Mơ lớn hơn cho mỹ thuật Việt Nam

Từ hơn 10 năm trước, một số nhà đầu tư, tổ chức tư nhân trong nước quan tâm và nỗ lực giới thiệu mỹ thuật trong khu vực và quốc tế đến với công chúng, tiến tới gây dựng các bộ sưu tập. Đến nay, công bố chính thức sưu tập tranh và điêu khắc của tác giả tên tuổi người Nhật Bản Katsumi Mukai, thuộc dự án Bảo tàng nghệ thuật đương đại Sóng Mây, Hà Nội, đã cho thấy kết quả ban đầu của xu hướng sưu tập nghệ thuật được cho là tiên phong trong bối cảnh hoạt động mỹ thuật có nhiều nét đặc thù ở nước ta.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc trưng bày sưu tập tác phẩm của nghệ sĩ Katsumi Mukai, nhan đề "Chuyển động của im lặng", diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, từ ngày 16/11 đến 1/12/2024. Ảnh: An Trung
Một góc trưng bày sưu tập tác phẩm của nghệ sĩ Katsumi Mukai, nhan đề "Chuyển động của im lặng", diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, từ ngày 16/11 đến 1/12/2024. Ảnh: An Trung

Những người can đảm mở lối đi khác

Còn nhớ, chuỗi sự kiện mỹ thuật mang tên Điểm đến (từ 1 đến 4, 2012-2015), kết nối một số nghệ sĩ trong nước, khu vực ASEAN và Mỹ đã được tổ chức hoàn toàn bằng nỗ lực của một cá nhân người Việt Nam cùng sự chung tay của các nghệ sĩ. Nhà tổ chức lo chi phí vận hành toàn bộ triển lãm, kết nối với đại sứ quán các nước có nghệ sĩ tham gia để cùng hỗ trợ nghệ sĩ đến Việt Nam tham dự sự kiện.

Mong muốn lớn nhất của nhà tổ chức và nghệ sĩ là có một sự kiện nghệ thuật mang tính định kỳ và tầm quốc tế tại Hà Nội. Sự kiện Điểm đến 1 có sự tham dự của một trong những họa sĩ hàng đầu Malaysia Yusof Ghani. Sự kiện tiếp theo có sự phối hợp của Khoa Nghệ thuật, Trường đại học Sư phạm Hà Nội để tổ chức workshop quốc tế. Sự kiện diễn ra năm 2015 được xây dựng chuyên biệt, dành riêng giới thiệu một số họa sĩ nữ của Việt Nam và Malaysia với sự bảo trợ của Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam.

Theo thời gian, ngày càng có nhiều hơn doanh nghiệp và cá nhân người Việt Nam quan tâm gây dựng bộ sưu tập nghệ thuật đương đại, đặt trong tương quan so sánh với khu vực và thế giới. Sự kết nối quan hệ chuyên môn với giới nghề nghiệp từ nhiều nước trên thế giới cũng góp phần thúc đẩy nhận thức chung về việc mở rộng hơn nữa mối quan tâm đến tác giả-tác phẩm mỹ thuật ở bên ngoài Việt Nam. Một thông tin “hậu trường” thú vị mà người viết bài nhận được là bên cạnh niềm vui giao lưu với đồng nghiệp Việt Nam, tham quan danh lam thắng cảnh Việt Nam, lý do hấp dẫn các họa sĩ mầu nước chuyên nghiệp quốc tế tham gia nhiều phiên triển lãm do Hiệp hội Mầu nước quốc tế (IWS) phối hợp tổ chức tại Việt Nam kể từ năm 2015 đến nay, là người Việt Nam đã mua tranh của họ tại triển lãm.

Trở lại với dự án Bảo tàng nghệ thuật đương đại Sóng Mây cùng sưu tập 29 tác phẩm của nghệ sĩ Nhật Bản Katsumi Mukai, đây là loạt tác phẩm của nghệ sĩ nước ngoài đầu tiên xuất hiện trong bộ sưu tập này. Cách thức hợp tác cũng khá đặc biệt: Nghệ sĩ chấp thuận sang Việt Nam làm việc trong vòng ba tháng, hoàn toàn tập trung thời gian và năng lượng riêng cho sưu tập này. Những va chạm, cảm nhận về văn hóa sống và tâm hồn người Việt Nam phần nào được ông chuyển tải trong loạt tác phẩm điêu khắc gỗ và hội họa với chì trên giấy, trong đó có những khối điêu khắc cao tới 265cm, tranh giấy có khổ 246x153cm.

Bên lề triển lãm giới thiệu sưu tập, diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đến hết ngày 1/12/2024, đại diện dự án Bảo tàng này cho biết: một trong những khó khăn lớn nhất để vận hành dự án chính là kinh phí. Hiện tại, kế hoạch xây dựng một bảo tàng vật lý và đưa vào hoạt động vẫn chưa thể triển khai. Vì vậy, trước mắt, dự án chọn phương thức thuận lợi nhất để kết nối sưu tập ban đầu của mình với công chúng và giới chuyên môn trong nước là tổ chức trưng bày triển lãm dài ngày, thêm các buổi trò chuyện nghệ thuật và phát hành sách về tác giả được sưu tập. Sóng Mây hiện đã có bảy sưu tập tác giả trong nước và một tác giả nước ngoài. Đơn vị này kỳ vọng về việc tiếp tục sưu tập tác phẩm của nghệ sĩ nước ngoài có tên tuổi khác, ở cùng châu lục (Hàn Quốc, Singapore) và châu Âu (Tây Ban Nha, Italy).

Đóng góp phương thức mới trong giáo dục nghệ thuật

Một trọng tâm hoạt động trong tương lai của Sóng Mây, dù ở dạng vật lý hay bảo tàng số hóa, là hướng đến giáo dục nghệ thuật, phối kết hợp các trường phổ thông để hướng dẫn học sinh trải nghiệm nghệ thuật và viết lại cảm nhận.

Giáo dục thông qua trải nghiệm/cảm thụ nghệ thuật cũng là một hoạt động rất được chú trọng của Quỹ Nghệ thuật Nguyễn (Nguyễn Art Foundation) với một sưu tập nghệ thuật đương đại trong nước khá đồ sộ, hơn 800 tác phẩm, trong đó có một phần được trưng bày thường xuyên ngay tại thư viện, khu vực sinh hoạt chung thuộc một hệ thống các trường phổ thông liên cấp quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam. Chủ nhân của bộ sưu tập này, mới đây, có chia sẻ với chúng tôi về việc kể từ năm 2023, họ đã mở rộng hướng sưu tập ra các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh các mục đích riêng, việc những cá nhân dũng cảm mở lối mới sưu tập mỹ thuật đương đại nước ngoài và giới thiệu đến công chúng trong nước đã đóng góp nhiều lợi ích cho đời sống mỹ thuật hiện nay, mở ngỏ nhiều giá trị tinh thần mới mẻ cho những lớp công chúng trẻ của nghệ thuật.

Vấn đề đặt ra là cho đến nay, các nhà tổ chức và sưu tập nghệ thuật tư nhân trong nước vẫn hoàn toàn tự lực, chưa có kế hoạch chính sách hỗ trợ thiết thực nào từ phía cơ quan quản lý để đồng hành, hỗ trợ cho giới đầu tư, sưu tập mỹ thuật, tiến tới hỗ trợ tạo dựng thị trường mỹ thuật nội địa đúng nghĩa.

Theo nhiều phân tích, đã đến lúc xem xét việc công nhận tài sản hợp pháp là tác phẩm/sưu tập tác phẩm mỹ thuật, tiến tới cho phép làm tài sản bảo đảm thế chấp vay ngân hàng, mở cơ hội tiếp cận nguồn vốn dồi dào để giới sưu tập có sự tự tin về tài chính nhằm phát triển hoạt động này một cách bài bản.