Mai tứ quý

Cảnh nhà vẫn như xưa. Thùy đứng bên bờ ao đầy cỏ dại. Ngày bà ngoại còn, khi rỗi việc nhà bà lại ra vườn nhổ cỏ.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Bàn tay gầy mòn nhổ từ gốc cây nọ tới khoảnh đất kia, từ bờ ao vào chân tường rêu, mấy ngày mới tới cuối vườn, giáp hàng rào ngoảnh mặt ra sông. Thùy nhón chân chạy lại gốc cây lúc ban đầu, cỏ đã xanh lấm tấm. Gọi là vườn, nhưng mảnh đất quá thênh thang. Đó là “quả ngọt” bố gây dựng. Từ chiến trường trở về, cảnh nhà eo hẹp, lại tới bảy anh chị em trong căn nhà chật, người lính vừa xuất ngũ xốc ba-lô đi khai hoang. Núi đồi âm u, ngoài cổ thụ toàn dây leo, cỏ lau, gai bụi.

Bố gặp mẹ đúng năm tháng đó. Mẹ lên núi tìm thuốc cho ông. Còn bố cặm cụi phát quang từng lùm cây, bụi cỏ. Ông ngoại từng tuyên bố, nếu mẹ quyết gắn bó với một người tay trắng, đừng nhìn mặt ông. Vậy mà mẹ vẫn quỳ gối chắp tay xin ông tha tội. Mối tình đơn sơ, hạnh phúc chênh vênh thử thách lòng người.

Lớn chút, nghe tiếng ghi-ta bập bùng bên sườn đồi vắng đêm đêm, Thùy luôn dào lên niềm trống trải, xa xôi nào đó. Một sáng tinh mơ, bố lặng lẽ khoác ba-lô đi thăm nhà đồng đội cũ, tối mịt mang về mấy giống hoa hồng. Quê nghèo, hoa hồng là định nghĩa xa xỉ. Từng đoạn thân tua tủa gai cắt vát để giâm chứ chẳng phải khóm cây gốc rễ đủ đầy, làm sống được trên sỏi đá cỗi cằn? Nhưng bố cô làm điều kỳ diệu trong im lặng. Ông đẽo gọt từng khúc gỗ thành guồng quay đưa nước lên lưng đồi. Từng mầm chồi, nụ bông lãng mạn bấy nay ngủ quên trong cuốn sổ lưu bút và những lá thư ai đó từng gửi mẹ với nét vẽ bay bổng trở thành hiện thực đầy sống động. Núi đồi tươi đẹp xôn xao, rập rờn hồi sinh trong cơ cực.

Ngày mẹ sinh Thùy, khoảng giao nhau giữa đất đồi và đất vườn, bố trồng một gốc mai tứ quý, loài hoa quanh năm đơm nụ biết bao lần. Cây mai lớn theo Thùy, từng vết phấn trắng đo người đo cây cao dần. Thùy thích đứng dưới gốc, ngắm từng phiến lá xanh đậm rồi với tay ngắt lá, vo lại thấy giòn giòn, thơm ngái. Đường viền răng cưa, cả những đường gân nổi dưới mặt lá cũng mới duyên dáng làm sao. Thùy ngẩn ngơ ngắm nụ hoa biếc xanh như ngọc bích, bóng bẩy. Hoa nở, năm cánh vàng xòe ra mỏng manh như cánh bướm ươm đầy nắng mai. “Bố mẹ ơi! Hoa nở rồi kìa!”, “Đâu đâu, ồ bói hoa sớm quá!”, “Mẹ đã bảo bố con trồng mát tay lắm mà!”…

Mai tứ quý có cách lụi tàn thật lạ lùng. Thùy nghĩ đến một loài hoa bất tử. Khi từng cánh vàng rụng xuống, những đài hoa chuyển dần sang mầu đỏ rực, cong lên như chiếc thuyền thúng tí hon và vẫn chở che, ôm ấp nhụy, vẫn chẳng khác nào một bông hoa. Rồi nhụy bên trong kết hạt, hạt cũng lại căng tràn, biếc như ngọc, chẳng khác nào những chiếc nụ. Hạt mai từ từ đẩy đài hoa bung ra, theo cách nở của một đóa hoa. “Một loài hoa nở suốt bốn mùa, cánh hoa nở rồi đài hoa lại nở, lạ quá. Mẹ thích mai tứ quý bố trồng hơn cả hoa hồng cho mẹ”, mẹ Thùy không thôi xuýt xoa, tay gạt mồ hôi đẫm trán.

*

“Vợ chồng em mời bác sang đây, chắc bác cũng đoán ra chuyện”, em trai Thùy rào đón, em dâu tiếp lời: “Chúng em chưa muốn bàn rộng ra đến cả bố mẹ và anh rể về việc nhà cửa vườn tược ông bà ở quê, chị em mình cứ thống nhất trước cho vui vẻ mọi bề”. Thùy cố giấu vẻ ngơ ngác.

Cách đây hơn tuần, bố mẹ gọi chị em cô, thông báo về việc sắp có đường cao tốc chạy qua, sát sạt khu đất. Ngày xưa, những năm tám mấy, khai hoang đến đâu, bố đều làm sổ sách giấy tờ đến đấy, từ khi cả làng cả xã chẳng ai quan tâm đến mặt mũi cái bìa sổ đỏ thế nào. “Không biết rồi Nhà nước giải quyết tới đâu, nhưng bố mẹ cũng muốn tính chuyện sang tên cho các con để hai đứa chủ động mọi việc. Vùng núi đồi này, công sức bố mẹ nhưng tất cả thuộc về các con”, giọng bố Thùy ấm áp.

“Thế ý cậu mợ giờ thế nào?”, Thùy khẽ hỏi. Em trai cô nhấn nhá: “Chị phận gái, lấy chồng rồi, lại hiểu chuyện nên việc chắc đơn giản thôi. Chị em mình thống nhất để bố mẹ chuyển sổ đỏ sang tên em, quy về một mối, sau này giải quyết gì cho đơn giản”. “Nếu chỉ có vậy, sao cậu không gọi điện cho chị một câu, cần gì bàn bạc khách sáo?”, giọng Thùy vẫn khẽ khàng mà ẩn giấu nhiều tâm trạng. Trên đường về, cô thấy chông chênh. Hai chị em đã định cư ở thành phố xa xôi này, năm về quê đôi lần thăm bố mẹ. Thùy chưa bao giờ nghĩ đến chuyện vùng đồi núi gan ruột ấy một ngày nào đó lại không còn đứng tên bố mẹ mình.

“Bố mẹ đã bàn bạc, tất cả đều chia đôi, con ạ!” Lời mẹ Thùy thoang thoảng bên tai. Nơi này, từng giọt mồ hôi thấm đất chưa khô đã gió giông, mưa nắng bổ xuống đầu. Nhớ những trận sốt rét liên miên của bố. Nhớ bờ vai mẹ lam lũ ươm sắn tỉa ngô trên đồi cao ám nắng. Thùy yêu đất này da diết. Cây mai tứ quý giờ đã sum suê, trên cành bốn mùa lích chích tiếng chim non. Mầu xanh cây lá hòa vào sắc hoa vàng, đài hoa đỏ và những nụ những hạt ngậm sương long lanh như ngọc. Mẹ sinh em trai khi đã luống tuổi, đau đớn đủ bề trong cơn vượt cạn. Ngày mẹ trở dạ, bố nhất quyết không cho Thùy theo cùng lên bệnh viện huyện, bảo cô cứ ở nhà yên tâm ôn thi. Yên tâm sao được. Lòng dạ như lửa đốt. Chân tay thừa thãi bứt rứt làm sao. Cây sào mẹ buộc lưỡi liềm cong cong định trẩy bồ kết gội đầu vừa nãy trên tay mẹ giờ đã trơ giữa sân nhà. Mắt Thùy rưng rưng cay đỏ. Nắng rọi qua những đường răng cưa in trên cổ tay, cổ chân, mặt mũi. Và gió, gió không ngừng thổi. Gió đồi rười rượi trùm lên tóc, lên gáy dìu dịu mùi lá bạch đàn, keo lá chàm và khói đốt đồi mơn man như hơi thở mẹ an ủi, vỗ về.

*

“Chị đã nói chuyện gì với bố, để giờ bố mẹ đổi ý, bảo chia đôi hết là sao?”, Thùy chết lặng trước lời cật vấn. Cô muốn nói với em trai, rằng bố mẹ chưa bao giờ có một ý nghĩ nào khác để mà thay đổi. Hai đứa con là tất cả tình yêu và niềm tin. Em trai cô một mực muốn sở hữu mảnh đất đó, để làm gì? Thùy láng máng mường tượng. Mọi mường tượng cũng có thể vượt xa. Với đầu óc, sự tính toán của người chuyên đầu tư, môi giới bất động sản, em cô kịp quy ra giá trị, dẫn người về thăm dò, bàn bạc. “Đường mở hướng này, cắt ngang qua nhà, mặt đường phía cuối vườn, giáp sông, tức là chỉ mặt này của khu đất mới có giá trị”, người lạ vạch bút lên bản đồ, cùng phân tích với em trai Thùy.

Khoảnh khắc ấy, bố mẹ cô đã chậm rãi bước ra khỏi nhà, cùng đứng dưới gốc mai. Những chiếc ghế gỗ thông nguyên vẹn đó, xấp xỉ tuổi Thùy. Thuở nhỏ, trên chiếc ghế gỗ, hai chị em nhẫn nại ngồi đợi bố mẹ đi tỉa ngô, trồng sắn trên đồi về sẽ dúi cho chiếc tổ chim bé xinh hoặc những quả dại chín thơm lựng được đổ ra từ chiếc xà cạp tay của mẹ. Những chiếc ghế được chị em Thùy biến thành căn nhà, thành đoàn tàu hỏa, thành ô-tô, thành bao nhiêu thứ khác trong tưởng tượng.

*

“Cậu còn nhớ hồi bé mình toàn chơi đùa dưới gốc mai này không?” - “Sao quên được, chị sợ một con chuột xộc ra từ bếp, còn trèo tót lên cây mai. Lúc ấy mới nhận ra cây đã lớn”.

Hai chị em bỗng thấy thấp thoáng dáng lom khom của bà ngoại sớm chiều miệt mài quét hoa rụng, lá rụng. Miệng bà móm mém kêu “tiếc tiếc”: “Hoa lá ngời ngời thế kia mà về với đất. Buồn sao buồn đến lạ lùng”. Thùy cũng thấy buồn lây, thu chân co ro trên bậc thềm. Mỗi độ cuối xuân sang hè, đầu óc người già váng vất, bà chống gậy ra sân ngóng nắng trước rồi mới quét hoa. Bà nhiều dằn vặt, muộn phiền khi cố gắng hòa giải mâu thuẫn giữa ông và mẹ. Hạnh phúc đơn sơ của mẹ vẫn không khiến ông thỏa lòng, bởi nhẽ ra mẹ đã có cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối với chàng trai thành đạt, con cái một gia đình bằng hữu thân thiết nhiều năm. Ông về bên kia núi, bố mẹ đón bà ngoại ra ở cùng, bà vừa giúp chăm nom nhà cửa, trẻ con, cũng nguôi ngoai phần nào. Rồi một ngày, bà không còn dậy sớm ra gốc mai, cũng không còn đứng bên hiên ngóng nắng, bà về bên kia núi theo ông. Chị em Thùy rấm rứt ôm chiếc rổ mây đầy cánh hoa, đài hoa, lá rụng… rắc lên mộ bà.

*

“Tối qua, mợ sang nhà chị và đưa ra tấm bản đồ. Mợ bảo, trong tình huống phải chia mảnh đất làm đôi thì dự định chia như thế, như thế. Phần đất đồi của chị, đất vườn của em…” - “Vậy ý chị sao?” - “Chị vẫn muốn mảnh đất là một, chị đã nói chuyện với bố mẹ, sang tên em!”… Cuộc chuyện trò nhẹ nhõm, khác xa tưởng tượng của em trai Thùy. Vậy mà lòng người trĩu xuống. Chị gái có đôi mắt buồn. Người đã luôn nhường nhịn trong cả trò chơi tuổi nhỏ. Nếu mảnh đất chia đôi như thế, cây mai tứ quý sẽ trở thành ranh giới, không thuộc về ai. Bằng không, như ý Thùy, đến gốc mai cũng không còn thuộc về người chị…

“Thực ra, em từng nghĩ, sẽ đón bố mẹ ra phố ở cùng rồi cắt xẻ mảnh đất này bán chác. Giờ mọi thứ không quan trọng nữa. Đất là của bố mẹ, chị em mình nên về thường xuyên hơn”. Em trai Thùy vừa nói, vừa nhớ cái dáng gầy gầy, lành hiền trên chiếc ghế, trong lòng tay, những đài hoa đỏ rực, đến phút cuối rụng rơi vẫn cong cong như muốn ôm ấp thật trọn vẹn từng hạt mai biếc xanh. Cây mai tứ quý ẩn giấu số phận, ký ức gia đình mà dẫu buồn vui gì con người vẫn một lòng muốn nâng niu, gìn giữ.