Khi nào “nhân đôi”?

Nhân đôi (x2), nhân ba (x3) giá trị tài khoản chứng khoán, có thể là mục tiêu, mơ ước của nhiều nhà đầu tư (NĐT) tham gia thị trường chứng khoán (TTCK). Liệu điều này có khả thi trong thực tế?
0:00 / 0:00
0:00

Năm 2014, chứng chỉ quỹ mở SSI-SCA được chào bán ra công chúng và sau khoảng 5 năm vận hành thì tài sản đã tăng khoảng gấp đôi. Đến thời điểm này thì SSI-SCA cũng luôn là một trong những quỹ mở có tốc độ tăng trưởng tốt nhất thị trường. Nếu nhìn vào diễn biến của TTCK trong nhiều năm, sẽ thấy mỗi năm sẽ có ít nhất 2-3 đợt sụt giảm mạnh mà nếu bắt đúng đáy thì suất sinh lời trong ngắn hạn (chỉ khoảng 5-10 ngày) có thể lên đến 20-30%, nếu lặp lại thành công trong vài lần đã có thể nhân đôi tài khoản. Trong khoảng một năm qua, nếu mua và nắm giữ những CP họ FPT hay Viettel thì tài khoản có khi chưa cần đến một năm cũng đã nhân đôi. Những dẫn chứng này chỉ ra việc nhân đôi tài khoản không phải là điều bất khả thi nhưng cần đáp ứng những tiêu chí về chuyên môn, thị trường và cả sự may mắn.

Những NĐT kỳ cựu có thể nhắc về giai đoạn 2006-2007 của TTCK Việt Nam như thời hoàng kim, khi đó NĐT nếu may mắn có thể x3, x5 thậm chí x10 tài khoản. Nhưng cũng cần biết rằng, quy mô thị trường khi đó nhỏ hơn rất nhiều so với hiện nay và đợt sụt giảm “kinh hoàng” của năm 2008 cũng bào mòn đáng kể tài khoản của nhiều người. Nếu xét về hiệu quả, TTCK trong nửa thập kỷ gần đây đem lại cao hơn nhiều so với giai đoạn 2006-2007. Với dân chứng khoán kỳ cựu, thị trường “lên thẳng” (giống 2006-2007) không tốt bằng có tăng có giảm đan xen, vì tạo ra nhiều đợt sóng, nhiều cơ hội xoay vòng vốn. Thậm chí, nếu có tăng, có giảm nhưng xu hướng chung vẫn là tăng thì NĐT nắm giữ dài hạn cũng cảm thấy yên tâm. Một yếu tố có thể nhận thấy rất rõ là sự phân hóa càng lúc càng rõ và càng chuẩn. Sự phân hóa hơn chục năm trước chỉ nằm ở việc có cổ phiếu (CP) tăng, có CP giảm, còn sự tăng giảm đôi khi khác biệt với chất lượng của CP. Còn hiện nay, CP tốt có thanh khoản cao, tốc độ tăng giá khả quan, còn CP kém chất lượng sẽ giảm giá và thanh khoản kém.

Với một NĐT thông thường, mới tiếp cận TTCK thì diễn biến này đem lại rất nhiều sự an tâm, chọn được CP tốt không khó khi các CTCK, các chuyên gia phân tích sẽ có các bộ lọc để tư vấn. Thách thức còn lại của NĐT sẽ nằm ở tính thời điểm, quyết định mua khi nào, số lượng bao nhiêu, nắm giữ trong bao lâu. Và nếu muốn x2, x3… trước tiên NĐT phải… bỏ ý tưởng này trước với quy tắc số 1 của NĐT huyền thoại Warren Buffet “đừng bao giờ để mất tiền”. Chuyên gia kiểm toán Bùi Đăng Bảo nhấn mạnh: NĐT trẻ tuổi hiện nay tiếp cận với chứng khoán rất nhanh, đó là điều thuận lợi. Nhưng có những yếu tố không thể nhanh được, chẳng hạn như thời gian để tìm hiểu thị trường phải tính bằng vài năm. Khi đã qua thời gian này, NĐT bảo vệ được tiền, thì lúc đó mới có thể tính đến việc nắm bắt cơ hội thuận lợi. Bởi lẽ nếu không biết bảo vệ tiền, thì có thể cơ hội đến sớm, nhưng cũng không dễ bảo vệ được thành quả.