Mèo Phú Quý

DỊP cuối năm nọ, Cương lên vùng núi viết phóng sự, gặp một bà mế Mường sống trong một căn nhà sàn gỗ nhỏ ven bờ suối. Bà mế nuôi một con mèo mẹ trông đẹp như một con hổ vàng, mỗi lứa sinh, nó đem đám con vào rừng để chúng tập săn mồi. Lứa sinh này, nó vừa tha đi hai con, còn một, bà mế cho Cương mang về nuôi.
0:00 / 0:00
0:00
Mèo Phú Quý

Cương mỏi mệt vì chuyến đi, lại còn đèo bòng con mèo nhỏ. Thực lòng Cương không muốn nuôi mèo. Hơn nữa, không biết mèo có phải mang đến vận xui, nhưng cái tiếng kêu từa tựa "nghèo, nghèo" của chúng đã khiến chính chúng mất điểm rồi. Cương mang con mèo theo, vì sợ bà mế ếm bùa. Mọi người vẫn đồn rằng người vùng cao có tài ếm bùa, linh lắm.

Hôm đó, khi Cương về cơ quan cùng con mèo nhỏ, đầu tiên là ông bảo vệ la lên rõ to: "Mang mèo về để bắt chuột cơ quan hả?" Cương cười cười. Lúc mang nó lên phòng làm việc, mọi người xúm lại, rằng ô, sao giờ có người mang mèo nuôi ở cơ quan cho nó bắt chuột nhỉ. Cô Ninh trẻ đẹp nhất nựng: "Mày xinh và lạ quá mèo ơi! Tên mày là gì? Mèo cơ quan là phải có một cái tên thật oách nhé".

À, bấy giờ Cương mới quyết định rằng cần phải có mèo dẹp loạn chuột, cái thứ loạn đã hoành hành nhiều năm nay. Lũ chuột cũng quái lạ, cơ quan toàn giấy tờ, máy móc, có tí gì ăn được thì các nhân viên đã cất sâu trong tủ sắt, khóa chặt rồi, còn kiếm chác nỗi gì, nhưng chúng cứ tung tóe phá phách.

"Phú Quý!" Cương buột miệng. Thế là Phú Quý thành cái tên dành cho con mèo nhỏ.

★★★

Cương sống một mình trong căn phòng bé xíu ở khu tập thể cũ phía sau nhà hát thành phố. Căn phòng âm âm tối, chẳng có cánh cửa nào ngoài cửa ra vào. Đúng ra, trước có cái cửa sổ trổ ra một tàng cây. Sau này nhà hát xây thêm tầng, ô cửa sổ phòng Cương chẳng còn nghĩa lý gì nữa. Nhiều tối nằm nghe các diễn viên nhà hát tập vở mới, rồi huỳnh huỵch tập nhảy, tập múa, nhìn căn phòng ngổn ngang, Cương nghĩ đời mình cũng ngổn ngang như nó, nhiều lúc muốn dọn dẹp nhưng lại chẳng biết bắt đầu từ đâu.

Vợ Cương quốc tịch Mỹ, về Việt Nam cưới Cương, nhưng khi có bầu thì cô về nước, cô bảo sinh con ở đó đứa trẻ nghiễm nhiên có quốc tịch Mỹ, và về sau nó sẽ là một công dân toàn cầu. Dạo đất đai sốt xình xịch, vợ khuyên Cương bán căn hộ đó đi mua một ngôi nhà nhỏ ngoại ô, hay chung cư cũng được, để mai này con trai có về thăm bố, nó đỡ thấy tủi.

Cương cũng định làm như lời vợ, nhưng lại thôi. Nghĩ mình gần như đi suốt, có mấy khi ở nhà. Mai sau, khi cần ở nhà thì cũng đã quá già, còn đâu nhiều ham hố nữa. Vả lại, Cương ngại thay đổi. Cương như chú mèo già của mình ở quê ngày trước, quẩn quanh bên cái xó bếp quen thuộc, đến lúc bố mẹ đập căn bếp cũ đi, nó có chỗ ngủ mới là cái đệm vải thơm tho ấm áp thì lại cứ ngày ngày gào khóc nhớ thương căn bếp cũ.

Phú Quý sinh ra ở một nơi hoang vắng, có khi tới lúc gặp Cương, nó chưa từng thấy ai ngoài bà mế Mường cô đơn trong ngôi nhà sàn nhỏ. Nay về làm "bảo vệ" ở cơ quan ngay giữa đô thị rộng lớn, cả ngày toàn thấy người, hễ cứ thấy nó là thò tay nhéo tai giật râu, nó không những không dạn lên, mà còn co lại thủ thế. Bất cứ ai lại gần nó cũng xù lông, nhe nanh. Năm ngoái, Tết con hổ, mấy ông họa sĩ qua tòa soạn chơi, thấy nó, hò nhau bảo đố ông nào họa mèo như hổ. Họ lôi nó ra làm mẫu. Phú Quý đi vào vài bức tranh hổ năm ấy một cách khiên cưỡng. Nhìn tranh vẽ nó, dưới hình dạng một con mèo-hổ, bất giác Cương nghĩ đến việc đưa nó trở lại ngôi nhà của bà mế Mường xứ núi rừng Đông Bắc.

Phú Quý ở cơ quan Cương kể cũng buồn. Cái Tết đầu tiên nó bị bỏ đói mấy ngày liền. Ai cũng bận ăn Tết. Ông bảo vệ không phải lo lắng đến việc đi khóa cánh cửa này, kiểm tra cánh cửa nọ ở các tầng, lại túi bụi với chúc mừng năm mới, nên cũng chẳng nhớ gì đến nó. Mồng sáu Tết, khai xuân, mọi người hào hứng nghĩ đến những phong bao lì xì đỏ chót may mắn mà mình sẽ được nhận nên ào đến như một làn gió mới. Cương sực nhớ đến con mèo. Nó bị treo trên cái dây xích, chỉ hai chân chạm đất. Không rõ nó bị treo như thế bao lâu, không có thức ăn đã đành, lại còn không tiếp cận được bát nước uống. Nó chỉ còn khèn khẹt kêu khe khẽ, nhưng vẫn xù lông và nhe nanh khi Cương đến gần.

Phú Quý lớn lên không phải bằng thịt chuột, mà bằng thức ăn chị Bình mang đến mỗi ngày. Sau khi biết Phú Quý suýt chết đói, chết khát và bị treo bởi chính sợi dây xích, chị Bình áy náy lắm, nên luôn nhớ cho nó ăn uống đầy đủ. Chỉ việc giải thoát cho nó khỏi tù túng thì chị không dám tự ý làm. Chuột vẫn hoành hành ở cơ quan, mọi người vẫn ngán ngẩm. Giờ đây họ có thêm một đối tượng để trách móc. Rằng có mèo mà vẫn như không có mèo, nuôi mà không bắt chuột thì nuôi làm gì. Ơ hay! Mèo thì bị nhốt, vì sau vụ dây xích quấn cổ thì ông bảo vệ đã cho nó vào chiếc lồng mà trước đây ông dùng nuôi chim. Các phòng ban sau giờ làm việc thì đều khóa chặt cửa, chuột tung hoành thỏa sức trong đó, một, chứ mười mèo gào khản cổ thì chuột cũng nào có sợ.

Để Phú Quý ở cơ quan có vẻ không ổn rồi. Từ khi được chị Bình chăm chút, nó lớn nhanh và trông… ngon mắt lạ lùng. Mỗi hôm họp giao ban, mấy ông nhà báo, phóng viên đều nửa đùa nửa thật: "Hôm nào tổng kết cuối năm, mua rau má về cùng nó giải xui nhá".

Phần đùa thì ít, phần thật thì nhiều. Cương thấy trong mắt họ, khi nói về Phú Quý, nó ánh lên hình… chén rượu.

Đầu tiên là Ninh nhận mang Phú Quý về nhà. Cô chưa chồng, một mình một căn hộ chung cư. Nuôi nó là hợp lý quá còn gì, để còn có bầu có bạn, mặc dù khi đã lớn, Phú Quý vẫn không hề thân thiện với bất cứ ai. Bản tính hoang dã của nó dường như không mất đi, mà còn trở nên lớn mạnh. Thôi thì khuất mắt, chứ ở cơ quan, chuột chẳng có cơ hội để bắt, mà suốt ngày bị dọa xào rau má thì cũng tội cho nó.

Ninh mang Phú Quý đi rồi, chị Bình dường như hẫng hụt, chơi vơi. Cái khoảnh khắc chị hẫng hụt khi thấy nơi để lồng của con mèo mọi khi nay trống hoác, chỉ còn cái bát nước uống của nó ở đó ấy, Cương đã chộp được khi cửa thang máy mở. Anh đã từng nghĩ giao mèo cho chị Bình rồi, nhưng con mèo dữ, con trai chị còn bé, nhỡ đâu… thì lại khổ.

Cương về cơ quan thì chị Bình đã làm việc ở đó được vài năm. Chị làm việc từ khi còn chưa chồng, tới khi có chồng, rồi có con, rồi anh chồng bỏ đi, mẹ con chị lần hồi nuôi nấng động viên nhau trong căn phòng còn nhỏ và tồi hơn căn phòng của Cương nhiều. Mỗi lần thấy chị, Cương lại dấy lên một nỗi ái ngại mơ hồ. Rằng, sao một người như chị lại bất hạnh tình duyên làm vậy. Ừ, thì ai chẳng bất hạnh tình duyên, theo cách này hay cách khác. Cương cũng ái ngại cho mình. Cương và vợ dù không đăng ký kết hôn, cũng không ly dị, nhưng có khác nào đã tuột mất nhau cơ chứ. Dăm bữa nửa tháng Cương mới video call cho vợ và nhìn con trai lớn lên, chẳng thấy gần hơn, mà càng lúc càng trở nên xa lạ.

Được dăm hôm thì Ninh lại lếch thếch bê cái lồng mèo đã nặng trịch bên trong đến cơ quan.

"Người yêu em không thích mèo, và nó cào anh ấy". Ninh nói và cố lảng tránh ánh mắt Cương, như thể cô đang che giấu một sự thật khác.

"Sao anh không mang nó về nuôi?" - Ninh hỏi. Cương im lặng. Khu tập thể không cấm nuôi chó mèo gà lợn, nhưng nhà ai cũng như cái chuồng chim, tất cả lũ thú cưng đó đều được nuôi trong cái hành lang hẹp và tối âm u. Yêu chó mèo, mà nuôi trong cảnh ấy có khác gì hành hạ chúng.

Hay là trả nó về với bà cụ miền núi nhỉ? Cương đã nghĩ đến điều đó từ năm ngoái, khi mấy ông họa sĩ lôi nó ra làm mẫu để vẽ... hổ. Hay là cần gì nghĩ ngợi quá nhiều. Nó chỉ là một con mèo, nó không bắt được chuột, cũng không chịu thân thiện với con người, đường về quê cũ xa vời vợi, ngay cả việc ra khỏi cái lồng nhốt cũng là việc hoang đường, thì chi bằng dịp tổng kết cuối năm này cứ để các ông ấy...

★★★

Ôm cái hộp mèo trong tay, Cương ái ngại trước căn phòng nhỏ bé của mẹ con chị Bình. Một con mèo hung dữ như thế này, giao cho một đứa trẻ nuôi có phải là quyết định đúng hay không? Đứa bé trai con chị Bình, chừng mười tuổi, thấy Cương ôm cái hộp giấy, mắt nó sáng lên, như thể đó là món quà quý mà mẹ nó hứa dành cho nó từ lâu. Trước ánh mắt kinh ngạc của Cương, con mèo để yên cho thằng bé thò những ngón tay bé bỏng vuốt tai và xoa đầu nó.

Chúng quen biết nhau đã lâu lắm rồi, chị Bình bảo. Ngày nào chị cũng mang chuyện của con trai kể cho mèo, và chuyện mèo kể cho con trai. Chị muốn đưa mèo về với con trai từ lâu, nhưng lại không dám…

Đêm đó, các diễn viên nhà hát tập luyện, tiếng nói và điệu nhảy của họ vang qua ô cửa sổ đã bị chặn bởi bức tường tối om nhà Cương. Cương nghĩ nếu bán căn phòng này, cùng căn phòng của mẹ con chị Bình, hai người có thể mua cho đứa trẻ và con mèo một căn nhà nhỏ ngoại ô. Căn nhà nhỏ thôi, nhưng ít ra còn có cửa sổ, có những cái cây và thảm cỏ.

Mình bị bỏ bùa chăng? Cương mỉm cười trong bóng tối. Đúng là con mèo đã bị bà mế ếm bùa rồi, bùa yêu, thứ bùa mà khi mùa xuân đến, trai gái đắm say nhau giữa đất trời thơm hương bát ngát!