Một số thể nghiệm hướng đến cộng đồng

Trong vòng 10 năm trở lại đây, xu hướng du học nước ngoài của người trẻ ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi: các ngành khoa học xã hội nhân văn, nhất là các lĩnh vực liên quan nghệ thuật và sự sáng tạo đã được chú trọng lựa chọn nhiều hơn trước. Bên cạnh đó, khuynh hướng trở về nước lập nghiệp của thế hệ này đã góp phần mang tới những hương vị mới cho đời sống văn hóa nghệ thuật đương đại.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc công trình đền thánh giáo xứ Tiêu Động Thượng (Hà Nam) do Lê Minh Hoàng thiết kế giành giải bạc - giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2021. Ảnh: Hoàng Lê
Một góc công trình đền thánh giáo xứ Tiêu Động Thượng (Hà Nam) do Lê Minh Hoàng thiết kế giành giải bạc - giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2021. Ảnh: Hoàng Lê

Ðam mê dẫn lối

Phạm Minh Hiếu (sinh năm 1996) chọn du học chuyên ngành Thực hành nghệ thuật, Trường đại học Stanford (Mỹ), sau tốt nghiệp bậc phổ thông trung học. Thật khó để hình dung theo lẽ thông thường rằng, một học sinh chuyên Lý, từng giành giải nhì môn Vật lý cấp quốc gia năm 2014 như Hiếu lại lựa chọn du học về nghệ thuật và nhất là hướng vào thực hành nghệ thuật đương đại vốn rất khó để tạo danh vị xã hội, lại càng xa vời với mục đích kiếm sống từ việc mua bán sáng tác.

Năm 2021, sau khi hoàn thành chương trình Cử nhân danh giá (Honors Programs) từ ngôi trường đứng thứ ba trong bảng xếp hạng đại học toàn cầu, Hiếu về nước. Cuối năm đó, một tuần trưng bày sáng tác mới và dự án mở studio của Hiếu đã gây sự chú ý đối với cộng đồng nghệ thuật đương đại ở Hà Nội. Không có tác phẩm vật lý (có thể cầm nắm, chạm được) mà Hiếu dùng vật lý như nền tảng, kết hợp công nghệ để đem tới một không gian ảo, khuyến khích, thử thách sự tưởng tượng của người xem về tất cả những gì đang chuyển động quanh họ: là sóng, là nhịp đập tế bào sống, là chuyển động siêu hình...

Tương tự như Phạm Minh Hiếu, Hà Nguyên Long (sinh năm 1990) cũng lựa chọn học ngành mà ở Việt Nam chưa có ai chọn du học: ngành thiết kế không gian và phối cảnh sân khấu tại một trường đại học tư chuyên ngành Nghệ thuật và kỹ thuật ở Paris (Houdré Ecole Supérieure Arts et Technique - ESAT, Paris), tốt nghiệp năm 2017.

Điện ảnh, kiến trúc cũng là lĩnh vực có người trẻ lựa chọn du học, chấp nhận tự túc để đầu tư cho hàm lượng tri thức của mình. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, sự phát triển của khoa học kỹ thuật có thể ngay lập tức được tiếp nhận ở trong nước nếu có tiền nhưng cách kể một câu chuyện hấp dẫn trong nghệ thuật lại là thứ không đơn giản mua được bằng tiền, "mà phải bằng chính các trải nghiệm học và tự học từ những ngôi trường đào tạo chuẩn quốc tế"- đây là ý chia sẻ của Mai Vũ, nữ đạo diễn-tác giả của bộ phim ngắn dạng stop-motion Giấc mơ gỏi cuốn vừa được trao giải thưởng Light on Women tại Liên hoan phim Cannes 2022 vừa qua. Bộ phim này được thực hiện trong thời gian chị du học tự túc tại Anh về điện ảnh.

Tự chọn hướng đến cộng đồng

Có lẽ, cho đến nay, Hiếu là người duy nhất can đảm mở một lối đi riêng cho nghệ thuật của mình, như quan điểm rõ ràng của anh: kết hợp nghệ thuật với vật lý, công nghệ cao và các nghiên cứu đa ngành khác để đạt được cái nhìn đầy đủ hơn về cuộc sống.

Nhưng Hiếu không chỉ dừng lại với thể nghiệm của riêng anh. Từ khi về nước, Hiếu bắt đầu lên kế hoạch mở một studio nghệ thuật tại Hà Nội, kết nối các bạn trẻ có đam mê sáng tạo để gầy dựng những dự án nghệ thuật lớn hơn. "Thông qua thực hành của chính mình, tôi muốn cổ vũ và tạo điều kiện cho những hướng tiếp cận học thuật, các đối thoại đa chiều. Studio của tôi cũng là giao điểm để kiến tạo những liên kết với các chuyên gia đa ngành, góp phần phổ quát giá trị của nghệ thuật tới cộng đồng".

Hà Nguyên Long mở một studio thể nghiệm sân khấu, nơi anh tìm kiếm và kết nối từng cá nhân diễn viên không hoặc bán chuyên nghiệp, viết các vở kịch mà như không kịch, thiết kế những không gian sân khấu ấm cúng, đời thường như có mà như không khoảng cách với khán giả, tìm kiếm những khán phòng nhỏ xinh vừa đủ cho 30-50 người xem. Những đối thoại thường nhật diễn ra vào các tối thứ bảy trong suốt tháng 7 này đã thu hút sự chú ý của khá nhiều bạn trẻ, từ 18 đến dưới 30 tuổi, mong muốn tìm một không gian nghệ thuật văn minh, gợi mở nhiều thụ cảm mới về những hình thức sáng tạo liên ngành nghệ thuật. Trước đó, anh đóng góp nhiều vào một dự án kể chuyện tâm thức con người trong kết nối hiện tại với quá khứ thông qua ẩn dụ là các kết hợp âm nhạc và vũ đạo mang hơi thở đương đại với nghệ thuật tuồng từ một số trích đoạn đầy chất kinh viện, chuẩn mực trong vở tuồng Sơn Hậu, thành một vở diễn cùng tên, phục vụ nhân dân ngay tại một khu sân chơi chung của khu tập thể (Văn Chương, Khâm Thiên, Hà Nội), các cầu trượt, đu quay của trẻ em thành đạo cụ sân khấu luôn. Ở đây, yếu tố thương mại đã trở nên thứ yếu trước chủ đích hướng đến cộng đồng. Từ thực tiễn các nhà hát trong nước mà anh đi xem nhiều thời gian qua, Long luôn mong muốn đem tới một mỹ cảm mới cho sân khấu thể nghiệm đương đại Việt Nam.

Trong bối cảnh sản phẩm văn hóa nghệ thuật hiện nay ngày càng bị chi phối bởi tính thương mại và hiệu ứng truyền thông xã hội thái quá, điều thú vị là vẫn có những công trình, sản phẩm nghệ thuật giàu tinh thần thể nghiệm, truyền cảm hứng và khuyến nghị sự sáng tạo nhất là của các cá nhân đã tự đầu tư tài chính, nỗ lực kiếm tìm học bổng du học để trải nghiệm và khơi nguồn sự sáng tạo trong chính họ rồi lại tiếp tục nỗ lực truyền thụ những trải nghiệm mới mẻ ấy đến với cộng đồng, công chúng trong nước. Thực tế này đặt ra nhiều câu hỏi cho ngành đào tạo về nghệ thuật của Việt Nam về một sự đổi mới toàn diện triết lý giáo dục, chất lượng và cơ chế đào tạo. Như kiến giải của anh Lê Minh Hoàng, giảng viên Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, về việc 10 năm trước, anh cũng chọn du học tự túc bậc thạc sĩ về Thiết kế kiến trúc tiên tiến, là bởi "những chủ đề, một số thách thức, tư tưởng và tính tiên phong của Trường kiến trúc Bartlett (Bartlett School of Architecture, University College London, UCL)". Đây là một trong ba ngôi trường kiến trúc tốt nhất ở Anh. Lê Minh Hoàng cũng là người vừa giành được hai giải bạc-Giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm 2021 và một Giải thưởng Architizer + (New York) – hạng mục công trình công cộng cho hai công trình thiết kế mang tính chất phục vụ cộng đồng, kết hợp một cách sáng tạo giữa kiến trúc đương đại và một số yếu tố di sản kiến trúc truyền thống Việt Nam, hài hòa trong khuôn viên các kiến trúc tôn giáo lớn của đất nước.