Cẩn thận với yếu tố rủi ro

Có những yếu tố rủi ro trong kinh doanh hay đầu tư chứng khoán có thể đến bất kỳ lúc nào và không thể dự báo trước. Vì vậy, doanh nghiệp (DN) cần có giải pháp đối mặt với rủi ro phù hợp để bảo đảm lợi ích cho cổ đông và nhà đầu tư (NĐT) nói chung. Ngoài ra, DN cũng nên có sự khiêm nhường khi nói về rủi ro và đặc biệt là những giải pháp xử lý nếu xảy ra.
0:00 / 0:00
0:00

Câu chuyện về CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) nợ nông dân hàng trăm tỷ đồng tiền lúa là minh chứng rõ ràng nhất cho việc rủi ro xảy đến một cách không ai ngờ. Có thể nói Lộc Trời là một thương hiệu lớn, nhiều người thậm chí không biết Lộc Trời sản xuất, kinh doanh ngành nghề gì nhưng cũng đã từng nghe qua cái tên này. Nhiều năm qua, Lộc Trời hay trước đây là Bảo vệ thực vật An Giang (tên công ty trước đây) là nhà tài trợ lớn trong môn thể thao đua xe đạp, nên có sức lan tỏa rất cao trong cộng đồng.

Trong hai năm 2021 và 2022, lãi ròng sau thuế của công ty mẹ LTG đạt lần lượt 418 tỷ đồng và 412 tỷ đồng và tính từ khi đưa cổ phiếu (CP) lên giao dịch tại UPCoM cho đến trước năm 2023 thì LTG toàn lãi tính bằng “trăm tỷ đồng”. Nhưng mọi sự xoay chuyển quá nhanh khi LTG công bố lãi ròng năm 2023 chưa đến 17 tỷ đồng với nguyên nhân liên quan đến vấn đề nợ vay.

Nhìn vào danh sách những cổ đông lớn đã và đang nắm giữ LTG sẽ thấy nhiều tổ chức tên tuổi, quen mặt trên thị trường chứng khoán (TTCK) và có thể xem đó là giá trị bảo chứng cho CP này. Nhưng thực tế cũng chứng minh rằng có những trường hợp các quỹ lớn, có tên tuổi cũng mắc kẹt tại một vài CP. Nhìn lại sự thăng hoa của ngành kinh doanh lúa gạo vài năm trước cũng sẽ thấy kỳ vọng cho LTG lớn và cũng là hợp lý. Nhưng sự xoay chiều khá nhanh trong ngành này gây khó khăn trực tiếp cho LTG cũng cho thấy rủi ro có thể xuất hiện bất cứ lúc nào cho các ngành nghề tưởng chừng hấp dẫn nhất.

Không bàn sâu đến các nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh của LTG bị ảnh hưởng nhưng thông qua việc này sẽ thấy rằng, lo lắng về rủi ro, thậm chí sự nghi ngờ trên TTCK chưa bao giờ là thừa. Đã từng có câu chuyện về nghiệp vụ tại những tổ chức đầu tư đề cao sự an toàn như sau: Một chuyên viên đầu tư đề xuất mua vào CP và sau khi giải ngân vài ngày giá CP này tăng kịch trần. Tưởng rằng được tuyên dương hay đánh giá cao, nhưng trong thực tế chuyên viên này phải… giải thích về CP, vì quan điểm của nhà quản lý quỹ này là CP có khả năng tăng kịch trần, thì cũng có khả năng giảm sàn, tức là có rủi ro. Sẽ có nhiều quan điểm cho rằng động thái trên có phần cực đoan hay thái quá, nhưng chú trọng rủi ro là điều bắt buộc nếu tham gia TTCK trong dài hạn. Bởi lẽ, nếu NĐT tham gia TTCK nhiều năm sẽ thấy bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra. Và chính các DN, kể cả những lúc làm ăn thuận lợi nhất, cũng đừng nên chủ quan và phải sẵn sàng những phương án đối mặt với rủi ro nếu có, đồng thời chia sẻ để các cổ đông nắm được và yên tâm.