Một thập kỷ quỹ mở

Khoảng 10 năm trước ghi nhận một làn sóng ra đời các quỹ mở nội địa thay thế cho nhiều quỹ đóng hoạt động không hiệu quả. Đến thời điểm này, có thể nói đây là một xu thế tất yếu và thành công đang diễn ra trên thị trường chứng khoán (TTCK).
0:00 / 0:00
0:00

Còn nhớ khi những quỹ mở đầu tiên ra đời, một trong những yếu tố thuận lợi nhất mà mô hình này đem lại chính là việc đầu tư/rút vốn của nhà đầu tư (NĐT) thực hiện rất nhanh chóng thông qua việc mua/bán chứng chỉ quỹ. Nhưng ưu điểm vượt trội này của quỹ mở cũng có thể kèm thêm yếu tố bất lợi là danh mục có thể không có nhiều sức bật, vì những người điều hành quỹ phải tính đến yếu tố thanh khoản. Tức là thay vì mua, giữ và chờ thời để sinh lãi lớn thì quỹ mở còn phải tính đến cả việc phải bán ra để trả tiền cho NĐT rút vốn phải thực hiện như thế nào. Nhưng thực tế đã khác.

Vào năm 2017, Quỹ Đầu tư cổ phiếu Năng động Bảo Việt (BVFED), dù chỉ mới ra mắt được ba năm (2014) nhưng đã gây tiếng vang lớn khi trở thành quỹ mở cổ phiếu (CP) hoạt động tốt nhất thị trường với mức tăng trưởng 47,5%. Và suất sinh lời của BVFED năm đó cũng góp phần xác lập tiêu chuẩn mới cho quỹ mở nội địa, đó là việc có lãi “vài chục %” là hoàn toàn khả thi. Câu chuyện của BVFED còn chỉ ra một điểm mấu chốt trong vận hành quỹ mở, đó là sự khác biệt. Cần biết rằng, BVFED được vận hành bởi Baoviet Fund, đơn vị thành viên của Tập đoàn Bảo Việt, vốn là tên tuổi lớn trong lĩnh vực bảo hiểm, mà bảo hiểm gắn với thận trọng. Thời điểm BVFED ra đời cũng là hiện tượng lạ vì nhiều quỹ mở khai sinh cùng thời có xu hướng chọn quỹ trái phiếu, trong khi một đơn vị đề cao sự thận trọng lại chọn CP.

Thống kê trong năm 2023, có đến hơn chục quỹ mở nội địa có suất sinh lời cao hơn tăng trưởng của VN Index, tức là hơn 12%, và thậm chí gần phân nửa trong số đó đạt suất sinh lời hơn 20%. Suất sinh lời 20%/năm cũng được xem là lý tưởng ngay cả với những NĐT dày dạn kinh nghiệm. Nhiều quỹ mở đang làm rất tốt và NĐT có rất nhiều sự lựa chọn. Thay vì phải vất vả theo dõi bảng giá chứng khoán hằng ngày, tại sao không để tiền cho quỹ mở nội địa sinh lãi hộ? Có lẽ đây sẽ là câu hỏi lớn cho những người vận hành quỹ mở và cả những NĐT muốn bỏ tiền vào quỹ.

Có một thực tế, xét về tổng tài sản các quỹ mở hiện nay thì không quá lớn. Số quỹ có giá trị tài sản hơn 1.000 tỷ đồng chưa nhiều. Có nhiều quỹ hoạt động hiệu quả nhưng giá trị tài sản ròng (NAV) mới chỉ ở con số vài trăm tỷ đồng. Các quỹ phần lớn rất thận trọng trong việc quảng bá, và tất nhiên 10 năm cũng không phải là chặng đường quá dài. Và để số lượng NĐT có thói quen bỏ tiền vào quỹ nhiều hơn thì không cách nào khác là các quỹ phải chứng minh được hiệu quả trong một thời gian dài. Một điều đáng khích lệ là danh mục của nhiều quỹ mở trong nước như BVFED, VCBF-MGF… được nhiều đơn vị phân tích nghiên cứu đem ra mổ xẻ, đánh giá chất lượng rất cao, ngang hàng với các quỹ ngoại. Nếu những điều này được duy trì, không khó để kỳ vọng quỹ mở sẽ tiếp tục có một thập kỷ nữa phát triển rực rỡ.