang trọng, thiêng liêng. Sự nhộn nhịp, ấm áp của khói hương như cầu nối cho hai thế giới lại gần. Thốt nhiên, người ta thấy rõ hơn bao giá trị cội nguồn, gốc rễ - sâu xa và bền chặt lạ kỳ! Ai đó mà năm nào gián đoạn không về được để tảo mộ ông bà, cụ kỵ, do dịch bệnh, ốm đau, bận rộn… cảm thấy như còn mắc nợ, bấn bíu điều gì. Lại ngóng vọng, phấp phỏng những ngày cuối năm sau.

Tôi nhìn thấy ánh mắt lấp lánh, sự thư thái, nhẹ nhõm trên gương mặt những người đi về từ phía những ngôi mộ đã phong quang, gọn ghẽ, đủ đầy. Hoa cúc vàng rực rỡ rung rinh trong nắng sớm, gió chiều hắt lên niềm an lạc, bâng khuâng. Và mầm cỏ vừa được dọn sạch lại âm thầm nảy lộc, đợi chờ mùa tảo mộ năm sau.