1. Thời gian gần đây, sách văn học nở rộ về thể loại, tác giả. Nhu cầu tìm mua sách của độc giả không chỉ dừng lại ở một tác phẩm hay về nội dung mà cần bắt mắt về hình thức. Đây không phải là điều mà nhiều họa sĩ làm được. Nhưng Kim Duẩn là một trong những số ít họa sĩ ổn định về phong cách, chiều lòng được tác giả, độc giả và NXB. Bước vào một cửa hiệu sách, đến gian sách văn học, ta dễ dàng nhận ra một số lượng lớn bìa sách văn học do họa sĩ Kim Duẩn thiết kế.
Lý do để làm được điều đó có lẽ bắt đầu từ tính cách. Điềm đạm, bình tĩnh và cầu thị, biết lắng nghe, Kim Duẩn ít to tiếng và nói quạu với ai bao giờ. Thêm nữa cũng là một người thích đọc và yêu sách, có thể anh không bắt tốt những luận điểm về hồn cốt nội dung của tác phẩm như các nhà phê bình nhưng lại bắt trúng những chi tiết trong tác phẩm, chú ý tới đối tượng độc giả tác phẩm hướng đến, và độ tuổi tác giả.
Việc đặt mình dưới góc độ độc giả để nhìn nhận và cảm tác phẩm đã giúp cho Kim Duẩn khi thiết kế bìa cho những tác phẩm của tác giả trẻ thường giàu cảm xúc, mơ mộng, tươi sáng. Những gam mầu chủ đạo được dùng là hồng, xanh ngọc, trắng, cùng font chữ tối giản, hiện đại … (“Mọi gặp gỡ trong đời đều là ước hẹn”, Nguyễn Thị Việt Hà; “Người kể chuyện tình trên phố yêu đương”, Yudin Phương; “Chuyến tàu nhật thực”, Đinh Phương…). Với những tác phẩm của tác giả có tên tuổi, thường sẽ xuất hiện cả một series, Kim Duẩn lại chú trọng vào phần tên tác giả, những mầu sắc thâm trầm, sang trọng nhưng không u buồn, nó gợi được không khí của sự từng trải.
2. Một mặt mạnh trong thiết kế bìa của Kim Duẩn ở sách bộ cùng tác giả luôn là những điểm tương đồng như không gian bìa sách, sự thay đổi tông mầu nền, giữ nguyên font chữ, giữ nguyên những nét định hình tác phẩm… Thậm chí một bộ sách khi xếp cạnh nhau sẽ thấy sự chuyển dịch trong mạch tác phẩm trên bìa sách như bộ sách của nhà văn Ma Văn Kháng, nhà văn Tô Hoài. Nhìn qua tưởng nhàm chán, đơn điệu, trùng lặp nhưng kỳ thực đó là dấu hiệu nhận biết, là điểm “cố ý” có tính toán của người họa sĩ, để chắc chắn khi đặt trên giá sách sẽ nhận ra cùng một bộ, cùng một tác giả.
Để được các nhà văn nhận xét là họa sĩ vẽ bìa sách văn học đẹp, có lẽ chính nhờ sự hiện đại trong nét vẽ, sự ăn nhập giữa khối hình và khối chữ, sự biến chuyển linh hoạt giữa nhiều thể loại văn học của Kim Duẩn. Nếu là hồi ký, anh luôn dùng những mầu tối gợi hoài niệm như xanh thẫm, vàng nghệ hay nâu đỏ… Nếu là các tác phẩm về Hà Nội, luôn vẽ ra một nét rất Hà Nội như góc phố café bệt với ghế gỗ (“Bâng quơ một thời Hà Nội”, Đỗ Phấn) cửa sơn xanh lá cây, hay chiếc mũ phớt của trai phố cổ (“Con giai phố cổ”, Nguyễn Việt Hà), góc khu tập thể với những ô cửa và tán cây bàng đang rụng lá (“Kim Liên một thuở”, Vũ Công Chiến)…
3. Kim Duẩn vốn là một người Hà Nội gốc nên không khó gì thu bắt những hình ảnh của Hà Nội, nhưng ngay cả vẽ bìa cho cuốn sách về Sài Gòn (“Sài Gòn thương còn hổng hết”, Hoàng My), sách về thời bao cấp (“Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương”, Ma Văn Kháng; “Những ký ức không chịu ngủ yên”, Tô Hoài), hay sách về vùng núi cao (“Người con gái xóm cung”, Tô Hoài, “Gặp gỡ ở La Pán Tẩn”, Ma Văn Kháng) Kim Duẩn đều vẽ ra được không khí của thời gian và không gian tác phẩm. Phải chăng nhờ chịu khó tìm tòi, quan sát, đi nhiều, đọc nhiều mới giúp cho Kim Duẩn có những thu lượm tinh tế này?
Không chỉ thiết kế bìa bằng nét vẽ, Kim Duẩn luôn đổi mới mình, linh động dùng nhiều chất liệu, có bìa chỉ dùng toàn chữ sắp xếp, có bìa kết hợp vẽ thủ công lẫn vẽ đồ họa, có bìa phải dùng nghệ thuật trổ giấy, sắp đặt... Có những bìa do đã được nhiều họa sĩ thể hiện trước đó và những hình tượng liên quan đến tác phẩm đã được xới đi xới lại để làm bìa cũng đem đến không ít khó khăn cho anh. Anh thể hiện “năng suất” trên rất nhiều mảng trong đó có cả mảng văn học thiếu nhi. Người đọc gặp Kim Duẩn ở “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” (Nguyễn Ngọc Thuần); “Khu tập thể có giàn hoa tím” (Đức Phạm), series tuyển tập thơ và tranh gồm bốn cuốn “Nhim nhỉm nhìm nhim”, “Mẹ Hổ dịu dàng”, “Ngày xưa, ngày nay, ngày sau...”, “Vui cùng tiếng Việt” (Nguyễn Thụy Anh) và gần đây nhất là “siêu phẩm” “Xóm bờ giậu” (Trần Đức Tiến) được Kim Duẩn vẽ tay bằng mầu nước đã đem đến cho độc giả nhí những sản phẩm đẹp xinh, gần gũi đầy tính thẩm mỹ. Bìa sách thiếu nhi, Kim Duẩn luôn dùng nhiều mầu sắc, nhiều chi tiết. Các chi tiết được vẽ tròn trịa, ngộ nghĩnh đánh trúng tâm lý của trẻ dễ bị bắt mắt và chú ý vào những vật nhiều mầu sắc rực rỡ.
Kim Duẩn từng chia sẻ “Vẽ bìa sách không phải một nghề mơ ước cho những người ưa nhàn hạ. Một bìa sách đẹp tự khắc biết chia sẻ. Và bìa càng cô đọng càng được nhớ lâu”.