Một góc nhìn về thân phận con người

Đến với văn chương bằng cả thể loại thơ và văn xuôi. Ở thể loại nào Trịnh Sơn cũng ghi được dấu ấn. Tập truyện ngắn của anh mới được xuất bản “Gieo mồi vào sóng”, thể hiện những nỗ lực cách tân, dấn thân của một cây bút có nhiều tìm tòi, khai thác về thân phận con người.

Một góc nhìn về thân phận con người

1 Đọc Gieo mồi vào sóng (Tập truyện ngắn của Trịnh Sơn, NXB Trẻ - 2016) có thể thấy âm hưởng về giọng điệu chung là xót xa và cay đắng cho thân phận con người hậu hiện đại. Mỗi truyện của Trịnh Sơn là một mảnh ghép, tạo nên một chỉnh thể tấm kính vạn hoa về kiếp người. Viết về thân phận con người đương đại trước tiên là một thái độ mang tính ý thức của nhà văn, bởi nó là bản tường trình về trật tự xã hội. Qua chủ đề này, nhà văn thể hiện chính kiến, bản lĩnh, nhưng cũng thể hiện trình độ nghệ thuật của mình bởi tính luận đề, nghị luận đã được xử lý khéo léo.

Trong Thảo nguyên gió giỡn, Linh là một nhân vật vừa ra tù, đi tìm lại gia đình của người bạn thân trong chốn lao ngục. Những đề tài nặng tính luận đề xã hội, nhưng đã được tác giả triển khai đầy chất thơ với những câu văn như thơ văn xuôi, thậm chí là lai ghép rất nhiều thơ vào trong truyện ngắn đã góp phần làm mềm hóa tác phẩm.

Có lẽ tính chất nhân - quả đã ám ảnh vào trong mô thức sáng tạo của Trịnh Sơn, biến những câu chuyện của anh thường có lối kết cấu xoay vòng mà những người gieo nhân nào sẽ nhận lại quả nấy. Nước dưới chân cầu thì lại kể về mảnh đời của hai anh em bán vé số cùng một người cha hờ sống vạ vật, lang bạt dưới một chân cầu trong thành phố. Một lần, người cha (lão Gằn) cùng hai anh em Lọ và Lem cứu vợ chồng người giàu tự sát nhảy cầu chết mà người cha bỏ mạng. Nhưng cuối cùng, người đàn bà được cứu sống lại nhận ra Lọ và Lem là con ruột, vì bà chính là người mẹ của chúng bỏ đi trong quá khứ, sau khi để lại hai đứa trẻ cho lão Gằn, dù chúng không phải là con ông. Sự đổ vỡ quan hệ gia đình chính là một biểu hiện của sự đổ vỡ quan hệ xã hội trong thời hiện đại. Ở đấy, gia đình không còn là nơi quay về, nơi che chở cho con người trong bão táp, mà chỉ là cái họ tìm thấy được khi đối diện với cái chết.

2 Dường như chính những truyện ngắn không có cốt truyện, đi sâu vào những mối quan hệ thường nhật của con người, với những nhân vật bé mọn giữa một cuộc đời bình thường mới là thành công đặc sắc của tác giả. Đọc những truyện như Mất phương hướng, Bóng người nhỏ lôi theo, Rồi sẽ có bạn, Đám đông đáng lẽ, Một người… chúng ta có thể thấy bóng dáng của những truyện theo chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và phi lý. Truyện Mất phương hướng, tác giả không trình bày với chúng ta một cốt truyện hoàn chỉnh, lớp lang với những sự kiện xung đột mà chỉ bám vào những trạng huống tinh thần khó nắm bắt, nhằm lách sâu vào những vết thương trong não trạng hậu hiện đại. Những câu hỏi tưởng chừng như bâng quơ, vô nghĩa nhưng lại hàm chứa trong nó nhiều băn khoăn có tính bản thể. Về sự kiện một cái ti-vi tự bật trong phòng làm việc, vốn là một sự kiện bình thường, thậm chí vụn vặt, nhưng tác giả cũng nhìn ra trong nó sự bất an thường trực, bằng những câu hỏi không hề giản đơn: “Thế là tôi lại chúi mũi vào cái màn hình máy tính đặt trước cửa sổ, châm một điếu thuốc và nghĩ ngợi: nếu nó đã tự bật thì làm sao không thể tự tắt nhỉ? Đã dám tự bật mình lên thì cớ gì lại không dám ồn ào náo nhiệt?” [tr.11]. Câu hỏi này, kỳ thực là một sự chất vấn bản thể, nếu đã sinh ra làm người sao không dám sống hết mình, đã sinh ở trên đời sao không dám chết một cách xứng đáng? Mỗi người sinh ra, như một cái ti-vi được bật lên, hẳn rằng phải có ý nghĩa nào đó. Trong cuộc đời của mỗi chúng ta, sống tức là truy tìm ý nghĩa cuộc đời của chính mình.

Trong truyện ngắn Bóng người nhỏ lôi theo, Trịnh Sơn đã tạo ra sự bất an thường trực khi người chồng thường xuyên bị ám ảnh (hoặc có thể có thật) bị con chó cưng của vợ cắn mỗi lần gần gũi vợ. Mối quan hệ giữa hai vợ chồng đang tan rã, mặc dù họ có rất nhiều tiền. Người vợ say đắm, dành hết tình yêu cho con chó cưng, nàng xem nó như con bởi hai vợ chồng vô sinh. Còn người chồng leo lên tận tột đỉnh vinh quang của quyền lực với cái chức giám đốc, bị cuốn theo những trò vui, cuộc nhậu mà quên cách làm cho vợ hạnh phúc. Đúng lúc ấy, một tên nhân viên xu nịnh xuất hiện, tặng vợ sếp một con chó cảnh và được thăng quan tiến chức liên tục nhờ biết cách làm hài lòng mệnh phụ phu nhân. Câu chuyện không chỉ hay ở sự tố cáo nạn hối lộ, chạy chọt chức quyền, mà còn đặc biệt ở cách tác giả tạo ra sự bất an thường trực trong cuộc sống thường nhật của gia đình hai vợ chồng giám đốc. Con chó cưng như một bức tường ngăn trở sự gần gũi giữa chồng và vợ, nó còn hút hết mọi tình cảm của hai người, sẵn sàng tạo ra những vết cắn bí ẩn trong đêm như một ẩn dụ về vết thương bề sâu trong thế giới tinh thần. Nhưng bạn đọc nếu tinh ý có thể thấy “con chó” ấy thật ra không phải là con chó cưng trong thực tại, mà nó như một bóng ma xuất hiện ngay trong thế giới tinh thần của người chồng, trong mối quan hệ bị rạn vỡ của hai vợ chồng vị giám đốc kia.

Trong truyện Một người, sự đọc của người tiếp nhận bị thách thức không nhỏ bởi yếu tố phi lý được tạo ra do trạng huống tâm thần phân liệt của nhân vật. Người kể chuyện ngôi thứ nhất, xưng “tôi” bị phân thân thành “tôi” và “hắn”. Tôi và hắn là hai mặt của một bản thể người thường xuyên mâu thuẫn, va chạm với nhau, như một sự khắc khoải mang tính nhân sinh về bản sắc và ý nghĩa của tồn tại. “Lần nào gặp nhau, câu mở đầu của hắn cũng là: “Hôm nay, có gì mới không?”. Và, câu kết thúc: “Không biết ngày mai có gì mới không?” [tr.89]. Cái hay trong truyện của Trịnh Sơn là chỉ đến cuối truyện, bạn đọc mới vỡ lẽ ra rằng cả hai nhân vật tôi và hắn thật ra chỉ là một, và đặc biệt hơn đó là nhân vật tôi bị bệnh thần kinh phân liệt.

3 Một số truyện khác như Gieo mồi vào sóng, Thuốc cho ngày mai, Đám đông đáng lẽ… có nhiều suy tư và khai thác thân phận con người hiện đại theo những lối khác nhau, nhưng nhìn chung chưa thật đặc sắc. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng một số truyện của Trịnh Sơn tính luận đề hơi lộ, và cốt truyện, tình tiết nhiều khi được xây dựng khiên cưỡng, phi thực tế. Dẫu sao, truyện ngắn của Trịnh Sơn đã nỗ lực đi sâu phân tích tinh thần của con người, nhằm cắt nghĩa thân phận của họ từ những bi kịch và đổ vỡ, nhưng sau cùng, cái lấp lánh nhân văn của niềm hy vọng bao giờ cũng được thắp lên. Nó đúng như những đứa trẻ trong các truyện ngắn của tác giả, bao giờ cũng hứa hẹn về một tương lai tốt đẹp.